Nâng tầm trái cây Việt

18:48' - 12/02/2021
BNEWS Sự phát triển bùng nổ những cây có múi; trong đó có cây cam những năm gần đây khiến sản phẩm này trên thị trường rẻ chưa từng có, thậm chí chỉ vài nghìn đồng mỗi kg.

Nhận thấy thực trạng này sẽ diễn ra, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã bắt đầu chuyển mình với những ý tưởng nâng tầm những quả cam đặc sản và nghiên cứu đầu tư các sản phẩm chế biến.

 

Mạnh dạn, táo bạo, thậm chí có người còn bảo là liều lĩnh khi đánh giá về chị Vũ Thị Lệ Thủy - Giám đốc Hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong (3Tfarm).

Năm 2019, chị Thủy đã có quyết định táo bạo khi đưa những quả cam của vùng đất nổi tiếng Cao Phong, tỉnh Hòa Bình đã được chỉ dẫn địa lý trở thành những món quà cao cấp.

Khi thấy trên thị trường bày bán các sản phẩm trái cây ngoại với các giỏ quà từ vài trăm cho đến hàng triệu đồng, chị tự hỏi tại sao trái cây Việt Nam vừa ngon lại chất lượng cao lại không được làm như vậy.

Chị thấy chất lượng những trái cây Việt không thua kém, thậm chí nhiều sản phẩm hơn cả sản phẩm nhập khẩu nhưng về mặt hình thức cũng như xây dựng thương hiệu chưa cao.

Chị Thủy cũng nhận thấy người sản xuất do chưa biết khai thác hết thế mạnh cũng chưa biết cách làm marketing để giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng, để họ tiếp cận tốt nhất. Trong khi đó những người tiêu dùng Thủ đô rất cần các sản phẩm có chất lượng lại mang giá trị thẩm mỹ.

Sống trên vùng đất Cao Phong đã rất nổi tiếng với sản phẩm cam đặc sản, chị Vũ Thị Lệ Thủy đề ra mục tiêu phải có một mặt hàng cam quả chất lượng đặc biệt để gia tăng giá trị cho sản phẩm này.

Cùng với quyết tâm giữ vững thương hiệu cam Cao Phong, 3TFarm đã nâng tầm giá trị quả cam bằng cách thiết lập những quà tặng cao cấp.

Những quả cam được chọn làm quà tặng cao cấp 3TFarm là những sản phẩm đã được chăm sóc theo hướng hữu cơ. Khi thu hoạch, trái cam được đưa về khu sơ chế, phân loại.

Sản phẩm sẽ được chọn lọc rất khắt khe, chỉ có khoảng từ 8-10% trong tổng sản lượng cam sản xuất ra được chọn và đáp ứng đủ tiêu chuẩn về màu sắc, kích cỡ và chất lượng cho sản phẩm quà tặng cao cấp.

Sau khi phân loại, cam sẽ được đưa vào xưởng rửa sạch, xử lý khử trùng theo quy trình và dán nhãn tem truy xuất nguồn gốc trên từng quả trước khi đóng gói vào hộp quà tặng đã được thiết kế đẹp mắt và độc đáo.  

Năm 2019, sản phẩm lần đầu tiên được đưa ra thị trường đã được khách hàng đón nhận và phản hồi tích cực. Tuy nhiên, với cá nhân chị Thủy, chị vẫn chưa hài lòng với sản phẩm đầu tay này của mình.

Chị cảm nhận vẫn chưa tiếp cận với đông đảo khách hàng nên chưa thâm nhập thị trường được sâu. Vụ cam năm nay, chị vẫn tiếp tục theo đuổi dòng sản phẩm quà tặng cao cấp.

Chị Thủy chia sẻ, chị đã có thêm kinh nghiệm về cách tiếp cận thị trường nhờ sự phản hồi tích cực từ khách hàng. Do đó, năm nay, chị Thủy sẽ thay đổi cách tiếp cận và thay đổi mẫu mã bao bì sản phẩm để sản phẩm đến được với đa số người tiêu dùng hơn.

Với mỗi sản phẩm làm ra, chị Thủy tự nhận thấy mình làm thương hiệu bằng chính tình yêu với sản phẩm chứ kiến thức chuyên sâu thì chưa nhiều. Chị cảm nhận được đến đâu thì làm đến đó, mặc dù cách làm còn nhiều hạn chế.

Bên cạnh dòng sản phẩm cao cấp, những sản phẩm có mẫu mã thấp hơn được hợp tác xã lựa chọn bán ở các cửa hàng thực phẩm sạch.

Dòng sản phẩm này đang cung cấp một số đơn vị kinh doanh thực phẩm sạch ở nhiều địa phương như: Hà Nội, Ninh Bình, Nghệ An, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh… và siêu thị Lotte mart.

Còn những quả không đạt yêu cầu về mẫu mã, hợp tác xã đưa vào chế biến như siro cam, mứt vỏ cam, bánh quy cam… với mục tiêu là tạo giá trị gia tăng trên mọi sản phẩm. Hàng sản phẩm quà tặng của hợp tác xã đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.  Hợp tác xã đang phấn đấu để các sản phẩm chế biến có thể đạt được 5 sao trong tương lai.

Xây dựng mục tiêu phấn đấu bằng con đường chất lượng nên HTX 3TFarm đang có trên 40 ha cam với 25 hộ trồng nhưng trong 5 năm tới sẽ không có sự gia tăng diện tích mà là đầu tư để hoàn thiện tối đa quy trình sản xuất và đưa ra quy trình thống nhất.

Chị Thủy còn ấp ủ xây dựng mục tiêu khai thác du lịch nông nghiệp do đó quy trình sản xuất sẽ khác.

Tại vùng đất cam Hà Giang, sinh ra và lớn lên ở mảnh đất và gia đình lại có truyền thống trồng cam, anh Nguyễn Việt Cường, Giám đốc Công ty cổ phần Cam Ta gặp không ít cảnh bị các thương lái o ép về giá mỗi khi vào vụ.

Trong khi đó, không chỉ Hà Giang, mà nhiều địa phương khác, cây cam ngày càng phát triển mạnh. Cộng với thời tiết càng trở lên khắc nghiệt nên hiệu quả đến với người trồng cam không cao.

Chứng kiến và thấy được những khó khăn, vất vả đó của chính mình cũng như những người dân trồng cam tại địa phương, anh Nguyễn Việt Cường không đành lòng.

Anh Cường chia sẻ, quả tươi bán với giá rất thấp, thậm chí rất khó bán khi mà không chỉ Hà Giang mà rất nhiều địa phương khác đều đầu tư vào cây có múi, đặc biệt là cây cam.

Anh Nguyễn Việt Cường đã quyết tâm đi tìm hiểu, học hỏi những món có thể kết hợp với cam, những món có thể làm từ cam. Với ấp ủ đó, anh Cường đã mày mò, tìm hiểu và nghiên cứu chế biến các sản phẩm từ cam như rượu cam, tinh dầu cam, mứt cam, siro cam, mật cam… Đặc biệt hơn nữa là các sản phẩm của anh đều được tỉnh Hà Giang công nhận đạt 4 sao OCOP.

Anh cũng đang nghiên cứu và đưa ra thị trường một số dòng sản phẩm từ cam như: mứt vỏ cam sấy, mứt múi cam sấy dẻo… Với việc chế biến và tận dùng gần như tất cả từ quả cam nên anh đã đầu tư vùng nguyên liệu từ sản xuất thông thường sang hữu cơ.

Tương lai anh sẽ chuyển toàn bộ 20 ha cam sang sản xuất hữu cơ để có được nguyên liệu cũng như sản phẩm chất lượng tốt nhất.

Chính vì mới bước chân vào lĩnh vực chế biến cam nên để có thể đứng trên thị trường, anh Nguyễn Văn Cường sẽ cần một khoảng thời gian chờ người tiêu dùng công nhận.

Tuy nhiên, từ khi sản phẩm được gắn với 4 sao OCOP, sản phẩm của anh đã có thể đến với người tiêu dùng nhanh hơn. Người tiêu dùng cũng có sự tin tưởng cao hơn khi sản phẩm đã có được chứng nhận OCOP.

Cũng chính từ việc đạt sản phẩm OCOP, ngoài phân phối cho siêu thị, kênh bán hàng online, anh Cường đã liên kết được với các đơn vị cùng sản xuất sản phẩm OCOP để cung cấp nguyên liệu đầu vào cho một số sản phẩm của họ.

Điển hình như anh đang cung cấp các sản phẩm như mứt cam cho các đơn vị sản xuất sữa: Amifarm Mộc Châu, sữa chua Mục Đồng (Hà Nam)… để kết hợp, chế biến ra thêm các sản phẩm có hương vị của cam nguyên chất chứ không phải từ những hương liệu.

Sở hữu nhiều sản phẩm chế biến từ cam, có lợi cho sức khỏe, Tết Tân Sửu này, anh Cường cho ra ý tưởng thiết kế các giỏ quà tặng từ các sản phẩm mình chế biến ra nhằm đem đến cho người tiêu dùng thưởng thức hương vị mới lạ từ những sản phẩm thân quen./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục