Ngân hàng hỗ trợ tối đa doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng do dịch virus Corona

20:53' - 06/02/2020
BNEWS Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng lớn bởi dịch do virus Corona gây ra.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh viêm đường hồ hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
Đây là ý kiến của Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú tại Hội nghị Triển khai các giải pháp tín dụng ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona do Ngân hàng Nhà nước tổ chức với sự tham gia của các ngân hàng thương mại diễn ra ngày 6/2, tại Hà Nội.
Theo Phó Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các Ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi trong giao dịch đối với khách hàng. Đồng thời, các tổ chức tín dụng chủ động phân tích, đánh giá, dự báo và xây dựng chương trình hành động, giải pháp hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra trên tinh thần tháo gỡ, chia sẻ khó khăn với khách hàng.

Ngoài ra, thực hiện các giải pháp như cơ cấu lại nợ, xem xét thực hiện miễn giảm lãi suất, chi phí cho khách hàng trên cơ sở cân đối khả năng tài chính; đưa ra các gói tín dụng ưu đãi đối với khách hàng, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực bị thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, cần hỗ trợ đúng địa chỉ, không được để tình trạng làm theo phong trào, mập mờ, che đậy sai phạm thiệt hại không phải do dịch bệnh, lợi dụng nhận hỗ trợ, tranh thủ cơ cấu lại nợ.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đề nghị các ngân hàng hưởng ứng tinh thần chung là giảm lãi suất hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch bệnh. Các gói hỗ trợ cần công bố rộng rãi, “nói là làm”, thực hiện nghiêm túc các ưu đãi về lãi suất đặc biệt với 5 lĩnh vực ưu tiên bảo đảm đi vào cuộc sống và chia sẻ với doanh nghiệp, cộng đồng và Ngân hàng Nhà nước bảo đảm sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại nếu cần.
Về rủi ro lây bệnh qua giao dịch tiền mặt, Phó Thống đốc cũng khuyến cáo người dân ngoài việc dùng các biện pháp để bảo vệ bản thân thì cũng cần hạn chế dùng tiền mặt, tăng cường sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến để giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố tính toán đưa tiền mới vào lưu thông. Với số tiền cũ quay vòng nhận về từ khách hàng, các ngân hàng tạm thời lưu trong khu vực cách ly với thời gian cần thiết và chỉ đưa vào sử dụng vào thời điểm thích hợp, nhưng vẫn bảo đảm an toàn khi giao dịch.
“Vẫn phải bảo đảm nhu cầu giao dịch tiền mặt của người dân, mở rộng hạn mức thanh toán trực tuyến (online) và giao Vụ Thanh toán nghiên cứu cơ chế hướng dẫn bổ sung”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cho rằng, dịch bệnh sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đó là dòng tiền trả nợ đối với những khoản tín dụng đã cấp cho khách hàng. Đến thời điểm này, Agribank cũng đang triển khai nhưng chưa đánh giá được có bao nhiêu khách hàng bị thiệt hại và số lượng thiệt hại bao nhiêu.

Ngân hàng vẫn cùng khách hàng nhận diện, đánh giá những ngành, lĩnh vực và khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp. Agribank luôn có những gói tín dụng hàng chục nghìn tỷ đồng sẵn sàng giải ngân với lãi suất ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp.
Đại diện các ngân hàng khác như: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank… cũng thống nhất quan điểm về hỗ trợ cho doanh nghiệp, khách hàng chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh, đó là giảm lãi vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay…/.
Xem thêm:

>>Thêm ngân hàng giảm mạnh lãi vay hỗ trợ người dân chống dịch

>>Cập nhật tin tức mới nhất về dịch do virus Corona tại đây

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục