Ngân hàng Canada được tạm đóng băng tài khoản nghi ngờ tài trợ biểu tình

08:09' - 16/02/2022
BNEWS Các ngân hàng sẽ tạm thời được phép đóng băng các tài khoản cá nhân và doanh nghiệp bị nghi ngờ được sử dụng để hỗ trợ các cuộc biểu tình, mà không cần xin lệnh của tòa và không lo ngại bị kiện.

Các biện pháp trong khuôn khổ của Đạo luật về các trường hợp khẩn cấp - được Thủ tướng Justin Trudeau tuyên bố áp dụng vào ngày 14/2 - sẽ mở rộng quyền hạn của các ngân hàng và Cơ quan tình báo tài chính của Canada trong việc giám sát và ngăn chặn dòng tiền tài trợ cho các cuộc biểu tình đang diễn ra ở Canada.

Bộ trưởng Tài chính Chrystia Freeland cho biết, chính phủ đang mở rộng phạm vi áp dụng của luật chống rửa tiền để cho phép Trung tâm phân tích báo cáo và giao dịch tài chính của Canada (FINTRAC) giám sát các giao dịch qua nền tảng huy động vốn cộng đồng và các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán khác.

 

Bà Freeland cho biết các ngân hàng sẽ tạm thời được phép đóng băng các tài khoản cá nhân và doanh nghiệp bị nghi ngờ được sử dụng để hỗ trợ các cuộc biểu tình, mà không cần xin lệnh của tòa và không lo ngại bị kiện. Cảnh sát, các cơ quan chính phủ và ngân hàng được phép chia sẻ “thông tin liên quan”.

Các ngân hàng phải báo cáo cho Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP) hoặc Cơ quan Tình báo An ninh Canada về các mối quan hệ tài chính của khách hàng liên quan đến các cuộc biểu tình phong tỏa bất hợp pháp đang diễn ra ở nước này.

Các cuộc biểu tình ở Canada nhằm phản đối các biện pháp y tế công cộng được áp dụng trong đại dịch, đã kéo dài hơn hai tuần. Những người biểu tình chiếm đóng một số khu vực ở trung tâm thành phố xung quanh Đồi Quốc hội và phong tỏa một số cửa khẩu trọng yếu.

Nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp, trong đó có cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Canada Mark Carney, đã lên tiếng cảnh báo về tác hại kinh tế mà các cuộc phong tỏa đang gây ra và kêu gọi một giải pháp để giải tán cuộc biểu tình.

Trong những tuần gần đây, người biểu tình đã "thích nghi" với các biện pháp kiểm soát: đầu tiên họ sử dụng các nền tảng huy động vốn từ cộng đồng như GoFundMe, nhưng sau đó chuyển sang quyên góp bằng tiền điện tử, khiến cơ quan chức năng khó theo dõi.

Bà Freeland cho biết các biện pháp mới (trong khuôn khổ của Đạo luật về các trường hợp khẩn cấp) sẽ “bao trùm tất cả các hình thức giao dịch, bao gồm cả tài sản kỹ thuật số như tiền điện tử”.

Ngân hàng Toronto-Dominion ngày 14/2 đã yêu cầu một tòa án của Ontario kiểm soát khoảng 1,4 triệu CAD được quyên góp cho các cuộc biểu tình và gửi vào hai tài khoản cá nhân.

Số tiền này bao gồm 1 triệu CAD được huy động thông qua trang gây quỹ cộng đồng GoFundMe và 413.000 CAD nhận được từ khoảng 3.000 nhà tài trợ tính đến ngày 10/2./. 

>>>Credit Suisse đối mặt với cáo buộc rửa tiền tại Thụy Sỹ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục