Thay đổi sản xuất theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu

16:55' - 12/11/2020
BNEWS Biến đổi khí hậu và dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường và khó kiểm soát, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, thành viên hợp tác xã, nhất là người nghèo và đối tượng dễ bị tổn thương.
Hưởng ứng chủ đề ngày Hợp tác xã Quốc tế năm 2020 “Hợp tác xã hành động vì biến đổi khí hậu”, sáng 12/12 tại Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (VCA) phối hợp với Tổ chức Hỗ trợ phát triển nông nghiệp Hà Lan (Agriterra) và Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo “Vai trò của hợp tác xã trong thực hiện kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch VCA khẳng định: Biến đổi khí hậu và dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường và khó kiểm soát, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, thành viên hợp tác xã, nhất là người nghèo và đối tượng dễ bị tổn thương. Điều này trở thành một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại trên phạm vi toàn cầu.
Với tinh thần chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, ông Nguyễn Ngọc Bảo đề nghị các hợp tác xã thay đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng phát triển bền vững. Bên cạnh đó, hình thành cho mỗi thành viên hợp tác xã và các hợp tác xã ý thức chủ động phòng và tránh thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro và thiệt hại, phát triển và nhân rộng các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái và cộng đồng của khu vực hợp tác xã.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế hợp tác (VCA) cho biết, trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Chính phủ, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong phát triển rừng và quản lý rừng, các hợp tác xã lâm nghiệp ở Việt Nam đã được thành lập và đang đóng góp quan trọng trong phát triển rừng trồng, quản lý rừng và phát triển ngành lâm nghiệp.
Theo thống kê, tại tỉnh Yên Bái có gần 30 hợp tác xã, tổ hợp tác lâm nghiệp; tỉnh Tuyên Quang có 12 hợp tác xã nông lâm nghiệp, Bắc Cạn có 17 hợp tác xã nông lâm nghiệp; Hà Giang có gần 10 hợp tác xã lâm nghiệp; Thừa Thiên Huế hiện có 15 hợp tác xã lâm nghiệp; tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa… Mỗi tỉnh có hàng chục hợp tác xã lâm nghiệp hoạt động hiệu quả, vừa giúp các hộ thành viên phát triển rừng, bảo vệ rừng, khai thác rừng,vừa có thu nhập ổn định.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Cường, bên cạnh các kết quả đạt được, các hợp tác xã lâm nghiệp hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đó là, vốn chủ sở hữu ít, chủ yếu vốn vay từ các tổ chức tín dụng ngắn hạn, trong khi thời gian trồng và thu hoạch rừng thường kéo dài như cây keo là 4-5 năm, các loại cây khác có thời gian dài hơn.
Mặt khác, việc việc lựa chọn, quản lý chất lượng hạt giống; kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch  rừng trồng … còn nhiều bất cập, thu nhập của người trồng rừng thiếu ổn định; ảnh hưởng do bão, lũ luôn là mối đe dọa thường trực đối với người trồng, quản lý, khai thác rừng.
Ông Nguyễn Mạnh Cường cũng chỉ ra rằng, mặc dù Luật Hợp tác xã 2012 có hiệu quả từ ngày 1/7/2013, đến nay đã trải quá gần 8 năm, nhưng một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động của hợp tác xã, nhất là các hợp tác xã lâm nghiệp như quy định tỷ lệ  50% dịch vụ cho thành viên và 50%  ra ngoài cộng đồng thành viên.
Bên cạnh đó, việc phân phối thu nhập chủ yếu theo mức độ sử dụng sản phẩm dịch vụ sau đó mới đến vốn góp; các tiêu chuẩn để trở thành thành viên hội đồng quản trị, kiểm soát… còn cản trở hợp tác xã phát triển.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong (Phú Yên) cho hay, do biến đổi khí hậu nên hợp tác xã Hòa Phong chú trọng áp dụng kỹ thuật vào canh tác các loại cây trồng, quy hoạch từng vùng để thích nghi vào từng loại cây trồng.
Cùng với đó, hợp tác xã đã quy hoạch chuyển đổi những vùng có diện tích sản xuất bấp bênh, đem lại hiệu quả kinh tế thấp chuyển sang trồng các cây ngắn ngày nhằm tăng thu nhập cho thành viên.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều thành viên chưa quan tâm đến việc thực hiện mô hình chuyển đổi cây trồng để thích ứng với biển đổi khí hậu bất thường, diện tích chuyển đổi không tập trung làm ảnh hưởng đến việc đầu tư thâm canh, để tăng năng suất của các loại cây trồng.
Hơn nữa, thị trường tiêu thụ đầu ra của sản phẩm không ổn định, xu hướng biến động giảm lớn nên bà con thành viên rất khó khăn trong thực hiện mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa phương.
Do đó, ông Nguyễn Ngọc Tuấn kiến nghị cần được sự hỗ trợ của các cấp, ban ngành tạo mọi điều kiện về chính sách, kinh phí, giới thiệu các mô hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả, phù hợp với địa phương để hợp tác xã vận động thành viên tham gia sản xuất.
Ngoài ra, các cấp, ban ngành cần tổ chức các lớp tập huấn và tạo điều kiện cán bộ và thành viên hợp tác xã tiếp cận và nắm bắt được các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại để áp dụng thực hiện trong sản xuất.
Theo đại diện Vụ Hợp tác quốc tế (VCA), để tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất kinh doanh cần đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều kênh thông tin nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết của các hợp tác xã trong sản xuất kinh doanh và đời sống sinh hoạt từ đó nâng cao kiến thức của hợp tác xã về vấn đề bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, tăng cường vai trò của tập thể của hợp tác xã để các thành viên cùng tìm giải pháp thích ứng; phát huy sức mạnh giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển, thay đổi sinh kế phù hợp với tình trạng biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, các hợp tác xã phải chủ động xây dựng và triển khai các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí CO2 trong quá trình sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo.
Chẳng hạn như sử dụng năng lượng mặt trời, sinh khối trong sinh hoạt và sản xuất kinh doanh, thực hiện các chiến dịch xanh hóa môi trường như trồng rừng, trồng cây trong đô thị, hạn chế sử dụng đồ nhựa trong sinh hoạt và quá trình sản xuất…
Theo đó, ông Nguyễn Văn Tiến- Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) nhấn mạnh: Tới đây khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã cần tổ chức học tập, tuyên truyền, tập huấn trong hệ thống hợp tác xã nhằm thống nhất nhận thức, hành động về thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, khuyến khích hợp tác xã sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, giảm nhẹ biến đổi khí hậu thông qua việc sử dụng tiết kiệm nguồn năng lượng hiện có, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên đất, tài nguyên nước, góp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao diện tích, chất lượng rừng làm tăng khả năng hấp thụ các khí nhà kính; quản lý chất thải chất thải, vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu, chất thải trong chăn nuôi, đốt rơm dạ sau thu hoạch lúa…
Ngoài ra, xây dựng và thực hiện các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn về đầu tư xây dựng các thiết chế hạ tầng như đường giao thông, các công sở, cơ sở sản xuất kinh doanh đảm bảo an toàn trước thiên tai.
Mặt khác, khu vực hợp tác xã cần điều chỉnh, lồng ghép nội dung phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai vào kế hoạch, chiến lược phát triển của các hợp tác xã, giảm thiểu rủi ro thiên tai, thích ứng với đặc điểm của từng vùng, miền, nhất là vùng ven biển, khu vực đông dân cư và xu hướng biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Đặc biệt, phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới thích ứng với biến đổi khí hậu cả về số lượng thành viên và quy mô hoạt động, phát huy các giá trị lợi ích chia sẻ, đổi mới sáng tạo, tổ chức quản trị theo hướng phát triển bền vững./.

>>Mục tiêu tài chính giúp các nước nghèo chống biến đổi khí hậu gặp khó


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục