Ngân hàng rốt ráo thu hồi nợ xấu, tăng trích lập dự phòng rủi ro

10:31' - 21/06/2021
BNEWS Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản về đánh giá nhóm nợ và gia hạn nợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, cho phép các ngân hàng tiếp tục giữ nguyên nhóm nợ để doanh nghiệp được vay vốn.

Điều này giúp các ngân hàng tránh khỏi tình trạng nợ xấu gia tăng đột biến do hết thời hạn tái cơ cấu.

Tuy nhiên, không vì thế mà các ngân hàng có thể "bình chân" trước nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn ngày càng tăng mạnh, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và làm suy giảm khả năng trả nợ của các doanh nghiệp, cá nhân vay vốn.

*Rốt ráo thanh lý tài sản thế chấp

Không khó để nhận ra xu hướng rao bán tài sản thế chấp để xử lý và thu hồi nợ xấu đang ngày càng được đẩy mạnh khi thông báo phát mại tài sản liên tục xuất hiện dày đặc trên trang web của các ngân hàng thời gian qua, thậm chí có nhiều tài sản được rao bán đến cả chục lần.

Cụ thể như tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), mới đây, ngân hàng này đã thông báo bán đấu giá tài sản là khoản nợ của Công ty CP Kiến trúc và xây dựng Archplus lần thứ 5.

Tài sản đấu giá là khoản nợ phát sinh từ đầu tư trái phiếu của Archplus tại BIDV, bao gồm toàn bộ dư nợ gốc và dư nợ lãi, phí phát sinh đến thời điểm thực hiện giao dịch mua bán nợ. Tổng dư nợ tính đến ngày 15/4/2021 là gần 500 tỷ đồng. Giá khởi điểm của khoản nợ là hơn 326 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 500 tỷ đồng trong thông báo cách đây 2 tháng.

Hay như khối tài sản gồm máy móc thiết bị của Công ty CP Thuý Đạt cũng được giao bán đến lần thứ 40, với giá khỏi điểm là hơn 7 tỷ đồng.

Trước đó, BIDV đã từng rao bán khối tài sản của Công ty CP Thuận Thảo trên dưới 11 lần, bao gồm khách sạn 5 sao Cendeluxe 17 tầng và khu trung tâm hội nghị, triển lãm và dịch vụ du lịch Thuận Thảo.

Không riêng gì BIDV, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) mới đây ra thông báo bán đấu giá toàn bộ khoản nợ của Nông trường Sông Hậu Tp. Cần Thơ tại Agribank chi nhánh Tp. Cần Thơ. Giá trị ghi sổ khoản nợ của Nông trường Sông Hậu Tp. Cần Thơ tạm tính đến ngày 30/3/2021 là hơn 348 tỷ đồng, gồm hơn 96 tỷ đồng dư nợ gốc.

Từ cuối tháng 4/2021 đến nay, khoản nợ này đã được đưa ra đấu giá 4 lần nhưng không thành công. Qua mỗi lần đấu giá, giá khởi điểm của khoản nợ lại bị hạ xuống đáng kể, đến nay chỉ còn hơn 228 tỷ đồng, thay vì mức hơn 348 tỷ đồng như trong lần đấu giá đầu tiên.

Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, tài sản đảm bảo dù rao bán nhiều lần vẫn "ế" chủ yếu là do nền kinh tế khó khăn, thị trường giao dịch tài sản nói chung thanh khoản thấp.

Mặt khác, quy định không cho phép giảm giá quá nhiều nên mỗi lần phát mại chỉ giảm giá nhỏ giọt, dẫn đến tình trạng 5-10 lần đấu giá vẫn chưa thanh lý được tài sản.

Thêm vào đó, vẫn xảy ra hiện tượng thiếu hợp tác của bên đi vay nên dù có hoàn tất thủ tục đấu giá thì quá trình chuyển giao tài sản vẫn rất phức tạp.

*Tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu

Nợ xấu cũ chưa giải quyết triệt để, nợ xấu mới lại có nguy cơ tăng thêm. Trong đó, đứng đầu ngành về quy mô nợ xấu là BIDV. Nợ xấu của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng tăng mạnh.

Báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng như Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank)... cũng phản ánh tốc độ tăng trưởng nợ xấu ở mức cao, lần lượt từ 19,2 - 61%.

Trong bối cảnh đó, nhiều ngân hàng lựa chọn tăng mạnh tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro như một tấm đệm bao phủ nợ xấu, tránh những cú sốc sau này.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) nhận định: "Ảnh hưởng của COVID-19 đến ngân hàng là rất rõ ràng. Nhiều khách hàng của ngân hàng là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch, khách sạn... đang bị ảnh hưởng nặng nề, khả năng trả nợ khó. Với tình hình này, ngân hàng có thể không bị mất vốn, nhưng nợ xấu có khả năng tăng nhanh hơn, đồng nghĩa với việc ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng".

Trong khi đó tại Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng cho biết: "Tuy Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các ngân hàng được trích lập dự phòng đối với khoản nợ tái cơ cấu do ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong 3 năm, song Vietcombank phấn đấu trích đầy đủ trong năm 2021".

Thông tư 03/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ra đời, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID–19, giúp các ngân hàng lên lộ trình 3 năm trích dự phòng cho các khoản nợ tái cơ cấu, tránh được tình trạng chi phí trích lập dự phòng dồn vào năm 2021.

Tuy vậy, giới chuyên gia nhận định bức tranh tăng trưởng của các ngân hàng trong quý đầu năm với các con số lợi nhuận khả quan vẫn chưa phản ánh chính xác sức khỏe nội tại, bởi một số ngân hàng còn chưa trích lập dự phòng đầy đủ cho các khoản nợ xấu tiềm ẩn.

"Thông thường các ngân hàng sẽ dồn việc trích lập dự phòng vào báo cáo tài chính những quý cuối năm. Tuy nhiên để nhìn nhận chính xác hơn về bức tranh nợ xấu và tránh tình trạng tăng sốc cả về nợ xấu lẫn trích lập dự phòng vào quý cuối năm, các ngân hàng nên trích lập ngay từ bây giờ", TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục