Ngân hàng điều chỉnh giảm lợi nhuận hỗ trợ doanh nghiệp mùa COVID-19

18:32' - 06/04/2020
BNEWS Một số ngân hàng thương mại đang phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh giảm lợi nhuận trong năm 2020 để hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn do COVID-19.

Trước những tác động của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế và hoạt động của các doanh nghiệp, một số ngân hàng thương mại đang phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh giảm lợi nhuận trong năm 2020 để hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Theo dự thảo Báo cáo tổng kết năm 2019 và kế hoạch kinh doanh 2020 để trình Đại hội đồng cổ đông 2020, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 800 tỷ đồng, giảm 13,5% so với năm trước dù các chỉ tiêu khác vẫn tăng trưởng.

Tổng tài sản của Nam A Bank trong năm 2020 dự kiến đạt 116.000 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2019. Huy động vốn cá nhân, tổ chức kinh tế và phát hành giấy tờ có giá đạt 92.000 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2019.

Dư nợ cho vay cá nhân, tổ chức kinh tế đạt 82.000 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2019 nhưng vẫn đảm bảo tỷ lệ tăng trưởng tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 3%; đồng thời đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo đúng quy định.

Theo nhận định của Nam A Bank, kinh tế toàn cầu năm 2020 được dự báo sẽ là bức tranh ảm đạm, kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương và cụ thể là Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch COVID-19.

Từ đó, tác động đến hầu hết các ngành nghề và ảnh hưởng dây chuyền đến hoạt động của ngành ngân hàng. Do đó, năm 2020, ngân hàng xác định duy trì mức tăng trưởng phù hợp với tình hình thị trường và chú trọng củng cố nền tảng hoạt động.

Để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Nam A Bank tiếp tục giảm lãi vay lên đến 2%/năm so với biểu lãi suất cho vay hiện hành đối với các loại tiền đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) cho khách hàng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ lưu trú, nhà hàng quán ăn và xuất nhập khẩu (giữa Việt Nam với các nước thuộc vùng dịch). Đồng thời, ngân hàng tung gói ưu đãi lãi vay 1.000 tỷ đồng, lãi suất chỉ từ 9,9%/năm dành cho khách hàng cá nhân vay vốn ổn định cuộc sống.

Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Nam A Bank cho biết, việc áp dụng chính sách ưu đãi lãi vay là hành động cụ thể Nam A Bank dành cho khách hàng trong dịch COVID-19. Nam A Bank mong muốn đồng hành, hỗ trợ khách hàng duy trì, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống, giảm tải áp lực trước các khó khăn.

Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cũng có kế hoạch điều chỉnh giảm lợi nhuận trong năm 2020 do lo ngại tác động tiêu cực của dịch COVID-19. Dù chưa có dự thảo báo cáo cụ thể trình đại hội đồng cổ đông 2020, tuy nhiên phía ngân hàng này cũng tiết lộ sẽ điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh năm 2020, với mức giảm lợi nhuận tối thiểu 1.000 tỷ đồng.

Cụ thể, SHB sẽ thực hiện tiết giảm chi phí kinh doanh và chi phí hoạt động. Đồng thời, các cấp lãnh đạo hội đồng quản trị, ban điều hành và cán bộ quản lý cấp cao của SHB đã tự nguyện giảm lương 50% cho đến khi công bố hết dịch; các cấp quản lý toàn hệ thống từ cấp phó phòng trở lên (và các chức danh tương đương) giảm từ 10%- 30% tùy theo mức thu nhập.

Hiện SHB đang tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp, cá nhân khắc phục ảnh hưởng của dịch COVID-19. Cụ thể, SHB triển khai gói tín dụng quy mô 25.000 tỷ đồng với nhiều ưu đãi về lãi suất cho vay, phí dịch vụ ngân hàng, đặc biệt giảm lãi suất cho vay tối thiểu 2%/năm so với lãi suất thông thường.

Đồng thời, mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là cho vay để duy trì và khôi phục các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch.

Ngoài các gói ưu đãi lãi suất, SHB vẫn tiếp tục triển khai các phương án cơ cấu nợ, giãn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cũng như các phương án miễn giảm lãi, phí đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch; miễn phần lớn các phí giao dịch khách hàng… để hỗ trợ khách hàng.

Không chỉ riêng Nam A Bank hay SHB, trong thời gian tới, dự báo sẽ còn thêm nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm lợi nhuận để chia sẻ, hỗ trợ khách hàng vượt qua bão COVID-19.

Việc các ngân hàng đang đồng loạt giảm dần lãi suất cho vay theo chủ trương hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp chính là nhằm chia sẻ khó khăn với nền kinh tế. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng sẽ gặp nhiều khó khăn vì nợ xấu có thể sẽ tăng lên.

Trong khi đó, nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp trong năm nay được giới phân tích nhận định không tăng mạnh như những năm trước.

Thực tế theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/3, tăng trưởng tín dụng chỉ tăng 0,68%, trong khi cùng kỳ năm trước tăng 1,9%. Tổng phương tiện thanh toán tăng 1,55% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm trước tăng 2,54%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,51% (cùng kỳ năm 2019 tăng 1,72%). Số liệu cho thấy, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp sản xuất - kinh doanh và nhu cầu đi vay giảm rõ rệt.

Thêm vào đó, mới đây, ngày 31/3, Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Trong đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng xem xét cắt giảm chi phí hoạt động và lương thưởng, không chia cổ tức bằng tiền mặt để dành nguồn lực triển khai hỗ trợ giảm lãi suất.

Như vậy, các ngân hàng dù không bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID-19. Thế nhưng, vừa phải cắt giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, vừa phải lo nợ xấu tăng và phải cắt giảm chi phí hoạt động, lương thưởng… thì bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng sẽ khó nằm ngoài bị ảnh hưởng trong năm nay./.

>>>Ngân hàng dồn vốn "giải cứu" cho khách hàng gặp khó trong dịch COVID-19

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục