Sóc Trăng bố trí 125 tỷ đồng cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách

14:46' - 10/01/2024
BNEWS Ngày 10/1, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng đã tổng kết công tác hoạt động năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Theo bà Trịnh Bích Tuyền, Phó Giám đốc Phụ trách chi nhánh tỉnh Sóc Trăng, năm 2024, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh phấn đấu hoàn thành nguồn vốn huy động, nguồn vốn địa phương ủy thác và tăng trưởng dư nợ theo kế hoạch được giao.

 

Đơn vị đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2021-2025, đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn đều được giải ngân. Đồng thời, phấn đấu nâng cao chất lượng tín dụng, giảm tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh tối thiểu 10% so với năm 2020. 100% các huyện, thị xã, thành phố có chất lượng tín dụng đạt từ loại khá trở lên; 90% xã, phường, thị trấn xếp loại chất lượng tín dụng đạt từ khá, tốt trở lên.

Phó Giám đốc Phụ trách chi nhánh tỉnh Sóc Trăng cho biết, để đạt được kết quả trên, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng sẽ tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội.

Theo đó, năm 2024, đơn vị ưu tiên bố trí bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh với số tiền 125 tỷ đồng; trong đó, cấp huyện là 28 tỷ đồng, cấp tỉnh là 97 tỷ đồng để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Từ đó góp phần triển khai các nghị quyết đặc thù về chương trình mục tiêu quốc gia.

Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh cũng tranh thủ nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội đảm bảo mức tăng trưởng tối thiểu 12% (tương đương 600 tỷ đồng) để đáp ứng nhu cầu vốn đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Song song đó, triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách gắn với 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đơn vị chủ động rà soát đối tượng thụ hưởng, giải ngân kịp thời đến khách hàng vay vốn đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng; thực hiện nâng cao chất lượng tín dụng theo hướng bền vững.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng khẳng định, năm 2023, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã đạt được một số kết quả nổi bật, đáng khích lệ, trong đó, Ban đại diện Hội đồng Quản trị tỉnh đã căn cứ chỉ tiêu Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, Nghị quyết của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng và giao vốn cho các địa phương kịp thời để triển khai thực hiện cho vay đến các đối tượng thụ hưởng.

Năm 2023, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác đạt trên 57 tỷ đồng, tăng 289% kế hoạch Trung ương giao; trong đó, ngân sách cấp tỉnh 30 tỷ đồng). Nguồn vốn tín dụng chính sách được giao tăng trưởng 726 tỷ đồng (tăng 17,9%) so với cuối năm 2022.

Từ nguồn vốn tăng trưởng đã góp phần tăng tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến nay đạt 5.171 tỷ đồng, với hơn 157.000 khách hàng còn dư nợ. Cùng với đó, kịp thời hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho trên 43.000 lượt hộ; giúp 15.400 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển kinh tế gia đình.

Đặc biệt, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã cho vay 33 người chấp hành xong án phạt tù vay vốn, với số tiền 2.210 triệu đồng để sản xuất kinh doanh. Đây là chính sách mới năm 2023, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, vượt qua mặc cảm, ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến của lãnh đạo các ngành, địa phương trong tỉnh cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm hay trong việc ủy thác, phát vay và quản lý nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội tỉnh và mong muốn tiếp tục gia tăng nguồn vốn cho địa phương, cho hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc, có chính sách khoanh nợ, xóa nợ với những hộ đặc biệt khó khăn gặp thiên tai, dịch bệnh không có khả năng chi trả.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt nguồn vốn chính sách xã hội để đến đúng đối tượng, đúng mục đích vay, tăng hiệu quả cho người dân cần vốn, nhất là vốn giải quyết việc làm, đào tạo nghề, vốn tạo sinh kế cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục