Ngân hàng trung ương Nhật Bản nới lỏng kiểm soát thị trường trái phiếu

17:47' - 06/11/2023
BNEWS Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã bắt đầu nới lỏng kiểm soát thị trường trái phiếu, từng bước cho phép lĩnh vực tư định giá.
Tuy nhiên, hoạt động phát hành trái phiếu chính phủ (JGB) sẽ không giảm, gây rủi ro lãi suất bất ngờ tăng trong quá trình điều chỉnh này.

 
Ngay sau khi BoJ điều chỉnh lại chính sách kiểm soát đường cong lợi suất vừa qua, chính phủ đã thực hiện một đợt phát hành trái phiếu kỳ hạn 10 năm, loại trái phiếu mà lợi suất được lấy làm chuẩn cho lãi suất dài hạn. Mức lợi suất cao nhất trong đợt phát hành này là 0,915%, đúng như nhận định của thị trường.

Lý do là BoJ đã thông báo sẽ mua JGB một ngày sau khi phát hành. Điều này mang lại sự an toàn cho các công ty chứng khoán và các nhà giao dịch khi mua vào. Các nhà giao dịch đã mua JGB nếu không thể bán cho các nhà đầu tư sẽ có thể có lựa chọn khác là BoJ.

Theo một nhà giao dịch trái phiếu, nguồn cung JGB trên thị trường lớn sẽ khiến trái phiếu phát hành mới với lợi suất thấp khó hấp dẫn nếu không có thông báo của BoJ.

Trước năm 2013, khi BoJ thực hiện chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, lượng phát hành hàng năm JGB trên thị trường khoảng 150.000 tỷ yen (1.000 tỷ USD). Con số này tăng lên 200.000 tỷ yen trong tài khóa 2020, khi dịch bùng phát. Trong tài khóa 2023, lượng trái phiếu được phát hành giảm nhẹ xuống khoảng 190.000 tỷ yen.

Nhà chiến lược Katsutoshi Inadome tại Sumitomo Mitsui Trust Asset Management cho biết, BoJ được cho là sẽ mua khoảng 60% lượng trái phiếu phát hành mới và duy trì tỷ lệ này trong thời gian tới.

Tuy nhiên, nếu BoJ tiến tới việc thắt chặt, tỷ lệ trên sẽ giảm dần. Nếu nhà đầu tư lỗ do BoJ không quan tâm đến giá trái phiếu, rủi ro lãi suất dài hạn tăng sẽ gia tăng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục