Ngầm hóa đường sắt đô thị - vấn đề thời sự ở Hàn Quốc

09:20' - 06/01/2024
BNEWS Vấn đề ngầm hóa đường sắt trên mặt đất đi qua khu vực trung tâm đô thị, trong đó có thủ đô Seoul, đang nóng lên trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội được ấn định vào tháng Tư ở Hàn Quốc.

Các tranh luận nổi lên sau khi chính giới Hàn Quốc mới đây đã nhất trí tại Ủy Ban thường trực Quốc hội về việc đề xuất “Dự luật đặc biệt về ngầm hóa đường sắt và phát triển tích hợp các không gian đường sắt". Trọng tâm của dự luật đặc biệt là xúc tiến thi công đi ngầm đường sắt trong khu vực đô thị và phát triển khu vực phía bên trên mặt đất theo hình thức công-tư kết hợp, nhằm giải quyết vấn đề huy động nguồn vốn khổng lồ. 

Các tuyến đường sắt đang được xem xét đi ngầm là tuyến Gyeongbu và Gyeongin ở Seoul. Các đô thị lớn khác là Busan, Daejeon và Daegu cũng đang được đưa vào phạm vi điều chỉnh quy hoạch. Dự luật này còn chờ Quốc hội xem xét và thông qua.

 

Công viên Yeontral (quận Mapo) Seoul, được ví với công viên Trung tâm New York (Mỹ), là nơi một đoạn của tuyến đường sắt chở hàng Gyeongui đã được đi ngầm, khu vực đất phía bên trên được cải tạo thành công viên giữa lòng đô thị có chiều dài 6 km, thổi sức sống mới cho thành phố. Khu vực công viên này được đánh giá có phong cảnh đẹp, nhiều quán ngon và là nơi thư giãn cho người dân sống trong khu vực.

Từ cách đây hơn 10 năm, dư luận Hàn Quốc đã dấy lên nhiều ý kiến cho rằng cần đi ngầm các tuyến đường sắt trên mặt đất trong bối cảnh đô thị đang quá thiếu không gian. Tiêu biểu là ga Seoul và khu vực xung quanh. Ga Seoul với 9 sân ga và 27 tuyến đường sắt có chiều rộng 400m từ Đông sang Tây. Không gian đô thị bị "đứt gãy" tại những nơi có đường sắt đi qua. Vì thế muốn cắt ngang qua một khu vực có đường sắt chạy qua, người đi bộ hay phương tiện sẽ đều phải đi bằng một đường hầm hẹp. Ngoài ra, tiếng ồn hay khói bụi cũng là một vấn đề ảnh hưởng lớn tới môi trường sống của cư dân xung quanh.

Việc đi ngầm các tuyến đường sắt trên mặt đất luôn là một cam kết tranh cử tiêu biểu của các ứng cử viên trước thềm bầu cử, tuy nhiên cam kết này vẫn không đạt được mấy tiến triển do chi phí thi công rất lớn. Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2022, vấn đề đi ngầm các tuyến tàu hỏa cũng là một cam kết tranh cử quan trọng.

Chính phủ Hàn Quốc ước tính sẽ tốn khoảng 45.000 tỷ won (34,4 tỷ USD) để thực hiện dự án đi ngầm các tuyến đường sắt trên phạm vi toàn quốc, trong đó có 23.000 tỷ won (17,6 tỷ USD) tại Seoul và khu vực lân cận thủ đô. Chi phí này về nguyên tắc sẽ do đơn vị triển khai dự án huy động thay vì trích từ ngân sách. Tuy nhiên, ngoài vấn đề kinh phí thì còn không ít bài toán đặt ra cần giải quyết, như về các vấn đề kỹ thuật liên quan tới quá trình thi công, tình hình ngành xây dựng trong nước, hài hòa lợi nhuận và lợi ích công cộng.

Giáo sư Ko Joon-ho của Đại học Hanyang chỉ ra rằng không gian phía trên nếu chỉ để xây nhà hay biến thành không gian thương mại sẽ không phù hợp với diện mạo đô thị. Phải coi việc đi ngầm đường sắt là cơ hội để biến một phần thành không gian cho các hạ tầng công cộng.

Mặc dù vậy, để triển khai đi ngầm các tuyến đường sắt cần phải đảm bảo cả tính thuyết phục về thứ tự ưu tiên chính sách. Nhà nghiên cứu Park Hong-su thuộc Viện nghiên cứu chính sách công Hàn Quốc chỉ ra rằng hiện nay, còn nhiều khu vực vẫn đang gặp bất tiện vì chưa có mạng lưới giao thông đường sắt. Do đó, còn nhiều vấn đề cấp bách khác cần giải quyết hơn là đi ngầm các tuyến đường sắt đang hoạt động bình thường.

Nếu dự luật đặc biệt được Quốc hội thông qua, Bộ Địa chính và giao thông dự kiến sẽ lập ra một ban xúc tiến phát triển tổng hợp, bắt tay vào lập kế hoạch trên phạm vi toàn quốc trong nửa đầu năm 2024.

Giới phân tích chỉ ra rằng dù triển khai theo đúng kế hoạch thì việc đi ngầm đường sắt sẽ phải mất tối thiểu 15 năm. Nhiều câu hỏi cũng được đặt ra là liệu dự án này có thể khơi thông đô thị, tạo ra không gian mới, hay chỉ dừng lại là một dự án phát triển bất động sản khác. Đây sẽ là một bài toán lớn đối với lịch sử hơn 100 năm phát triển của ngành đường sắt Hàn Quốc.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục