Ngã Năm hướng tới đô thị hiện đại

15:14' - 17/01/2024
BNEWS Sau 20 năm hình thành và phát triển, thị xã Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) đã có bước phát triển rõ nét về hạ tầng cơ sở, thu hút đầu và là vùng kinh tế trọng điểm phía Tây của tỉnh.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng, tỉnh đã phê duyệt Chương trình phát triển đô thị thị xã Ngã Năm đến năm 2035; trong đó, xây dựng và phát triển thị xã Ngã Năm theo các định hướng phát triển đô thị của tỉnh; đảm bảo phù hợp với tiềm năng, thế mạnh hiện có của một đô thị và định hướng là đô thị loại III (giai đoạn 2026 - 2030).

Sóc Trăng sẽ huy động nguồn lực đầu tư hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đô thị Ngã Năm, chú trọng đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông để tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển các ngành thương mại, du lịch, nông nghiệp kỹ thuật cao, dịch vụ du lịch của địa phương.

Chuyển đổi cơ cấu

Sau 20 năm hình thành và phát triển, thị xã Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) đã có bước phát triển rõ nét về hạ tầng cơ sở, thu hút đầu và là vùng kinh tế trọng điểm phía Tây của tỉnh Sóc Trăng. Đến nay, thị xã có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm ở mức 13,38%, thu nhập bình quân đầu người trên 60 triệu đồng/năm, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng giá trị sản xuất các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; dịch vụ thương mại và giảm tỷ trọng giá trị sản xuất ngành nông lâm ngư nghiệp.

Những ngày mới thành lập, sản xuất nông nghiệp của thị xã Ngã Năm chỉ độc canh cây lúa (giống lúa chất lượng thấp), năng suất thấp, thu nhập của nhiều nông dân không nhiều. Nhận thức được vấn đề nay, chính quyền địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giống lúa từ chất lượng thấp sang những giống lúa cao sản, đặc sản và khuyến khích nông dân chuyển đổi đất trồng lúa, đất vườn tạp kém hiệu quả sang trồng những loại cây ăn trái phù hợp với thổ nhưỡng, thị trường tiêu thụ, góp phần nâng giá trị sản xuất trên 1 ha nông nghiệp đạt 164,8 triệu đồng/ha/năm.

Nông dân Huỳnh Việt Trung, xã Tân Long (thị xã Ngã Năm) cho biết, năm 2009, gia đình anh có mua đất trồng lúa 3,2ha, tuy lúa trúng mùa nhưng trừ chi phí thì lợi nhuận còn lại không đủ chi phí sinh hoạt trong gia đình. Năm 2010, anh Trung đã mạnh dạn chuyển đổi 4.000m2 đất lúa kém hiệu quả sang trồng ổi xen canh cây màu, từ đó kinh tế gia đình  chuyển dần lên dư giả.

Anh Trung cho biết thêm, nắm bắt được cơ hội đó, gia đình tích lũy vốn và chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ổi xen canh cây màu, đến nay quy mô lên trên 10 ha ổi đạt tiêu chuẩn VietGAP. Cùng đó, gia đình đầu tư nhà lưới kín với quy mô 1.700 m2 để trồng thêm dưa lưới cũng đem lại thu nhập khá cao, hiện trừ các khoản chi phí gia đình mang về lợi nhuận trên 1 tỷ đồng/năm.

Còn tại xã Vĩnh Quới (thị xã Ngã Năm) nhiều nông dân đã cải tạo vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây mãng cầu gai, từng bước đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Ông Phạm Khắc Điệp, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quới thông tin, năm 2010 diện tích trồng mãng cầu gai ở địa phương chỉ vài ha tập trung ấp Vĩnh Hòa, Vĩnh Kiên. Nhưng đến nay, qua thống kê của địa phương diện tích trồng mãng cầu gai đã được nông dân toàn xã trồng với diện tích lên tới gần 300 ha.

Theo ông Phạm Khắc Điệp, mãng cầu gai được ghép với gốc của cây bình bát (cây chịu được nước mặn nồng độ cao, đất phèn mặn) nên cây phát triển được với điều kiện nước mặn xâm nhập, đất phèn, ít sâu bệnh… giá thành trung bình trái mãng cầu từ 15.000-35.000 đồng/kg  nên đem lại thu nhập khá cao cho nông hộ. Theo tính toán của ngành chuyên môn, trừ các khoảng chi phí 1000m2 trồng mãng cầu gai đem thu nhập gấp 7 – 8 lần so với sản xuất lúa (tương đương lợi nhuận 350 triệu đồng/năm).

 

Chủ tịch UBND thị xã Ngã Năm ông Kim Thái Phong cho biết, địa phương đã thực hiện cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác, đồng thời đã làm tốt hơn quy hoạch vùng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất. Giai đoạn 2004-2023, thị xã đã huy động các nguồn với hơn 1000 tỷ đồng để xây dựng 70 trạm bơm khép kín hơn 60% diện tích sản xuất lúa, đầu tư xây dựng 74 cống nội đồng, 9 cống ngăn mặn góp và 678 công trình nạo vét, tổng chiều dài hơn 1.091 km đáp ứng nhu cầu nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp.

Cùng đó, diện tích trồng lúa là 34.347 ha tăng lên 37.000 ha, trong đó diện tích trồng lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm trên 97% tổng diện tích sản xuất; diện tích cây ăn trái từ 1.219 ha tăng lên 4.880 ha; phát triển sản phẩm 18 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên như sản phẩm từ gạo thơm, trái mãng cầu, các sản phẩm từ thủy sản nước ngọt…

Đầu tư đồng bộ

Chủ tịch UBND thị xã Ngã Năm Kim Thái Phong thông tin, giai đoạn 2004-2023 thị xã được đầu tư và huy động từ các nguồn vốn ngân sách Trung ương, tỉnh và nhân dân tổng cộng trên 3.492 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm. Cụ thể như: Tuyến Quốc lộ Quản Lộ Phụng Hiệp - Cà Mau, Quốc lộ 61B, tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây (nối thị xã Ngã Năm – Thị xã Vĩnh Châu), hệ thống công trình phân ranh mặn ngọt tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu, dự án Kè chống sạt lở sông Ngã Năm, Cụm Công nghiệp Ngã Năm, Trung tâm Thương mại Ngã Năm,...

Cùng đó, tỉnh đã đầu tư xây dựng bệnh viện, trường học, y tế, thiết chế văn hóa, trụ sở làm việc các xã, phường… với tổng nguồn vốn trên 1.500 tỷ đồng. Đến nay 100% các điểm trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, 8/8 xã, phường có đường ôtô nối liền đến trung tâm thị xã, 100 % ấp, khóm có đường bê tông nối liền nhau,…từ đó đã tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương trao đổi hàng hóa và nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân.

Ông Châu Văn Bỉ, Phường 2 (thị xã Ngã Năm) cho hay, nếu như lúc trước người dân Ngã Năm đi đến Trung tâm tỉnh Sóc Trăng để mua bán, học tập thì gần 6 giờ mới tới nơi nhưng nay, nhờ Trung ương đầu tư tuyến Quốc lộ Quản Lộ Phụng Hiệp - Cà Mau, Quốc lộ 61B thì người dân chỉ hơn 1 giờ là đến trung tâm tỉnh, tiết kiệm được thời gian và mua bán trao đổi hàng hóa nhanh chóng hơn.

Tương tự, ông Lê Văn Việt, Phường 1, thị xã Ngã Năm chia sẻ, giao thông nông thôn ở Ngã Năm thay đổi nhiều lắm, đường xá cầu đường đều được xây dựng khang trang hoàn chỉnh, cơ sở khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao chất lượng. Người dân địa phương thuận tiện trao đổi mua bán hàng hóa nông sản, trẻ em đến trường dễ dàng, người già có bệnh thì đến cơ sở y tế đều trị tận tình hiệu quả,… người dân cảm thấy rất phấn khởi khi quê hương Ngã Năm được đổi mới, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên.

Trong Chương trình phát triển đô thị thị xã Ngã Năm đến năm 2035, thị xã tập trung ưu tiên đầu tư, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật - xã hội, cải tạo chỉnh trang, mở rộng các khu dân cư hiện hữu và xây dựng khu dân cư mới nhằm thu hút các nguồn đầu tư cho việc phát triển đô thị đi kèm với các chính sách nâng cao chất lượng đời sống người dân; lập đề án xây dựng thị xã Ngã Năm là đô thị loại III.

Giai đoạn 2031-2035, thị xã mở rộng quy mô đô thị và nâng cao chất lượng đô thị; đề ra các giải pháp phát triển các ngành kinh tế, đặc biệt là các ngành kinh tế tiềm năng của địa phương như, thương mại, du lịch, nông nghiệp kỹ thuật cao, dịch vụ du lịch,... góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thị xã. Tỉnh sẽ đầu tư hoàn thiện các trục đường huyện, đường tỉnh, đường đô thị theo quy hoạch chung đô thị được duyệt; tiếp tục kiến nghị Trung ương đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 61B, Quốc lộ Quản lộ - Phụng Hiệp để tăng khả năng kết nối với các tỉnh lân cận.

Bí thư Thị ủy Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) Trần Văn Việt cho biết, tiếp tục kế thừa phát huy thành quả đã đạt được trong 20 năm qua, Đảng bộ thị xã Ngã Năm huy động tối đa nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại – dịch vụ.

Thời gian tới, địa phương tăng cường xúc tiến đầu tư vào Cụm công nghiệp Ngã Năm, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tham gia phát triển ngành nghề chế biến hàng nông sản, gia công, may mặc, đan đát… nhằm nâng cao giá trị hàng nông sản và tạo việc làm lao động địa phương. Thị xã tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển đồng bộ các chợ ở các xã, phường, các trung tâm thương mại trên địa bàn, nhất là hoàn thiện, mở rộng trung tâm thương mại phường 1, phường 2 và xây dựng chợ đầu mối nông sản ở địa phương…; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển y tế, giáo dục, văn hóa và du lịch; tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống giao thông kết nối vùng, kết nối trung tâm thị xã đến các huyện trong và ngoài tỉnh.

Cũng theo ông Trần Văn Việt, địa phương sẽ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng nâng cao chuỗi giá trị hàng nông sản, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi có lợi thế, phù hợp với đặc điểm của địa phương, như, sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao theo hướng hữu cơ, khai thác chế biến thủy sản nước ngọt… kết hợp xây dựng nông thôn mới nâng cao, đô thị văn minh phấn đấu đến cuối 2025 các xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục