Nắng nóng tiếp tục hoành hành trên khắp châu Âu

12:38' - 07/08/2018
BNEWS Nhiệt độ cao đã gây ra các vụ cháy rừng, nhà máy điện hạt nhân phải đóng cửa, cuộc sống của người dân bị đảo lộn tại nhiều quốc gia như Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức và Anh.
Những ngày này, nắng nóng kéo dài và thời tiết khô hạn đang đảo lộn cuộc sống của người dân tại nhiều quốc gia châu Âu như Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Ảnh: TTXVN phát

Tại Pháp, nhiệt độ trong ngày 6/8 đã lên tới 37 độ C ở một số khu vực miền Nam, trong khi thời tiết ở miền Bắc được dự báo sẽ nóng hơn trong ngày 7/8. Trước đó, ngày 4/8 đã được ghi nhận là ngày nắng nóng nhất tại Pháp kể từ năm 2003.

Nắng nóng kéo dài đã buộc nhà chức trách Pháp phải dừng hoạt động 4 lò phản ứng hạt nhân nhằm tránh rủi ro có thể xảy ra. Nắng nóng cũng làm gia tăng mức độ ô nhiễm không khí và để giảm ô nhiễm, thành phố Paris đã cấm các loại phương tiện thuộc diện gây ô nhiễm nhất lưu thông trong ngày 6/8.

Trong khi đó, để giảm khói bụi, chính quyền khu vực miền Đông nước Pháp đã phải giảm mức hạn chế tốc độ giao thông xuống còn 20km/h. Bộ Y tế Pháp khuyến cáo người dân có các biện pháp thích hợp để đối phó với thời tiết cực đoan, cần uống nhiều nước, đặc biệt là tăng cường hấp thụ muối vào cơ thể.

Tại Tây Ban Nha, nắng nóng kéo dài suốt nhiều tuần qua đã khiến ít nhất 7 người thiệt mạng. Nhiệt độ tại quốc gia trên Bán đảo Iberia luôn duy trì ở mức cao, đặc biệt ở khu vực Tây Nam đã lên tới 40-42 độ C. Lực lượng cứu hỏa đang tích cực triển khai các hoạt động dập đám cháy rừng ở tỉnh Huelva (Tây Nam nước này), do gió đã nhẹ hơn.

Trong khi đó, tại Bồ Đào Nha, khoảng 1.100 lính cứu hỏa cùng 160 binh sĩ hỗ trợ cũng đang nỗ lực khống chế vụ cháy rừng ở Monchique, miền Nam nước này. Điều kiện thời tiết ôn hòa hơn đã khiến các nỗ lực chữa cháy và cứu hộ được tiến hành thuận lợi hơn. Hiện 95% đám cháy đã được kiểm soát.

Đám cháy khiến 24 người bị thương, trong đó 1 người trong tình trạng nguy kịch. Trước đó, trong sáng 6/8, chính quyền địa phương đã tiến hành sơ tán nhiều người dân để đảm bảo tính mạng.

Nhiệt độ tại Bồ Đào Nha hiện vẫn duy trì ở mức 45 độ C, tuy nhiên đang có xu hướng giảm dần trong những ngày tới.

Trước đó, nhiệt độ ghi nhận tại phía Bắc thành phố Lisbon ngày 4/8 là 46,8 độ C - gần bằng mức kỷ lục đã ghi nhận được ở Bồ Đào Nha năm 2003 là 47,3 độ C.

Nhiệt độ tăng cao buộc công ty đường sắt quốc gia Bồ Đào Nha phải ngừng bán vé một số tuyến tàu, đặc biệt là những tuyến đi qua các khu vực nắng nóng nghiêm trọng.

Tại Đức, các cơn mưa dông cục bộ cuối tuần qua đã giúp hạ nhiệt ở một số khu vực, đặc biệp là ở miền Nam. Tuy nhiên, nhiệt độ tại khu vực miền Đông dự báo sẽ quay lại mức 39 độ C vào giữa tuần này. Số liệu thống kê vừa công bố cho thấy, nền nhiệt trung bình tại Đức từ tháng 4 đến tháng 7/2018 cao hơn 3,6 độ C so với giai đoạn 1961-1990. Hiệp hội nông dân Đức đang đề nghị chính phủ hỗ trợ 1 tỷ euro (tương đương 1,15 tỷ USD) để bù đắp phần nào thiệt hại về mùa màng khi có nơi sản lượng nông nghiệp bị ảnh hưởng tới 70%.

Trong khi đó, tại Anh, nhiệt độ ở miền Bắc đã giảm nhẹ và trời nhiều mây hơn, nhưng vẫn chạm mức đỉnh điểm 32 độ C tại khu vực miền Nam. Cơ quan khí tượng Anh dự báo nắng nóng còn tiếp diễn đến ngày 7/8.

Tình trạng khô hạn kéo dài nhiều ngày qua ở các đảo xa như đảo Lundy ở Eo biển Bristol khiến người dân nơi đây phải phụ thuộc nước sinh hoạt chuyển tới từ đất liền, sau khi các nguồn cung cấp nước trên đảo đã cạn kiệt. Số liệu thống kê cho thấy trong 3 tuần gần đây đã có khoảng 300 con ngỗng và thiên nga ở thủ đô London chết do nắng nóng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục