9 triệu người Indonesia có thể rơi vào cảnh nghèo đói và thất nghiệp

18:18' - 17/04/2020
BNEWS Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết hàng triệu người dân nước này sẽ rơi vào tình trạng nghèo đói và thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo kịch bản “xấu”, Indonesia sẽ có thêm 1,1 triệu người nghèo và 2,9 triệu người thất nghiệp. Trong khi đó, kịch bản “xấu nhất” dự báo sẽ có thêm 3,78 triệu người rơi vào tình trạng nghèo đói và 5,2 triệu người mất việc.

Số liệu của Cơ quan thống kê trung ương (BPS) cho thấy Indonesia có 7,05 triệu người thất nghiệp trong số 133,56 triệu người lao động vào năm ngoái. Trong khi đó, 24,79 triệu người sống trong cảnh nghèo nghèo đói, chiếm 9,22% dân số và giảm khoảng 880.000 so với năm trước.

Phát biểu tại họp báo trực tuyến sau cuộc họp Nội các hôm 14/4, Bộ trưởng Sri Mulyani cho hay, trong một tình huống nghiêm trọng, có thể Indonesia sẽ ghi nhận mức tăng trưởng âm trong năm nay, qua đó ảnh hưởng đến các điều kiện xã hội và phát triển của đất nước.

Chính phủ Indonesia mới đây dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ chỉ đạt 2,3% trong năm nay theo kịch bản xấu, mức thấp nhất trong 21 năm qua, thậm chí có thể đạt -0,4% theo kịch bản xấu nhất.

Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Indonesia từ 5,1% xuống còn 2,1% trong năm nay do  dịch COVID-19. WB cũng dự báo hơn 11 triệu người có thể rơi vào tình trạng nghèo đói ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trái ngược hoàn toàn với dự báo trước đó rằng tăng trưởng kinh tế sẽ đủ để giúp 35 triệu người thoát khỏi đói nghèo trong năm nay.

Nhà kinh tế Frederico Gil Sander thuộc WB tại Indonesia cảnh báo rằng hàng triệu người Indonesia, bao gồm cả những người xuất thân từ các hộ nghèo và các lao động phi chính thức, không đảm bảo an ninh kinh tế và tình hình dịch bệnh sẽ khiến họ đối mặt với các “cú sốc”.

Bộ Nhân lực Indonesia và Cơ quan An sinh Xã hội Lao động (BPJS Ketenagakerjaan) hôm 13/4 thông báo đã có 2,8 triệu người lao động tại nước này bị mất việc, trong đó hơn một nửa được cho tạm nghỉ có lương hoặc không có lương. Ngoài ra, khoảng 70 triệu lao động phi chính thức cũng đứng trước nguy cơ mất thu nhập do chính sách giãn cách xã hội.

Theo Bộ trưởng Sri Mulyani, quý II này sẽ là quý khó khăn nhất trong năm nay với dụ báo tăng trưởng kinh tế có thể giảm xuống 0,3%, thậm chí -2,6%, trước khi phục hồi nhẹ lên mức 1,5%-2,8% trong quý III. Nếu tình hình khó khăn kéo dài, có khả năng Indonesia sẽ rơi vào suy thoái với tăng trưởng GDP đạt mức âm trong hai quý liên tiếp.

Bà Sri Mulyani cũng nói thêm rằng Chính phủ Indonesia đã chuẩn bị các biện pháp nhằm giải quyết các thách thức này. Theo đó, Chính phủ Indonesia sẽ tập trung ngân sách nhà nước cho lĩnh vực chăm sóc y tế, mạng lưới an sinh xã hội và hỗ trợ cho các doanh nghiệp thuộc khu vực phi chính thức, các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ cũng như các doanh nghiệp thuộc khu vực chính thức nhằm tránh các đợt sa thải quy mô lớn.

Chính phủ Indonesia mới đây công bố sẽ chi 436,1 nghìn tỷ rupiah (26,36 tỷ USD), tương đương 2,5% GDP, cho các gói kích thích tập trung vào lĩnh vực y tế, bảo trợ xã hội và các chương trình phục hồi kinh tế./.

>>Dịch COVID-19: Indonesia công bố kế hoạch hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục