Ngành công nghệ thế giới mất và được gì sau 2 năm vắng bóng Huawei?

09:25' - 16/06/2021
BNEWS Ngành smartphone dần chấp nhận rằng Huawei không còn là một thế lực mang tính toàn cầu. Song đây là lúc nhìn nhận lại thế giới thiếu vắng Huawei đã tác động đến ngành smartphone ra sao.

Câu chuyện về sự lao đao suốt hai năm qua của Huawei hẳn không còn xa lạ với giới công nghệ. Vào tháng 5/2019, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã đưa Huawei vào “Danh sách các thực thể” cấm các công ty công nghệ trong nước mua hoặc sử dụng thiết bị.

Một năm sau đó, Washington tiếp tục ra lệnh cấm bán các chất bán dẫn được làm với kỹ thuật hoặc công nghệ Mỹ cho các công ty Trung Quốc.
Hệ quả là vào năm 2020, Huawei vẫn là nhà cung cấp smartphone lớn nhất thế giới. Nhưng sang năm nay, họ còn không nằm trong top 5.
Giới công nghệ không quá ngạc nhiên với diễn biến này. Không có quyền tiếp cận với các công ty công nghệ Mỹ - đặc biệt là Google, bên phát triển hệ điều hành Android - tham vọng toàn cầu của Huawei đổ vỡ chỉ còn là vấn đề thời gian.

Dù Huawei đã nỗ lực phát triển hệ điều hành HarmonyOS, việc chiếm lĩnh một thị phần đáng kể trên thị trường vốn đang bị Android và iOS thống lĩnh là vô cùng khó khăn.
Hai năm đã trôi qua, ngành smartphone dần chấp nhận rằng Huawei không còn là một thế lực mang tính toàn cầu nữa. Song đây là lúc nhìn nhận lại một thế giới thiếu vắng Huawei đã tác động đến ngành smartphone ra sao.

* Thị trường mất gì khi vắng bóng Huawei?

Hai dòng smartphone cao cấp chủ lực của của Huawei - dòng P và dòng Mate – từng thuộc nhóm sản phẩm tốt nhất trên thị trường smartphone thế giới.

Với thông số kỹ thuật hàng đầu, thiết kế đột phá cùng trải nghiệm chụp ảnh xuất sắc, các sản phẩm điện thoại cao cấp của Huawei một thời được rất nhiều người đam mê công nghệ đón đợi. Giờ đây, không chuyên gia nào khuyến khích người dùng ngoài Trung Quốc lựa chọn thiết bị của tập đoàn này.
Sự mất mát đó tạo nên “hiệu ứng gợn sóng” trên toàn ngành smartphone. Nếu không có Huawei thúc đẩy các công ty khác - đặc biệt là Samsung phải đổi mới sáng tạo, những “đại gia” này sẽ có ít động lực để phá vỡ các giới hạn và chấp nhận “tái sử dụng” các ý tưởng cho sản phẩm của mình.
Dù Samsung vẫn cần phải cạnh tranh với Apple và các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc, nhưng 5 năm qua Huawei là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của họ trong thế giới Android. Bây giờ sự cạnh tranh đó không còn nữa.
Đáng chú ý, Huawei cũng là đối thủ mạnh nhất của Samsung trong mảng điện thoại gập, với các thiết bị đáng chú ý như Mate X2.

Khi vắng bóng Huawei, Samsung hoàn toàn nằm quyền chi phối giai đoạn sơ khai của dòng thiết bị có tiềm năng thay đổi tương lai ngành smartphone.
Và đừng quên rằng Huawei cũng cạnh tranh với các nhà sản xuất chất bán dẫn như Qualcomm. Mặc dù chip Kirin của Huawei chưa sánh được với chip Snapdragon cao cấp, nhưng chúng chắc chắn có lợi thế riêng, đặc biệt trong mảng tăng tốc các thuật toán học máy. Giờ Qualcomm chỉ còn cần chú ý tới Samsung trong mảng chip dành cho thiết bị Android.
* Những cái "được"
Tất nhiên, khi một người chơi lớn rút lui, điều đó sẽ tạo điều kiện cho những cái tên mới tham gia thị trường.
Khi Huawei rời khỏi danh sách top 5 nhà cung cấp smartphone, các công ty Trung Quốc khác đã nhanh chóng tiến lên.

Người chiến thắng lớn nhất ở đây chắc chắn là Xiaomi, hiện đang đứng ở vị trí thứ ba chỉ sau Samsung và Apple.

Dù sẽ mất một thời gian dài trước khi có cơ hội vượt Samsung, Xiaomi vẫn có thể vượt qua Apple chỉ sau một đến hai năm tới.
Một số thương hiệu thuộc tập đoàn BBK cũng đã thăng hạng, bao gồm Oppo, Vivo và Realme. Trong trường hợp của Realme, đây hiện là OEM (nhà sản xuất thiết bị gốc) lớn thứ sáu trong mảng smartphone khi chỉ mới hoạt động vỏn vẹn ba năm.
Việc những công ty này đang nỗ lực chiếm lấy “miếng bánh” của Huawei là một tin tốt. Sự cạnh tranh khốc liệt luôn giúp mang đến những chiếc điện thoại tốt hơn với giá thấp hơn.

Song những công ty Trung Quốc này đều không có sự hiện diện ở Mỹ. Điều đó có nghĩa là đại đa số người dùng Mỹ sẽ tiếp tục bị mắc kẹt giữa hai sự lựa chọn: Samsung hoặc Apple.
Một cái tên có thể tạo đột biến là OnePlus, vì đây là thương hiệu OEM Trung Quốc duy nhất có trụ sở tại Mỹ cùng sự hậu thuẫn của BBK. Giới quan sát kỳ vọng OnePlus sẽ bộc lộ tham vọng toàn cầu lớn hơn trong năm tới.
Cuối cùng, không thể bỏ qua Google. Dù chưa bao giờ tiến gần đến vị trí top 5 nhà cung cấp smartphone, chiến lược mới của Google về thiết kế chip của riêng mình và nâng cao chất lượng máy ảnh có thể giúp công ty trở thành một thế lực đáng chú ý.

Song Google cũng đã đưa ra rất nhiều quyết định sai lầm trong 5 năm qua và cần thời gian để theo kịp các đối thủ.
Một điều không thể phủ nhận ở đây là những gì xảy ra với Huawei không hề công bằng. Huawei không thất bại trong việc đổi mới hoặc mắc quá nhiều sai lầm như LG. Họ cũng không thiếu định hướng phát triển lâu dài như Motorola. Nhưng sự vắng mặt của Huawei là vì quyết định của Chính phủ Mỹ.

Biến động này thực sự thay đổi ngành công nghệ toàn cầu thế nào? Điều đó có ý nghĩa gì đối với tất cả các thương hiệu Trung Quốc khác?

Câu trả lời cần có thời gian. Cho đến lúc đó, giới đam mê công nghệ chỉ có thể than rằng ngành công nghiệp này đã mất đi một cái tên quan trọng, và sẽ không bao giờ trở lại như xưa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục