Ngân hàng tăng tốc xử lý nợ xấu

10:16' - 11/12/2022
BNEWS Thời gian qua, hoạt động bán đấu giá tài sản đảm bảo, đấu giá khoản nợ để thu hồi vốn liên tục được các ngân hàng đẩy mạnh trong bối cảnh nợ xấu có xu hướng gia tăng.

Đáng chú ý, ngoài bất động sản, máy móc, thiết bị, nhiều khoản nợ vay tiêu dùng, nợ không có tài sản đảm bảo hoặc tài sản giá trị thấp cũng được các ngân hàng rao bán. Dù vậy, việc xử lý nợ xấu vẫn còn gặp khó.

*Đấu giá nhiều tài sản hy hữu

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) mới đây đã đăng thông báo bán đấu giá 321 khoản nợ vay tiêu dùng của 321 cá nhân có tổng giá trị sổ sách (gốc, lãi, lãi phạt) hơn 6,6 tỷ đồng. Giá khởi điểm VietinBank rao bán là hơn 6 tỷ đồng, chưa bao gồm các chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản và các chi phí khác nếu có khi thực hiện mua khoản nợ, các chi phí này do người trúng đấu giá chịu.

VietinBank bán từng khoản nợ, một số khoản nợ hoặc tất cả các khoản nợ. Đây đều là những khoản vay không có tài sản bảo đảm. Đáng chú ý trong số này, khoản nợ thấp nhất có giá khởi điểm chỉ gần 13.000 đồng và cao nhất là gần 94 triệu đồng.

Đây không phải là lần đầu tiên VietinBank rao bán các khoản nợ xấu cho vay tiêu dùng của các khách hàng cá nhân. Ngân hàng này từng rao bán 233 khoản nợ vay tiêu dùng hồi tháng 10/2022; 82 khoản nợ vay tiêu dùng vào tháng 6/2022...

Điểm khác biệt trong lần chào bán này của VietinBank là giá khởi điểm đã "mềm" hơn, bằng khoảng 90-93% giá trị khoản nợ thay vì bằng nguyên giá trị sổ sách như những lần trước đó.

Một khoản nợ khó đòi khác của VietinBank được rao bán mới đây thuộc về Công ty cổ phần ĐTK và Công ty cổ phần Thức ăn chăn nuôi Trung ương. Các tài sản đảm bảo ngoài một số lô đất và hàng tồn kho còn bao gồm toàn bộ đàn gà ba đời của công ty (gà ông bà, gà bố mẹ, gà con) và cả trứng gà.

Hay như tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) - Chi nhánh Lào Cai II cũng từng thông báo bán tài sản thế chấp là lô hàng hóa tồn kho gồm quần áo, đồ gia dụng, văn phòng phẩm, mỹ phẩm... đều trong tình trạng đã cũ và lỗi mốt. Giá khởi điểm là 60 triệu đồng.

Theo một lãnh đạo ngân hàng, đấu giá khoản nợ là hoạt động nghiệp vụ bình thường của ngân hàng. Tài sản thế chấp cho khoản nợ đa dạng từ đất đai, nhà cửa, máy móc, thiết bị, thậm chí cả hoa mầu, gà, vịt... Nhiều người có tâm lý chỉ những khoản nợ lớn và có tài sản đảm bảo thì ngân hàng mới thanh lý. Nhưng thực tế ngay cả với khoản nợ tiêu dùng ngân hàng cũng muốn chào bán công khai bởi nhiều đơn vị có giấy phép kinh doanh thu hồi nợ có nhu cầu mua những khoản nợ này.

Bên cạnh những thông báo bán đấu giá hy hữu như trên, tình trạng chung mà nhiều ngân hàng vẫn đang phải đối mặt là nợ xấu dù rao bán nhiều lần, giá trị tài sản giảm sâu nhưng vẫn "ế".

Có thể kể tới khoản nợ của Công ty cổ phần Vertical Synergy Vietnam tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Dù được rao bán nhiều lần, giá khởi điểm trong lần bán gần nhất giảm 120 tỷ đồng so với hồi đầu tiên xuống còn 348,3 tỷ đồng, tương đương với nợ gốc, nhưng vẫn chưa có ai mua.

Loạt bất động sản là tài sản đảm bảo của Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Thiên Tân cho khoản vay tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng trong tình trạng tương tự dù đã rao bán đến lần thứ 7.

 

*Gỡ khó cho hoạt động xử lý nợ xấu

Theo thống kê của Trung tâm phân tích Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), chất lượng tín dụng trong quý III/2022 kém khả quan, tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,47%, tăng 20 điểm cơ bản so với đầu năm và 8 điểm cơ bản theo quý. Các chuyên gia SSI cảnh báo các ngân hàng sẽ phải đối mặt với vấn đề chất lượng tài sản trong thời gian tới, nợ xấu và trích lập dự phòng sẽ là những áp lực tương đối lớn.

Khách hàng giao dịch tại VietinBank. Ảnh: BNEWS phát
Thực tế, báo cáo tài chính quý III/2022 của nhiều ngân hàng cho thấy tỷ lệ nợ xấu gia tăng sau 9 tháng. Như tại Vietcombank, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,64% hồi đầu năm lên 0,8%; VietinBank tăng từ 1,3% lên 1,4%; BIDV tăng từ 1% đầu năm lên 1,35%...

Trong khi đó, những khó khăn chung của nền kinh tế đã phần nào làm chậm quá trình xử lý nợ xấu tại các ngân hàng. "Trước đây thu hồi nợ xấu chủ yếu dựa vào bất động sản, nhưng nay thị trường đi xuống, thanh khoản sụt giảm khiến tài sản rao bán khó tìm được người mua. Quá trình xử lý nợ xấu vì thế cũng bị chậm lại", một lãnh đạo ngân hàng chia sẻ.

Bên cạnh đó, thị trường mua bán nợ xấu còn khá sơ khai cũng là rào cản làm chậm quá trình này.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, thị trường mua bán nợ là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi mua bán các khoản nợ hay thu hồi nợ trên thị trường của các chủ thể trong nền kinh tế để tránh rủi ro về mặt tài chính và tăng tính thanh khoản cho các doanh nghiệp cũng như các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc nhìn nhận thị trường mua bán nợ Việt Nam về cơ bản vẫn còn khá sơ khai, còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết như khung pháp lý cho hoạt động thị trường mua bán nợ chưa thống nhất, bất cập, thiếu và yếu; thị trường chưa thu hút được đa dạng chủ thể tham gia, dẫn đến số lượng chủ thể còn ít; hàng hóa trên thị trường mua bán nợ chưa đa dạng; quy mô thị trường mua bán nợ còn khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực; kỹ thuật, phương pháp định giá khoản nợ còn thiếu tính thị trường...

Để phát triển thị trường mua bán nợ tại Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV đề xuất cần hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ, trước mắt là nghị định về thị trường mua bán nợ, về lâu dài có thể xây dựng luật theo hướng bổ sung các chủ thể tham gia thị trường. Đồng thời, mở rộng phương thức mua bán nợ, cho phép chứng khoán hóa, luật hóa Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên cơ sở tiếp thu, chỉnh sửa những vướng mắc trong quá trình triển khai và nhu cầu thời gian tới.

Vị chuyên gia cũng cho rằng cần thúc đẩy sự phát triển của các chủ thể tham gia thị trường, cho phép thành lập Hiệp hội các doanh nghiệp mua bán nợ; tổ chức nhận ủy thác cho nhà đầu tư nước ngoài, công ty định giá, tổ chức xếp hạng tín nhiệm, công ty môi giới...; phát triển thị trường thứ cấp, tăng tính thanh khoản cho thị trường; có thể cân nhắc thành lập một đơn vị tái cho vay thế chấp như kinh nghiệm từ Mỹ, Malaysia.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục