Ngân hàng trung ương Indonesia bắt đầu mua trực tiếp trái phiếu chính phủ

20:48' - 23/04/2020
BNEWS Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) đã mua trực tiếp 1,7 nghìn tỷ rupiah (108 triệu USD) trái phiếu sharia trong cuộc đấu thầu do Chính phủ nước này tổ chức hôm 21/4.

Đây là giao dịch đầu tiên kể từ khi Indonesia sửa đổi quy định cho phép BI mua trực tiếp trái phiếu chính phủ.

Theo Sắc luật số 1/2020 được Tổng thống Jokowi ban hành vào đầu tháng Tư, BI được phép mua trái phiếu chính phủ tại các phiên đấu thầu giá. Sắc luật này bãi bỏ Luật về BI năm 1999, theo đó chỉ cho phép cơ quan này mua trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp.

Thống đốc BI, ông Perry Warjiyo cho biết BI đóng vai trò là “người mua không cạnh tranh” trong suốt phiên đấu thầu và chỉ mua một lượng nhỏ trái phiếu nhằm duy trì lạm phát ở mức thấp. Chính phủ đã thu tổng cộng 9,98 nghìn tỷ rupiah từ phiên đấu thầu này nhằm bù đắp cho thâm hụt ngân sách.

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 22/4, Thống đốc Perry cho hay BI đóng vai trò là “phương sách cuối cùng” khi thị trường không mua hết lượng trái phiếu phát hành. BI đã dự báo rằng hầu hết trái phiếu sẽ được thị trường mua và BI sẽ chỉ mua một lượng nhỏ trong số đó.

Hôm 21/4, Chính phủ Indonesia đã phát hành 6 loại trái phiếu sharia với mục tiêu thu về 7 nghìn tỷ rupiah trong tổng số 14 nghìn tỷ rupiah được đem ra đấu giá để tài trợ cho ngân sách nhà nước năm 2020. Kết quả cuối cùng, Chính phủ đã thu về 9,98 nghìn tỷ rupiah trong tổng số 18,8 nghìn tỷ rupiah trái phiếu được đặt mua.

Thống đốc Perry cho biết BI và Bộ Tài chính đã đạt được thỏa thuận nhằm hạn chế khả năng thâu tóm trái phiếu chính phủ của ngân hàng trung ương.

Theo đó, BI chỉ được phép mua tối đa 30% tổng lượng trái phiếu sharia và 25% tổng số trái phiếu chính phủ thông thường được phát hành. Điều này nhằm đảm bảo không gây tác động đến lạm phát.

Cũng theo ông Perry, Chính phủ Indonesia và BI đã ký biên bản ghi nhớ trong đó quy định rằng, trước khi BI mua trái phiếu, Chính phủ phải tối đa hóa các nguồn tài trợ khác bao gồm cả việc phát hành trái phiếu quốc tế.

Ngoài ra, trái phiếu phải phát hành thông qua các cơ chế thị trường và phải là loại có thể giao dịch được để BI thực hiện các nghiệp vụ tiền tệ.

Josua Pardede, chuyên gia kinh tế thuộc ngân hàng Permata đánh giá rằng việc BI can thiệp vào thị trường sơ cấp sẽ thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư, đồng thời giúp ổn định thị trường trái phiếu của Indonesia.

Theo Bộ Tài chính Indonesia, Chính phủ nước này sẽ phát hành “trái phiếu đại dịch” có tổng trị giá gần 450 nghìn tỷ rupiah nhằm tài trợ cho các nỗ lực chống cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế do dịch bệnh COVID-19 gây ra. 

Ngoài ra, Chính phủ Indonesia cũng lên kế hoạch nâng chỉ tiêu phát hành trái phiếu thông thường từ 160,2 nghìn tỷ rupiah lên mức 549,6 nghìn tỷ rupiah trong năm nay nhằm bù đắp cho thâm hụt ngân sách vốn đã được điều chỉnh lên mức 5,07% GDP.

Số liệu của BI cho thấy, tính từ ngày 13-20/4, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua tổng cộng 4,37 nghìn tỷ rupiah trái phiếu chính phủ Indonesia mặc dù bán ròng 2,8 nghìn tỷ rupiah chứng khoán trong cùng thời gian.

Theo Thống đốc Perry, điều này phản ánh niềm tin ngày càng tăng của các nhà đầu tư nước ngoài vào Indonesia, do lợi suất hấp dẫn hơn so với các quốc gia đang phát triển khác.

Đồng thời, điều này sẽ giúp ổn định tỷ giá hối đoái của đồng nội tệ rupiah, được dự báo sẽ ở mức 15.000 rupiah đổi một USD vào cuối năm nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục