Ngân hàng Nga ứng phó thế nào với các lệnh trừng phạt của phương Tây?

07:00' - 25/02/2022
BNEWS Các gói trừng phạt của phương Tây đã siết chặt lệnh cấm đối với các khoản nợ công của Nga. Tổng thống Mỹ cho rằng, điều đó có nghĩa là Chính phủ Nga sẽ bị cắt khỏi các nguồn tài chính của phương Tây.

Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, sau khi nước này công nhận nền độc lập của hai khu vực ly khai ở Ukraine.

Đứng đầu trong số các mục tiêu của các lệnh trừng phạt mà phương Tây nhắm tới là các ngân hàng Nga và khả năng hoạt động của họ trên toàn cầu.

Tuy nhiên, tác động của các biện pháp trừng phạt mới có thể không lớn bởi các chính phủ phương Tây hiện đang muốn “dự phòng” các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn nếu cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang.

Điều đó có nghĩa là các lãnh đạo ngân hàng của Nga hoặc các đối tác phương Tây chưa phải lo lắng nhiều.

 

Các "đòn trừng phạt" ban đầu

Các ngân hàng của Mỹ không cho rằng các lệnh trừng phạt toàn cầu có tác động lớn đến họ hoặc gây ra những rủi ro lan truyền, do các ngân hàng Mỹ ít tiếp xúc với nền kinh tế Nga.

Các ngoại trưởng châu Âu đã đồng ý trừng phạt 27 cá nhân và tổ chức tài chính của Nga, bao gồm cả các ngân hàng tài trợ cho các nhà hoạch định chính sách và hoạt động của Nga tại các vùng lãnh thổ ly khai. Gói trừng phạt cũng bao gồm tất cả các thành viên của Hạ viện Nga.

Trong khi đó, Anh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với tỷ phú giàu nhất nước Nga Gennady Timchenko và hai tỷ phú khác cũng như 5 ngân hàng của Nga bao gồm Rossiya, IS Bank, GenBank, Promsvyazbank và Black Sea Bank.

Những ngân hàng này tương đối nhỏ và chỉ duy nhất có ngân hàng Promsvyazbank nằm trong danh sách các tổ chức tín dụng quan trọng của Ngân hàng trung ương Nga.

Các gói trừng phạt của phương Tây đã siết chặt lệnh cấm đối với các khoản nợ công của Nga. Tổng thống Biden cho rằng, điều đó có nghĩa là Chính phủ Nga sẽ bị cắt khỏi các nguồn tài chính của phương Tây.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đang gia hạn các lệnh cấm hiện tại để ngăn chặn việc tham gia vào thị trường thứ cấp đối với trái phiếu do Ngân hàng Trung ương Nga và các tổ chức khác phát hành sau ngày 1/3/2022.

Các dữ liệu cho thấy, trái phiếu bằng đồng USD của Nga đã kéo dài đà giảm sau thông báo về các lệnh trừng phạt của Mỹ. Chi phí bảo hiểm mà các nhà đầu tư yêu cầu để nắm giữ trái phiếu của Nga đã tăng vọt lên 329 điểm cơ bản, mức cao nhất kể từ khi thị trường bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 vào mùa Xuân năm 2020.

Tăng cường phòng vệ

Các ngân hàng lớn của Nga đã hội nhập sâu rộng vào hệ thống tài chính toàn cầu, đồng nghĩa với việc các lệnh trừng phạt đối với các tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực này có thể vượt xa biên giới của nước Nga.

Tuy vậy, các biện pháp trừng phạt mới lại tập trung vào những ngân hàng quy mô nhỏ hơn, tương tự những biện pháp được áp dụng sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Phương Tây cũng đưa vào “danh sách đen” các cá nhân cụ thể, tìm cách hạn chế khả năng tiếp cận của các tổ chức tài chính nhà nước Nga với thị trường vốn phương Tây, nhắm vào các ngân hàng quốc doanh  lớn hơn và áp đặt các giới hạn rộng rãi đối với hoạt động thương mại công nghệ.

Điều này khiến giá cổ phiếu của các ngân hàng lớn nhất của Nga như Sberbank và VTB tăng vọt sau khi giới đầu tư nhận thấy các ngân hàng lớn do nhà nước kiểm soát đã thoát khỏi các lệnh trừng phạt.

Kể từ năm 2014, Nga đã đa dạng hóa kho dự trữ ngoại hối, giảm dần sự phụ thuộc vào đồng USD và đồng euro. Theo báo cáo tháng 1/2022 từ Viện Tài chính Quốc tế, vàng đang chiếm tỷ trọng lớn hơn trong dự trữ ngoại hối của Nga so với USD.

Nga cũng có một số biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ nền kinh tế vĩ mô, bao gồm kho dự trữ ngoại hối lớn 635 tỷ USD, giá dầu ở mức 100 USD/thùng và tỷ lệ nợ trên GDP thấp (18%) vào năm 2021.

Điều mà các ngân hàng trong khu vực và các chủ nợ phương Tây lo ngại nhất là khả năng Nga bị loại khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên Ngân hàng Toàn cầu (SWIFT), hiện đang có sự tham gia của hơn 11.000 tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia.

SWIFT thiết lập các tiêu chuẩn chung cho các giao dịch tài chính và một hệ thống xử lý dữ liệu dùng chung và mạng lưới truyền thông trên toàn thế giới, cho phép các tổ chức tài chính và ngân hàng trên toàn thế giới gửi và nhận thông tin về các giao dịch tài chính trong một môi trường an toàn, tiêu chuẩn và đáng tin cậy.

Việc bị loại khỏi SWIFT sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các ngân hàng Nga nhưng hậu quả rất phức tạp, bởi nó sẽ khiến các chủ nợ châu Âu khó lấy lại tiền cho vay, trong khi Nga đã và đang xây dựng một hệ thống thanh toán thay thế.

Dữ liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho thấy các ngân hàng cho vay châu Âu đang nắm giữ phần lớn nhất trong số gần 30 tỷ USD tiền cho vay mà các ngân hàng nước ngoài dành cho Nga.

Các ngân hàng của châu Âu - đặc biệt là các ngân hàng ở Áo,  Italy (I-ta-li-a) và Pháp - là những ngân hàng giao dịch với Nga nhiều nhất trên thế giới. Song họ cũng đã cảnh giác cao độ nếu các chính phủ đồng minh áp đặt các biện pháp trừng phạt mới.

Tuy nhiên, nhiều ngân hàng nước ngoài đã giảm đáng kể mức độ giao dịch với Nga kể từ năm 2014, bởi vậy họ sẽ ít lo ngại về mối đe dọa từ các lệnh trừng phạt liên quan tới cuộc khủng hoảng hiện tại./.

>>>ECB theo dõi chặt chẽ tác động của tình hình Ukraine tới kinh tế Eurozone

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục