Nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc hút khách mua hàng giá rẻ tại Mỹ

07:00' - 17/12/2023
BNEWS Tính đến tháng 11/2023, Temu chiếm gần 17% thị phần thị trường “cửa hàng 1 USD” (chỉ những cửa hàng chuyên bán đồ giá rẻ tương 1 USD hay thấp hơn) tại Mỹ.
Một nghiên cứu thị trường mới đây cho thấy Temu, nền tảng thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc đang cạnh tranh khá thành công với các chuỗi cửa hàng bán lẻ giá rẻ tại Mỹ, bao gồm cả công ty dẫn đầu ngành Dollar General.

Theo báo cáo từ công ty phân tích dữ liệu Earnest Analytics, tính đến tháng 11/2023, Temu chiếm gần 17% thị phần thị trường “cửa hàng 1 USD” (chỉ những cửa hàng chuyên bán đồ giá rẻ tương 1 USD hay thấp hơn) tại Mỹ.

 
Để so sánh, Dollar General đã chứng kiến thị phần sụt giảm mạnh nhất so với các đối thủ cạnh tranh. Công ty tuy vẫn chiếm 43% thị phần trong tháng 11, song con số này đã giảm khá mạnh từ khoảng 57% hồi tháng 1/2023. Thị phần của Dollar Tree cũng giảm gần 4 điểm phần trăm, từ 32% trong tháng Một xuống 28% trong tháng 11.

Temu mới ra mắt tại Mỹ vào tháng 9/2022. Nhưng chuỗi bán lẻ giá rẻ đến từ Trung Quốc này đã nhanh chóng trở nên phổ biến tại thị trường Mỹ, chủ yếu nhờ việc quảng cáo thông qua những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL) rằng hàng hóa của họ có chất lượng tốt hơn với giá cả phải chăng hơn so với các cửa hàng truyền thống.

Nền tảng thương mại điện tử này bán hàng loạt sản phẩm khác nhau, như trang phục giá rẻ với những đôi giày thể thao chỉ giá 20 USD hay các đồ trang trí ngày lễ, đồ chơi tương tự như các cửa hàng 1 USD khác. Các nhà phân tích kỳ vọng Temu sẽ tạo ra doanh thu hơn 16 tỷ USD trong năm nay khi mở rộng ra thị trường quốc tế.

Temu, Dollar General, Dollar Tree và Five Below đã không trả lời yêu cầu bình luận về nghiên cứu của Earnest Analytics. Trước đây, các chuỗi bán lẻ giá rẻ của Mỹ cho biết họ không thấy Temu tác động đến doanh số bán hàng vì họ ít hiện diện trên môi trường trực tuyến và đối tượng khách hàng khác nhau.

Ông Peter Earle, nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Mỹ, cho biết Temu đang được hưởng lợi từ sự mệt mỏi của người mua sắm với giá cả tăng cao và lạm phát phi mã.

Trong khi các cửa hàng 1 USD vẫn duy trì được số lượng khách hàng mua những sản phẩm thiết yếu như thực phẩm, đồ uống, chất tẩy rửa, họ cũng đang phải đối mặt với sự thay đổi trong nhu cầu của người tiêu dùng cùng những sai lầm trong hoạt động.

Dollar General đã cắt giảm dự báo lợi nhuận hàng năm ba lần trong năm nay, khi người tiêu dùng Mỹ cắt giảm chi tiêu cho hàng hóa tùy ý vốn mang tới tỷ suất lợi nhuận cao cho công ty và chuyển sang các hàng tiêu dùng có tỷ suất lợi nhuận thấp.

Lợi nhuận cũng giảm tại các cửa hàng 1 USD, vì họ đang phải giảm giá hàng hóa để giải quyết hàng tồn kho dư thừa. Ngoài ra, tình trạng trộm cắp hàng hóa cũng khiến tình hình kinh doanh của những cửa hàng này khó khăn hơn.

Temu sử dụng mạng lưới các nhà sản xuất đồ điện tử cá nhân, quần áo và đồ gia dụng giá rẻ có trụ sở tại Trung Quốc. Các nhà máy và thương gia ở Temu gửi hàng hóa trực tiếp đến người mua hàng, sử dụng quyền miễn trừ thương mại cho phép các lô hàng dưới 800 USD được miễn thuế vào Mỹ.

Ông Michael Ashley Schulman, phụ trách đầu tư của công ty tư vấn tài chính Running Point Capital Advisors đánh giá Temu có lợi thế về sự mới lạ và thú vị, điều mà các thương hiệu bán lẻ giá rẻ khó có thể tạo lại được.

Theo ông, với khẩu hiệu “mua sắm như tỷ phú”, Temu đã thành thạo cuộc chơi để khiến việc mua sắm trực tuyến trở nên thú vị, dễ dàng và rẻ hơn so với các cửa hàng bán lẻ 1 USD khác.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục