Dịch COVID-19: Các ngân hàng tiếp tục miễn, giảm phí giao dịch lần 2

10:13' - 24/03/2020
BNEWS Từ nay đến hết ngày 31/12/2020, Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapitalBank) sẽ tiếp tục miễn hoàn toàn 100% phí các loại giao dịch, bao gồm cả phí chuyển tiền nhanh 24/7.

 

Động thái này của VietCapitalBank thực hiện theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, nhằm chung tay giảm bớt gánh nặng chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ, phù hợp với chương trình miễn, giảm phí lần 2 của Công ty cổ phần thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) từ ngày 25/3-31/12/2020.

Ngay trong đợt đầu NAPAS công bố giảm phí hồi cuối tháng 2 vừa qua VietCapitalBank cũng đã thực hiện miễn phí dịch vụ từ ngày 25/2-23/3/2020.

Các ngân hàng lớn như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng cho biết đang có kế hoạch tiếp tục giảm phí giao dịch, tuy nhiên mức phí giảm cụ thể và thời gian hiệu lực tương ứng sẽ được công bố trong một vài ngày tới.

Trước đó, BIDV đã giảm mạnh hơn 70% phí giao dịch chuyển tiền trên các kênh online chỉ còn 2.000 đồng/giao dịch (chưa bao gồm VAT) thay vì mức phí 7.000 đồng/giao dịch như trước đây, cho các giao dịch có giá trị từ 500.000 đồng trở xuống, kể từ ngày 25/2/2020.

Cùng thời điểm đó, Vietcombank cũng bắt đầu áp dụng giảm phí chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7 qua tài khoản và qua thẻ dành cho các giao dịch có giá trị từ 500.000 đồng trở xuống. Mức phí giảm từ 7.000 đồng/giao dịch xuống còn 5.000 đồng/giao dịch (chưa bao gồm VAT).

Theo Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), đến nay đã có với 39/45 ngân hàng triển khai chính sách miễn hoặc giảm phí cho khách hàng, chiếm tỷ trọng 99,6% tổng số lượng giao dịch chuyển tiền giá trị nhỏ (dưới 500.000 đồng) qua NAPAS.

Cụ thể, có 17 ngân hàng áp dụng miễn phí, chiếm 56% tổng số lượng giao dịch giá trị nhỏ; 10 ngân hàng áp dụng mức thu không quá 2.000 đồng/giao dịch (chưa bao gồm VAT), chiếm 10,9% tổng số lượng giao dịch giá trị nhỏ; 12 ngân hàng áp dụng mức giảm phí tương đương với mức NAPAS giảm, chiếm 32,7% tổng số lượng giao dịch giá trị nhỏ.

Theo NAPAS, dự kiến trong tháng 3 này, 6 ngân hàng cuối cùng cũng xác nhận sẽ áp dụng chính sách miễn hoặc giảm phí, nâng tổng số ngân hàng triển khai chương trình đến khách hàng lên 45/45 ngân hàng và 100% giao dịch chuyển tiền giá trị nhỏ qua NAPAS được hưởng chính sách miễn hoặc giảm phí. Trong đó, tỷ trọng số lượng giao dịch có giá trị nhỏ (dưới 500.000 đồng chiếm 25% tổng số giao dịch qua NAPAS (số liệu tháng 2/2020).

Việc miễn, giảm phí dịch vụ phần nào sẽ tác động đến doanh thu của các ngân hàng. Như tại VietCapitalBank, đại diện ngân hàng cho biết, tỷ trọng giao dịch trong phạm vi miễn giảm phí lần này chiếm gần 30% lượng giao dịch nên doanh thu sẽ bị giảm phần nào.

Tuy nhiên, việc giảm phí chuyển tiền trong thời điểm dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, đã phần nào khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử, hạn chế giao dịch tại quầy nhằm ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh, qua đó cũng góp phần thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân, đồng thời tiết giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp và người dân.

Còn tại NAPAS, đánh giá tác động từ đợt giảm phí lần này, bà Nguyễn Tú Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết: “Tỷ trọng giao dịch trong phạm vi giảm phí lần thứ 2 chiếm gần 40% lượng giao dịch thực hiện qua hệ thống NAPAS. Dự kiến chương trình giảm phí của cả 2 lần sẽ làm giảm gần 40% doanh thu của NAPAS trong năm 2020".

Dù vậy, "NAPAS chưa bao giờ đặt lợi nhuận là mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp. Giảm phí đồng nghĩa với giảm trực tiếp doanh thu của công ty nhưng NAPAS luôn chủ động thực hiện vì đây là nhiệm vụ chính trị của doanh nghiệp. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế trước tác động của dịch bệnh, NAPAS càng phải nỗ lực đồng hành, sát cánh cùng các ngân hàng, doanh nghiệp và người dân”, bà Tú Anh khẳng định.

Chỉ trong vòng 1 tháng, NAPAS đã 2 lần giảm phí dịch vụ. Lần 1 từ ngày 25/2, NAPAS triển khai chương trình miễn phí đối với dịch vụ công và miễn, giảm 72% phí giao dịch chuyển tiền giá trị nhỏ từ 500.000 đồng trở xuống. Đến ngày 25/3, NAPAS sẽ tiếp tục giảm 50% phí dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng đối với giao dịch có giá trị từ 500.001 đồng đến 2.000.000 đồng (giảm từ 1.800 đồng/giao dịch xuống còn 900 đồng/giao dịch). Thời gian áp dụng đến hết ngày 31/12.

Thêm vào đó, Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) cũng đã thực hiện chiết khấu 50% tổng số tiền khai thác sử dụng thông tin tín dụng của tổ chức tín dụng từ tháng 3/2020 đến hết tháng 12/2020.

Đây là lần thứ 2 liên tiếp kể từ đầu năm CIC thực hiện việc giảm trừ tiền khai thác dịch vụ thông tin tín dụng đối với các tổ chức tín dụng, nhằm giúp các tổ chức tín dụng giảm chi phí, hạ lãi suất cho vay, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn của người dân và doanh nghiệp, khắc phục hậu quả do đại dịch COVID-19 gây ra. Động thái này cũng tạo động lực cho sự hồi phục và phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Việc NAPAS và CIC miễn, giảm phí đang là cơ sở để các ngân hàng tiếp tục miễn, giảm phí dịch vụ cho khách hàng và các doanh nghiệp trong thời gian tới./.

Xem thêm:

>>Ngân hàng Nhà nước: Đủ nguồn lực bình ổn thị trường ngoại tệ khi cần thiết

>>Ngân hàng đồng thuận chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục