Nên hay không nên tách Luật giao thông đường bộ?

21:13' - 28/09/2020
BNEWS Ngày 28/9, Diễn đàn “Giao thông đường bộ ở Việt Nam hiện nay – Thực trạng và giải pháp” đã diễn ra tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa).

Ngày 28/9, tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phối hợp cùng Văn phòng Quốc hội, Quỹ quỹ Hanns Seidel Foundation, tổ chức Diễn đàn với chủ đề “Giao thông đường bộ ở Việt Nam hiện nay – Thực trạng và giải pháp”.

Hơn 50 đại biểu đến Bộ Giao thông – Vận tải, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đại diện các tỉnh, thành phố, các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước đã tham dự.

Tại Diễn đàn, nhiều nội dung đã được thảo luận, như: Tổng quan các chính sách về giao thông đường bộ ở Việt Nam hiện nay; quy hoạch và hạ tầng về giao thông đường bộ; ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển giao thông đường bộ ở Việt Nam. 

Đề cập đến giao thông đường bộ và sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam, chuyên gia Ngân hàng Thế giới cho biết: việc mở rộng mạng lưới đường bộ với sự hình thành của các tuyến đường cao tốc đã cải thiện đáng kể khả năng kết nối giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông thương mại, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Việt Nam trong 15 năm qua.

Nếu như năm 2004, Việt Nam chỉ có hơn 223 nghìn km đường bộ, thì đến năm 2018 đã phát triển trên 668 nghìn km; trong đó đường cao tốc có xuất phát điểm bằng 0, đến nay đã có trên 900 km.

Điều này đã củng cố vai trò của đường bộ là phương thức vận tải chủ lực cho cả hành khách và hàng hóa tại Việt Nam.

Tuy nhiên, mạng lưới đường bộ Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế, như: nhiều khu vực mật độ đường bộ vẫn còn thấp nên xảy ra tắc nghẽn giao thông cục bộ trên các tuyến đường vành đai và các cửa ngõ quốc tế; thực trạng xe quá tải tiếp tục khó được kiểm soát triệt để, thiếu ngân sách cho công tác bảo trì thường xuyên…

Trình bày tham luận “Vận tải đường bộ - Những vấn đề mới về việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý”, đại biểu Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, dự thảo Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) đang có ý định tách thành 2 luật để điều chỉnh phương thức vận tải đường bộ là không nên, chỉ cần sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thêm.

Trong đó, dự thảo Luật cần phân công nhiệm vụ và quyền hạn thật rõ ràng cho Chính phủ,  các bộ, ngành liên quan.

Diễn đàn cũng đi sâu phân tích một số khía cạnh như: Ô nhiễm môi trường trong hoạt động giao thông đường bộ; tác động của biến đổi khí hậu đến giao thông đường bộ; chính sách phát triển giao thông đường bộ trong mối tương quan và kết nối phát triển với giao thông đường thủy, đường hàng không; kinh nghiệm quản lý, vận hành hệ thống giao thông đường bộ thông minh của một số nước trên thế giới; ứng dụng công nghệ trong vận tải đường bộ ở Việt Nam…

Trao đổi về vấn đề quy hoạch giao thông vận tải nói chung ở Việt Nam, đại biểu Nguyễn Hữu Huy, Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Quy hoạch giao thông đòi hỏi những tầm nhìn sâu rộng, toàn diện hơn để tiến tới một môi trường giao thông xanh, thông minh và bền vững.

Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển mạnh hơn nữa các phương pháp và công cụ quản lý an toàn giao thông.

Diễn đàn sẽ diễn ra đến hết ngày 29/9./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục