Năng lực cạnh tranh trong thời đại 4.0

05:30' - 12/01/2019
BNEWS Cách một nền kinh tế thích ứng với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (IR4) sẽ quyết định việc họ phát triển hay đình trệ và có thể tác động đến bộ máy lao động và các mối quan hệ trong xã hội.
Năng lực cạnh tranh trong thời đại 4.0. Ảnh: TTXVN

Đó là nhận định được đưa ra trong báo cáo mới đây về Cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).

 * Mỹ giành ngôi vương về năng lực cạnh tranh 4.0

Năm 2018, một trong những sự kiện được chú ý nhất là việc nền kinh tế Mỹ lần đầu tiên quay trở lại “ngôi vương” nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới sau 10 năm, với điểm số 85,6/100 trong thang chấm điểm về năng lực cạnh tranh toàn cầu của WEF. Các thế mạnh của nền kinh tế lớn nhất thế giới bao gồm sự năng động trong kinh doanh, thị trường lao động và hệ thống tài chính.

Đây cũng là năm đầu tiên WEF sử dụng phương pháp và bộ chỉ số mới nhằm phản ánh một cách đầy đủ nhất tác động của IR4. Nhờ đó, các yếu tố như vốn, nhân lực, sự nhanh nhẹn, kiên cường, cởi mở và khả năng đổi mới của nền kinh tế có “trọng lượng” khá lớn trong bức tranh đánh giá toàn cảnh.

Theo sau Mỹ là Singapore đứng ở vị trí thứ 2 nhờ sự mở cửa kinh tế và nền tảng hạ tầng hiện đại. Trong đó, hệ thống giao thông được xếp loại hàng đầu thế giới của “đảo quốc sư tử” đã đạt số điểm gần như tuyệt đối là 95,7. Đứng thứ ba là Đức, thành viên Liên minh châu Âu (EU) có thứ hạng cạnh tranh cao nhất.

Trong báo cáo năm 2018 của WEF, năng lực cạnh tranh không chỉ gắn liền với thu nhập cao hơn mà còn mang lại kết quả kinh tế-xã hội tốt hơn, bao gồm cả sự hài lòng trong cuộc sống.

Giải thích về cách tiếp cận mới để đo lường năng lực cạnh tranh, Thierry Geiger, Trưởng phòng Nghiên cứu về tác động khu vực, tương lai tiến bộ kinh tế của WEF, cho biết: “Năng suất là động lực tăng trưởng quan trọng nhất trong năm 2018, giữa bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển như vũ bão, dẫn đến nhu cầu điều chỉnh các động lực cạnh tranh và khả năng tăng trưởng trong dài hạn. 

Những thước đo mới này bao gồm khả năng thích ứng và sự nhanh nhẹn của tất cả các bên liên quan, bao gồm cả Chính phủ. Ngoài Mỹ, 4 quốc gia còn lại trong top 5 là Singapore, Đức, Thuỵ Sỹ và Nhật Bản. Trong khi đó, 3 quốc gia đứng cuối bảng xếp hạng là Haiti, Yemen và Chad. Đây là những quốc gia mà theo đánh giá của WEF là kém phát triển nhất thế giới.

 * Kinh tế thế giới chưa thật sự sẵn sàng

Trong khi đó, mặc dù đứng ở vị trí số 1, song WEF lưu ý rằng nền kinh tế Mỹ đang bị kiềm toả bởi một sự liên kết xã hội suy yếu, tình hình an ninh xấu đi, việc áp dụng công nghệ thông tin chưa thật sự mạnh mẽ và nạn tham nhũng. Bên cạnh đó, nền kinh tế này cũng bị tụt hậu so với các nền kinh tế tiên tiến khác về mặt sức khoẻ, với tuổi thọ trung bình thấp hơn 3 năm so với mức bình quân.

Ngoài ra, với kết quả 103 trong số 140 nền kinh tế có điểm số về sự đổi mới thấp hơn 50%, WEF cũng cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu chưa sẵn sàng cho IR4– điểm khởi đầu cho sự trỗi dậy của công nghệ kỹ thuật số. 

Báo cáo của Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch điều hành của WEF, cho hay: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã trở thành yếu tố quyết định cho khả năng cạnh tranh của một quốc gia. Tôi đã thấy trước một sự phân rẽ toàn cầu mới giữa những quốc gia hiểu được sự thay đổi này và những quốc gia không hiểu. Chỉ những nền kinh tế nhận ra tầm quan trọng của IR4 mới có thể mang lại cơ hội cho người dân của họ”.

Một điểm đáng lưu tâm khác là khi các nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình có thể phát triển công nghệ để bắt đầu tăng trưởng, tầm quan trọng của các trụ cột phát triển cũ như khả năng quản trị và nền tảng cơ sở hạ tầng, kỹ năng tay nghề vẫn cần được lưu ý. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là trong số 140 nền kinh tế được khảo sát, có đến 117 nền kinh tế đã bị tụt hậu về chất lượng của các tổ chức, gây tác động tiêu cực đến khả năng cạnh tranh chung.

Trong khi đó, mặc dù thừa nhận tầm quan trọng của đổi mới công nghệ, WEF cũng kêu gọi các Chính phủ tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế thông qua các chính sách cởi mở như hàng rào thuế quan thấp và sự linh hoạt trong các chính sách thuê lao động nước ngoài; đồng thời tạo điều kiện cho việc phân phối lại các chính sách kinh tế, chẳng hạn như đầu tư vào nguồn nhân lực thông qua các chương trình đào tạo, thuế nhằm mục đích giải quyết tình trạng bất bình đẳng.

Saadia Zahidi, người đứng đầu Trung tâm Kinh tế và Xã hội mới của WEF, cho biết tất cả các quốc gia có thể trở nên thịnh vượng hơn nếu họ theo đuổi sự đổi mới mà không phải trả giá cho các vấn đề phát triển cũ.

Theo chuyên gia này, với khả năng tạo ra sự đột biến về kinh tế, sự lan toả xuyên biên giới và các hình thức tạo giá trị mới, IR4 có thể san bằng sân chơi cho tất cả các nền kinh tế. Tuy nhiên, công nghệ không phải là một “viên đạn bạc”, các quốc gia cần phải đầu tư vào con người và tổ chức để thực hiện lời hứa về công nghệ.

Thông điệp chính của báo cáo về Chỉ số cạnh tranh toàn cầu là không có kẻ thắng và người thua, nhưng trước những thách thức công nghệ mới, các quốc gia có thể học hỏi lẫn nhau. Năng lực cạnh tranh không phải là một cuộc cạnh tranh cũng không phải là một trò chơi có tổng bằng không - tất cả các quốc gia đều có thể trở nên thịnh vượng hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục