Ngân hàng Singapore "đau đầu" ứng phó tình trạng giả mạo tin nhắn

08:16' - 22/01/2022
BNEWS Cảnh sát Singapore cho biết, chỉ trong tháng 12/2021 đã có 470 khách hàng của ngân hàng OCBC bị lừa đảo qua tin nhắn giả mạo, với tổng thiệt hại lên tới 8,5 triệu đô la Singapore (SGD, 6,3 triệu USD).

Tình trạng lừa đảo mạo danh ngân hàng thông qua tin nhắn hay cung cấp số điện thoại giả mạo khi người dùng tìm kiếm đường dây nóng hỗ trợ của các ngân hàng thông qua công cụ tìm kiếm Google đang là vấn đề nhức nhối tại Singapore vào thời điểm cuối năm và giáp Tết Nguyên Đán.
Cảnh sát Singapore cho biết, chỉ trong tháng 12/2021 đã có 470 khách hàng của ngân hàng OCBC bị lừa đảo qua tin nhắn giả mạo, với tổng thiệt hại lên tới 8,5 triệu đô la Singapore (SGD, 6,3 triệu USD).

Các nạn nhân nhận được tin nhắn từ người gửi là “OCBC-Notice” (tin nhắn chính thức của ngân hàng có tên "OCBC") cảnh báo các giao dịch từ tài khoản đã bị dừng, đề nghị cập nhật thông tin theo đường link, nếu không tài khoản sẽ bị khóa trước ngày 31/12/2021.
Sau khi bấm vào đường link, các khách hàng được chuyển đến một trang web giả mạo giống như của OCBC và được yêu cầu nhập chi tiết đăng nhập tài khoản iBanking của họ. Chỉ sau khi nhận được thêm các tin nhắn từ OCBC thông báo về các giao dịch trái phép được thực hiện và trừ tiền trong tài khoản, các nạn nhân mới phát hiện ra rằng họ đã bị lừa đảo.
Không chỉ tin nhắn, những người tìm kiếm số điện thoại đường dây nóng của các ngân hàng bằng công cụ Google cũng “bị lừa” khi xuất hiện những quảng cáo có số điện thoại đường dây nóng giả của các ngân hàng. Khi gọi điện, nạn nhân sẽ phải cung cấp nhiều thông tin cá nhân để xác nhận, và được thông báo có vấn đề với tài khoản, hoặc thẻ tín dụng.
Sau đó, các nạn nhân sẽ được hướng dẫn tạm thời chuyển số tiền của mình sang một tài khoản khác, do kẻ lừa đảo cung cấp, hoặc được hướng dẫn thanh toán cho một khoản tiền đang nợ (đối với người sử dụng thẻ tín dụng trả trước). Chỉ trong tháng 12/2021, cảnh sát đã nhận được trình báo của 15 nạn nhân, với tổng số tiền bị lừa lên tới gần 500.000 SGD.
Trước tình hình đó, ngày 17/1, Cơ quan quản lý Tiền tệ Singapore (MAS) cho biết, họ sẽ xem xét có các “hành động giám sát” đối với ngân hàng OCBC, sau một loạt các vụ lừa đảo bằng tin nhắn nói trên. Sau cảnh báo của MAS, OCBC đã thông báo sẽ “hoàn trả thiện chí” số tiền đã bị mất của các nạn nhân bị ảnh hưởng.
Ngày 19/1, ngân hàng DBS ra thông báo cảnh báo các khách hàng cẩn trọng trước các tin nhắn mạo danh ngân hàng và không mở các đường link kèm theo tin nhắn. Trong thông báo trên trang Facebook, DBS cho biết, ngân hàng này sẽ không bao giờ đề nghị cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản hay mã OTP qua điện thoại, thư điện tử (email) hay tin nhắn./.

>>>Trung Quốc khởi động chiến dịch "làm sạch" mạng Internet

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục