NATO: “Cách hành xử liều lĩnh” của Triều Tiên cần một biện pháp đối phó toàn cầu

19:02' - 10/09/2017
BNEWS Ngày 10/9, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg khẳng định “cách hành xử liều lĩnh” của Triều Tiên là mối đe dọa toàn cầu nên cần một biện pháp đối phó toàn cầu.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: EPA/TTXVN

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình BBC, ông Stoltenberg cũng đã kêu gọi Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa, đồng thời kiềm chế thực hiện các vụ thử hạt nhân, tên lửa bởi việc này vi phạm các nghị quyết an ninh của Liên hợp quốc.

Ông khẳng định đây cũng là mối đe dọa đối với hòa bình và sự ổn định quốc tế.

Người đứng đầu NATO cho biết hiện tổ chức này đang tập trung vào cách thức để có thể góp phần vào một giải pháp hòa bình đối với cuộc xung đột.

Cũng trả lời phỏng vấn BBC, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon bày tỏ sự lo ngại về tình hình Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh cần tránh để xảy ra một cuộc xung đột quân sự bằng mọi giá.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera ngày 10/9 cho rằng Triều Tiên khả năng đang sở hữu các vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng trong một cuộc chiến thực sự.

Nhận định này được đưa ra sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên cách đây đúng 1 tuần.

Phát biểu với báo giới, ông Onodera cho biết sức công phá trong vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên mạnh gấp 10 lần sức công phá của bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima năm 1945.

Người đứng đầu ngành quốc phòng Nhật Bản không thể phủ nhận khả năng Triều Tiên đang sở hữu các vũ khí hạt nhân.

Trong một chương trình truyền hình trước đó cùng ngày, ông Onodera dự đoán hành động khiêu khích tiếp theo của Triều Tiên có thể là vụ phóng thử một tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Ông cho rằng có khả năng tên lửa sẽ bay qua Nhật Bản một lần nữa, giống như tên lửa đạn đạo tầm trung mà Bình Nhưỡng phóng qua Hokkaido hồi cuối tháng trước.

Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên tiếp tục leo thang sau khi Triều Tiên tuyên bố đã thử thành công bom nhiệt hạch (bom H) có thể gắn vào tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân này của Bình Nhưỡng, Mỹ, Hàn Quốc và một số nước khác đang thúc đẩy Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) thông qua lệnh trừng phạt mạnh tay hơn, trong đó có lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Triều Tiên và phong tỏa tài sản của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Mỹ đã chính thức đề nghị HĐBA LHQ tổ chức một cuộc bỏ phiếu vào ngày 11/9 tới để thông qua dự thảo nghị quyết tăng cường trừng phạt Triều Tiên./.

Xem thêm:

>>>LHQ quan ngại chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên

>>>Lãnh đạo Pháp, Mỹ, Nhật Bản thảo luận gia tăng sức ép với Triều Tiên

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục