Ngân hàng chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp mùa COVID-19

16:09' - 24/03/2020
BNEWS "Gần 10 ngày nay, hàng chục đầu xe ô tô du lịch của công ty đã nằm bám bụi tại bãi. Doanh thu gần như về con số 0".

Đây là chia sẻ của ông Trần Văn Ngọc - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Phong Hà với phóng viên TTXVN mới đây.

Thực tế này không chỉ tồn tại ở doanh nghiệp Phong Hà mà còn ghi nhận ở nhiều doanh nghiệp vận tải, du lịch và các lĩnh vực khác khi dịch COVID-19 còn đang diễn biến rất phức tạp.

Doanh nghiệp lao đao

Vốn phục vụ thị trường chính là khách du lịch nước ngoài, các đơn đặt chỗ tại công ty Phong Hà đã bắt đầu giảm hoặc bị hủy ngay từ sau Tết Nguyên đán, khi Việt Nam công bố dịch COVID-19, từ đó kéo theo doanh thu của công ty sụt giảm mạnh.

Tuy nhiên, tại thời điểm đó Phong Hà lạc quan rằng dịch sẽ sớm được kiểm soát trong thời gian từ 1-2 tháng đồng thời lượng khách du lịch nước ngoài tại Việt Nam vẫn còn tương đối lớn nên công ty dự kiến sẽ duy trì doanh thu ở mức từ 20-30% so với cùng kỳ chờ dịch qua.

"Nhưng đến giờ đã gần hết quý I, dịch vẫn diễn biến rất phức tạp, lại thêm việc các điểm tham quan, di tích đều đóng cửa, tránh nguy cơ lây, truyền bệnh do tụ tập đông người, nhiều nước hạn chế xuất nhập cảnh, hàng không cũng ngưng nhiều tuyến bay... khiến cho doanh thu của công ty hiện chỉ còn ở mức 2-3%, không đủ để chi trả chi phí cứng cho doanh nghiệp như lương nhân viên, chi phí bãi đỗ...", ông Ngọc cho biết.

Dịch COVID-19 không chỉ tác động lên doanh nghiệp vận tải, du lịch mà ngay cả doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cũng chịu những ảnh hưởng không nhỏ.

Hoạt động trong lĩnh vực dệt may, Công ty TNHH Triban Việt Nam phải nhập tới 50% nguyên liệu từ Trung Quốc. Tuy nhiên hiện sản xuất sợi nguyên liệu tại Trung Quốc đang bị đình trệ do dịch COVID-19 nên nguồn cung nhập khẩu này giảm sút chỉ còn 20-30%.

Ông Lee Hak Hyun, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Triban Việt Nam cho biết: "Với tình trạng sụt giảm như vậy, giá nguyên liệu đang bị đẩy lên cao trong khi chúng tôi không thể tăng giá bán sản phẩm khiến lợi nhuận của công ty dự kiến bị sụt giảm tới 50%"

Cũng theo ông Lee Hak Hyun hiện Triban gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế. Bên cạnh đó, công ty đang phải đàm phán lại với khách hàng về giá bán. Nếu khách hàng không đồng ý với giá bán tăng lên thì sẽ phải xin hoãn thời gian thực hiện hợp đồng để chờ đủ nguồn cung sợi cho sản xuất và ổn định giá cả.

Trước những khó khăn này, doanh nghiệp đề xuất Chính phủ Việt Nam nên có giải pháp hỗ trợ giảm thuế với doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn hiện nay; đồng thời khuyến khích ngân hàng cho doanh nghiệp vay vốn với thời gian dài hơn và lãi suất thấp hơn.

Chia sẻ khó khăn

Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19, Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định việc các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu tác động của dịch COVID-19.

Thực hiện giảm lãi suất từ 0,5-1,5%/năm cho cả khách hàng mới lẫn khách hàng hiện hữu thuộc các lĩnh vực bị ảnh hưởng với quy mô gói tín dụng từ 28.000-30.000 tỷ đồng, theo ông Phan Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), việc xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 là điều kiện thuận lợi cho khách hàng khi không bị chuyển thành nợ xấu. Từ đó, khách hàng có cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng tốt hơn với lãi suất cạnh tranh và giảm chi phí vốn vay do không có lịch sử tín dụng xấu trong hoạt động với ngân hàng, tạo điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) nhận định doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) là nhóm có khả năng bị tổn thương cao nhất trong các nhóm doanh nghiệp bởi nguồn vốn của họ có hạn, dòng tiền cũng không đủ dồi dào để trù bị cho thời gian ngắt quãng kinh doanh kéo dài.

Vì thế, "ngay từ những ngày đầu tiên đi làm trở lại sau Tết Nguyên đán, chúng tôi đã chủ động tìm hiểu, rà soát các khách hàng có thể bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ dịch bệnh COVID-19 và phối hợp với các bộ phận chuyên môn đánh giá tình hình của từng doanh nghiệp. Từ đó thiết kế các phương án tái cấu trúc nợ, giãn thời gian trả nợ hoặc giảm lãi suất cho vay với một số trường hợp đặc biệt", ông Đào Gia Hưng, Phó Giám đốc khối SME VPBank cho hay.

Trong khi đó, tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), tất cả các khách hàng doanh nghiệp nằm trong các lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đều được tiếp cận gói vay ưu đãi trị giá 3.000 tỷ đồng và dự kiến tăng lên 5.000 tỷ đồng.

"Các đơn vị kinh doanh của SHB đã sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu các gánh nặng tài chính do dịch COVID-19 gây ra và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh", ông Vũ Tuấn Anh, Quyền Giám đốc Khối Ngân hàng doanh nghiệp SHB khẳng định.

Mới đây nhất, ngày 20/3 vừa qua, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã chính thức ban hành 2 văn bản về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng chịu ảnh hưởng bởi COVID-19 theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN trên toàn hệ thống.

Đây là cơ sở quan trọng để Vietcombank có thể triển khai thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cũng như thực hiện cho vay mới một cách nhanh chóng và đồng bộ trên toàn hệ thống. Động thái này của ngân hàng kịp thời hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn và ổn định lại sản xuất, tiếp theo các giải pháp về giảm lãi suất cho vay đến 1,5%/năm và giảm phí dịch vụ trên 28% cho khách hàng đã thực hiện từ ngày 11/2/2020.

Đánh giá về những động thái của cơ quan điều hành cùng các gói tín dụng ưu đãi được các ngân hàng thương mại đưa ra, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đây là những phản ứng hết sức nhanh nhạy và kịp thời. Tuy vậy, theo ông Hiếu, trong hoàn cảnh hiện nay, cần có một quỹ bảo lãnh tín dụng tập trung ở Trung ương được Chính phủ và Quốc hội phân bổ một nguồn ngân sách nhất định.

Từ đó, các quỹ này sẽ đứng ra bảo lãnh để doanh nghiệp có thể vay vốn ngân hàng, gỡ khó về thanh khoản, vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt. Điều này nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng một cách dễ dàng hơn và góp phần giảm rủi ro cho ngân hàng.

Nhiều giải pháp cũng như các gói tín dụng ưu đãi đã được đưa ra nhằm chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn này, nhưng theo nhiều chuyên gia, việc triển khai cần phải đẩy nhanh và quyết liệt hơn nữa để đảm bảo dòng vốn của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể cấu trúc lại mô hình hoạt động, kinh doanh, tạo chuỗi liên kết cung ứng nguyên liệu trong nước, phục hồi sản xuất.../.

>>>Dịch COVID-19: Doanh nghiệp "ngóng" sự chung tay hỗ trợ từ nhiều cấp, ngành

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục