Nền tảng pháp lý nào cho phát triển ngân hàng số?

13:45' - 19/12/2017
BNEWS Để có thể đổi mới các dịch vụ, đi đôi với đảm bảo an ninh, bảo mật, ngoài việc đầu tư hạ tầng thì đòi hỏi có nền tảng khuôn khổ pháp lý mới cho sự phát triển của ngân hàng số.
Hội thảo “Hành lang pháp lý cho ngân hàng số tại Việt Nam”. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin đem đến nhiều cơ hội cho phát triển ngân hàng số, thanh toán số trong tương lai. Tuy nhiên, để có thể đổi mới các dịch vụ, đi đôi với đảm bảo an ninh, bảo mật, ngoài việc đầu tư hạ tầng thì đòi hỏi có nền tảng khuôn khổ pháp lý mới cho sự phát triển của ngân hàng số. Đây là ý kiến được nhiều chuyên gia và lãnh đạo các ngân hàng đưa ra tại hội thảo “Hành lang pháp lý cho ngân hàng số tại Việt Nam” do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 19/12 tại Hà Nội.
Mặc dù đã xuất hiện từ năm 2010 nhưng ngân hàng số vẫn là một khái niệm khá mới mẻ tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Với sự phát triển chóng mặt của công nghệ thông tin và làn sóng số hóa phát triển mạnh mẽ, ngân hàng số có nhiều tiềm năng sẽ trở thành mô hình kinh doanh chủ đạo của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam trong tương lai.
Theo thống kê của Công ty We are Social, thời điểm tháng 1/2016, Việt Nam có hơn 47 triệu người sử dụng internet, có 35 triệu người sử dụng mạng xã hội; trong đó, có 39 triệu người sử dụng mobile, với khoảng 143 triệu điện thoại; có tới 78% người sử dụng internet thường ngày.
Cũng theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, năm 2015 tại Việt Nam, tỷ lệ số đăng ký sử dụng internet trên 100 dân là 48,3%, tỷ lệ số điện thoại trên dân là 147%. Tỷ lệ khách hàng của các hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam sử dụng dịch vụ ngân hàng số như mobile, internet banking chiếm khoảng 44%.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán – Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam có tiềm năng to lớn phát triển ngân hàng số, nhưng đây là loại hình có nhiều điểm khác biệt, rất mới so với mô hình ngân hàng truyền thống từ phương thức thiết kế sản phẩm, chính sách, quy trình sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho khách hàng… Chính vì vậy, nền tảng khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển của ngân hàng số sẽ rất quan trọng.
“Cần phải nghiên cứu sửa đổi các quy định pháp luật liên quan cho phù hợp. Về dài hạn, cần nghiên cứu, xây dựng và ban hành Luật về Hệ thống thanh toán; trong đó quy định đồng bộ, hệ thống về cấp phép quản lý, giám sát đối với nhóm đối tượng các tổ chức không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán, cơ chế bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ riêng tư dữ liệu... Thanh toán số chính là cửa ngõ để đến với các dịch vụ ngân hàng và cũng là mỏ neo để giữ mối quan hệ ngân hàng – khách hàng”, ông Dũng nói.
Chia sẻ ở góc độ ngân hàng, Ths. Phạm Anh Tuấn, thành viên HĐQT Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng cho rằng, thanh toán số thì vấn đề bảo mật đặt ra phải xử lý như thế nào. Nếu có rủi ro thì ai chịu, các cơ quan công quyền khi vào việc cụ thể thì sẽ nhìn nhận rủi ro như thế nào… Hay, về xác thực thông tin khách hàng thì hiện đòi hỏi khá nhiều thủ tục giấy tờ, nên chưa thể đơn giản hóa cũng như tự động hóa.
Thứ hai là thách thức về tính an toàn, hoạt động trực tuyến kết nối mọi nơi mọi lúc, nhưng dữ liệu thì hoàn toàn có nguy cơ bị lộ, đánh cắp, bị tấn công… Bên cạnh đó, các quy định pháp luật về quản lý văn bản điện tử và văn bản giấy vẫn chưa đồng bộ, chưa rõ ràng; quản lý còn lỏng lẻo, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Đơn cử như việc xác thực người dùng thông qua chữ ký số, nhận diện khách hàng vẫn gặp khó khi thực hiện.
Cũng theo đại diện Bộ Công an, hiện đơn vị này đang xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư, là chìa khóa kết nối định danh dân cư với các hệ thống khác như ngân hàng, y tế… để giảm thiểu các thủ tục khai báo, giấy tờ… Song hiện còn thiếu cơ sở hành lang pháp lý cho việc thực hiện khai thác thông tin, định danh dân cư…
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, cần phải chỉ rõ những khoảng trống về mặt pháp lý cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng số tại Việt Nam nhằm đảm bảo tính bảo mật, bảo vệ thông tin cá nhân; phòng chống gian lận trong kinh doanh. Trong đó, chú ý đến vấn đề về xác thực khách hàng trên nền tảng kỹ thuật số; tính pháp lý của văn bản số và chữ ký số trong thời đại ngân hàng số; giám sát các hoạt động ngân hàng và phòng chống rửa tiền.
Ngân hàng số là xu hướng chủ đạo hiện nay, giúp ngân hàng đa dạng và tối ưu các dịch vụ, giảm chi phí, tăng khả năng kiểm soát và nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Thực tế cho thấy, phát triển ngân hàng số ở Việt Nam đang ở giai đoạn đầu, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển ngân hàng số, thanh toán số. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý hiện hành còn nhiều quy định chưa tương thích với bối cảnh số hóa dịch vụ, chưa thực sự thúc đẩy cho sự phát triển ngân hàng số, thanh toán số.
Bởi vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cũng như xây dựng hành lang pháp lý mới nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển sản phẩm, dịch vụ thanh toán trong kỷ nguyên số là rất cần thiết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục