Ngân hàng lâu đời nhất thế giới sẽ vượt qua khó khăn thế nào?

07:34' - 14/08/2021
BNEWS Chính phủ Italy trong mùa Hè này đã đưa ra giải pháp là sáp nhập MPS với ngân hàng hàng đầu nước này là UniCredit. Tuy nhiên, việc việc làm bị cắt giảm do đề xuất này đã dẫn tới những ý kiến phản đối.
Những vấn đề của ngân hàng lâu đời nhất thế giới Monte dei Paschi di Siena (MPS) là những vấn đề gai góc nhất đang chờ Thủ tướng Italy Mario Draghi giải quyết khi trở về sau kỳ nghỉ hè.

Năm 2008, khi còn là Thống đốc Ngân hàng Trung ương Italy, ông Draghi là người đã phê chuẩn để MPS mua lại đối thủ Antonveneta với mức giá bị thổi lên, khiến các nhà phân tích cho rằng đây là một nguyên nhân gây nên những khó khăn tài chính của MPS.

13 năm sau đó, việc quản lý khủng hoảng và sự hỗ trợ từ chính phủ nhằm duy trì hoạt động của MPS đã không giải quyết được vấn đề của ngân hàng lớn thứ tư Italy này, và việc MPS phá sản có thể đe dọa đến sự ổn định tài chính của Italy.

Việc bán MPS sẽ hoàn tất quá trình tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng ở Italy với 250 tỷ euro (290 tỷ USD) nợ xấu trong năm năm qua, khi các ngân hàng đứng trước một làn sóng phá sản mới do đại dịch.

Chính phủ Italy trong mùa Hè này đã đưa ra giải pháp là sáp nhập MPS với ngân hàng hàng đầu nước này là UniCredit. Tuy nhiên, việc việc làm bị cắt giảm do đề xuất này đã dẫn tới những ý kiến phản đối.

Khi Italy trải qua ba cuộc suy thoái sâu kể từ năm 2008, MPS đã lỗ 31 tỷ euro do hoạt động cho vay, với mức lỗ ròng 21 tỷ euro. Chính phủ đã giải cứu ngân hàng này vào năm 2017 với 5,4 tỷ euro.

UniCredit không đồng ý mua cả các chi nhánh của MPS ở phía Nam mà chỉ cân nhắc mua các chi nhánh có lựa chọn với điều kiện đệm vốn không bị ảnh hưởng và lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu tăng ít nhất là 10%.

Thêm vào đó, chính phủ, với 64% cổ phần trong MPS, sẽ phải ngăn chặn những rủi ro pháp lý do những vấn đề về quản lý và bất kỳ khoản nợ xấu nào.

Thỏa thuận với UniCredit có thể sẽ khiến chính phủ phải chi trên 5 tỷ euro để hỗ trợ những lao động bị mất việc, cho các sáng kiến thuế và cam kết củng cố nguồn vốn của ngân hàng sau sáp nhập.

Bộ Tài chính Italy cho rằng việc sáp nhập với một ngân hàng mạnh hơn là cách duy nhất để dừng việc thường xuyên chi ngân sách cho MPS và hai nguồn tin thân cận cho biết một thỏa thuận cuối cùng sẽ đạt được sau khi các vấn đề cụ thể về kỹ thuật được giải quyết./.

>>G20 ưu tiên vấn đề kinh tế số và chính phủ điện tử

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục