Ngân hàng đầu tiên tổ chức đại hội cổ đông, dự kiến tăng vốn gần 36%

13:03' - 16/03/2022
BNEWS Kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm gần 36% trong năm 2022 là một trong những nội dung quan trọng được thảo luận tại ĐHCĐ thường niên của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) diễn ra sáng 16/3 tại TP.HCM.
Theo đó, VIB có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên trên 21.000 tỷ đồng, thông qua việc chia cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và 0,7% cho cán bộ nhân viên (ESOP) từ nguồn vốn chủ sở hữu. Trong đó, cổ phiếu thưởng cho cổ đông sẽ không bị giới hạn thời gian chuyển nhượng còn cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên sẽ bị giới hạn chuyển nhượng trong 1 năm.
VIB cho biết việc tăng vốn xuất phát từ nhu cầu vốn của ngân hàng dành cho các dự án đầu tư vào hệ thống công nghệ, mạng lưới, cấp tín dụng, đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn trong kinh doanh theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, chính sách ESOP là nhằm phát triển và duy trì đội ngũ nhân sự chất lượng, phục vụ cho các hoạt động kinh doanh, vận hành của ngân hàng.
 
Liên quan đến thời gian giới hạn chuyển nhượng cổ phiếu ESOP, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng Giám đốc VIB khẳng định những chính sách mà VIB đang thực hiện nhằm phát triển đội ngũ trẻ kế cận các lớp đi trước, tạo điều kiện cho họ phát triển ở các vị trí, chức vụ cao hơn và thỏa mãn được năng lực của họ mới là giữ chân nhân tài. Vì vậy việc hạn chế giao dịch 1 năm hay 3 năm không quá liên quan đến việc giữ chân hay phát triển nhân tài của VIB.
"VIB gắn kết cán bộ nhân viên bằng nhiều cơ chế, chính sách, động lực khác nhau chứ không áp dụng biện pháp hành chính", Tổng Giám đốc VIB nhấn mạnh.
Dựa trên cơ sở tăng vốn điều lệ thành công, năm 2022, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận 10.500 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2021. Các chỉ tiêu về tổng tài sản, tổng dư nợ tín dụng và huy động vốn đều tăng 30%, lần lượt là 402.500 tỷ đồng; 265.600 tỷ đồng và 280.600 tỷ đồng. Trong đó, mức tăng trưởng tổng dư nợ tín dụng có thể được điều chỉnh tùy thuộc vào giới hạn cho phép của Ngân hàng Nhà nước.
Theo VIB, kế hoạch tăng trưởng tín dụng hiện chưa có chỉ tiêu riêng cho từng ngân hàng nhưng mức 30% mục tiêu nêu trên là dựa vào năng lực phát triển, khả năng thực tế quản trị rủi ro của VIB để vẫn đảm bảo an toàn. Trước đó, năm 2019, VIB được đặt room tín dụng 34% và vẫn hoàn thành, đảm bảo an toàn vốn.
Bên cạnh đó, VIB đề ra mục tiêu kiểm soát được tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II trên 10%. Dự kiến tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROA) và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) lần lượt là 2,4% và 29,5%.
Năm 2021, lợi nhuận trước thuế của VIB đạt 8.011 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2020 và vượt kế hoạch đề ra. Quy mô tổng tài sản tăng gấp 3 lần, từ khoảng 100.000 tỷ đồng năm 2016 vượt lên gần 310.000 tỷ đồng tính đến 31/12/2021. Tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) về tín dụng và huy động lần lượt đạt 25% và 29% trong 5 năm liên tục.
Năm 2021 đánh dấu kết thúc giai đoạn 1 của hành trình chuyển đổi 10 năm ở VIB (2017-2026). Lũy kế 5 năm 2017-2021, lợi nhuận trước thuế của VIB tăng 11 lần, vốn và tổng tài sản đều tăng tốt gấp 3 lần.
Trong giai đoạn 5 năm chuyển đổi tiếp theo, VIB đặt mục tiêu tăng trưởng kép lợi nhuận đạt tối thiểu 30%/năm, dự kiến lợi nhuận vượt mốc tỷ USD. Bên cạnh đó, nền tảng khách hàng cũng sẽ được mở rộng gần gấp 3 lần so với hiện tại.
Trên thị trường chứng khoán, sau hơn 1 năm niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE), cổ phiếu VIB tăng mạnh, giúp vốn hoá thị trường tăng gấp 2,4 lần so với thời điểm đầu niêm yết vào tháng 11/2020. Trong phiên sáng 16/3, cổ phiếu VIB được giao dịch quanh mức 44.500 đồng/cổ phiếu, tăng 36% so với ngày đầu lên sàn, thanh khoản bình quân trên 1.5 triệu cổ phiếu/ngày./.

>>>Loạt ngân hàng chốt lịch đại hội cổ đông sớm


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục