Năng lực cảnh báo sớm lũ tại ĐBSCL được cải thiện

17:07' - 24/11/2020
BNEWS Ngày 24/11, tại Cần Thơ, Bộ Xây dựng phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức tổng kết Chương trình thoát nước và chống ngập đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngày 24/11, tại Cần Thơ, Bộ Xây dựng phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức tổng kết Chương trình thoát nước và chống ngập đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu (FPP), được triển khai tại 8 tỉnh duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long gồm: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Sóc Trăng, Cà Mau, An Giang và Kiên Giang.

Sự kiện nhằm tổng kết những kết quả đạt được qua 8 năm thực hiện dự án từ năm 2012 - 2020, đồng thời thu thập ý kiến của các đại biểu tham dự để triển khai chương trình mới, dự kiến thực hiện từ năm 2021 - 2025.

Ông Marcel Reymond, Trưởng Bộ phận Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam cho biết: Chương trình FPP đã đạt được những thành công lớn, Chính phủ Thụy Sỹ tiếp tục hỗ trợ cho giai đoạn tiếp theo của Chương trình tại đô thị Đồng bằng sông Cửu Long.

Chúng tôi mong muốn tăng cường khả năng thích ứng của đô thị Đồng bằng sông Cửu Long thông qua đẩy mạnh liên kết phát triển vùng, thực hiện mô hình thoát nước đô thị theo hướng bền vững và áp dụng phương thức tích hợp trong quy hoạch đô thị.

Theo Tiến sĩ Tim McGrath - Giám đốc Chương trình FPP, để đảm bảo tính bền vững, chương trình đã áp dụng phương thức tiếp cận tổng hợp, tập hợp những bài học kinh nghiệm cụ thể, thực tế, đưa những kinh nghiệm từ cấp địa phương lên Trung ương, đồng thời vận động và hỗ trợ điều chỉnh khung chính sách.

Nhờ đó, những chính sách được thực hiện hiệu quả, trong số những văn bản quy phạm pháp luật đó có Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 6/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải, Thông tư 04/2015/TT-BXD ngày 3/4/2015 Điều chỉnh Định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

Chương trình FPP có 6 lĩnh vực hoạt động chính và trọng tâm đều hướng đến lợi ích người dân. Theo thống kê của Tổ chức GIZ về những lợi ích dự án mang lại, có 35,69 triệu người dân đô thị Việt Nam được hưởng lợi từ những quy định về quy hoạch thoát nước; khoảng 17,2 triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long được hưởng lợi từ việc tăng cường năng lực cảnh báo lũ sớm; khoảng 5,5 triệu người dân ba tỉnh Kiên Giang, An Giang và Cà Mau được hưởng lợi từ việc tăng cường năng lực chuẩn bị ứng phó với thiên tai, kế hoạch di dời khi có thiên tai…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết: Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với Tổ chức GIZ nỗ lực nhân rộng những kết quả chính của chương trình tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và tại các đô thị Việt Nam.

Từ năm 2012 đến năm 2020, Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) và Tổ chức GIZ đã hợp tác với 8 tỉnh duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện Chương trình thoát nước và chống ngập úng đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, nguồn vốn được tài trợ bởi Chính phủ Đức và Chính phủ Thụy Sỹ.

Mục tiêu Chương trình nhằm giảm thiểu rủi ro ngập úng đô thị, cải thiện hệ thống cảnh báo sớm và tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu trong quản lý thoát nước và chống ngập úng cho các cơ quan quản lý nhà nước cấp Trung ương, địa phương và người dân đô thị tại các tỉnh được triển khai.

Trong quá trình thực hiện dự án đã có một số phát hiện khoa học quan trọng như: trung bình Đồng bằng sông Cửu Long sụt lún ở mức 1 cm/năm, làm tăng thêm đáng kể tác động của mực nước biển dâng; các khu vực đô thị sụt lún nhanh hơn ở nông thôn, trong đó mức sụt lún trung bình của đô thị là 2 - 4 cm/năm và ở nông thôn là 0,5 - 2 cm/năm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục