Ngân hàng xanh hướng dòng vốn vào mục tiêu bền vững

12:44' - 07/08/2018
BNEWS Theo GIZ, tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu dựa trên mô hình phát thải carbon cao, tạo nhiều áp lực cho môi trường.

Ngày 7/8, tại Hội thảo Ngân hàng xanh hướng tới phát triển bền vững, do Ngân hàng Nhà nước phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh vai trò quyết định của ngành ngân hàng trong quá trình chuyển đổi kinh tế thông qua việc hướng các dòng vốn vào hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững, áp dụng các nguyên tắc quản trị rủi ro môi trường và xã hội chặt chẽ hơn trong hoạt động cấp tín dụng.

Hội thảo Ngân hàng xanh hướng tới phát triển bền vững. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Đây cũng là một kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế, hệ thống ngân hàng Việt Nam đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế quốc gia sang mô hình phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, giảm thải carbon và bền vững.

Theo ông Phạm Xuân Hòe, Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam) thì biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, phát thải CO2… nói lên tất cả sự cấp thiết về trách nhiệm của ngân hàng với cộng đồng và xã hội. Vai trò của dịch vụ tài chính ngân hàng trong việc kiểm soát và hướng mục đích qua dòng vốn và dịch vụ tài chính.

Theo GIZ, tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu dựa trên mô hình phát thải carbon cao, tạo nhiều áp lực cho môi trường. Để tài trợ cho Chiến lược tăng trưởng xanh, Việt Nam cần ít nhất 30,7 tỷ USD đến năm 2020, tức 15% GDP của Việt Nam năm 2015.

Việc sử dụng khung chính sách tài chính xanh tích hợp, kết hợp với các sản phẩm và công cụ tài chính xanh để xanh dựng các chương trình tín dụng xanh quốc gia, các đề án trái phiếu xanh, chỉ số xanh sẽ hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh một cách rộng khắp, toàn diện và tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tăng trưởng bền vững.

GIZ cũng dự báo Việt Nam đến năm 2020 có thể giảm thiểu được 85,12 triệu tấn CO2 và 197,9 triệu tấn CO2 (tức là 25% tổng phát thải CO2) vào năm 2030 khi thực hiện được kế hoạch đến năm 2020 và các cam kết.

Theo TS. Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng, Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường thì để phát triển tài chính bền vững Ngân hàng Nhà nước tiếp tục lồng ghép và ban hành khung chính sách về tài chính xanh, khuyến khích các ngân hàng cho vay ưu đãi đối với các dự án xanh; thường xuyên huy động các chương trình tài chính xanh quốc tế.

Bên cạnh đó, TS. Phạm Hoàng Mai cũng cho rằng cần thiết lập quỹ tài chính xanh để có thể tiếp cận các nguồn tài trợ quốc tế, ví dụ như Quỹ Khí hậu xanh (GCF), các định chế tài chính cần được khuyến khích và có nghĩa vụ thiết lập các chính sách nội bộ về ngân hàng xanh, tín dụng xanh, các chính sách về quản trị rủi ro và đặc biệt là báo cáo định kỳ theo chỉ thị số 03/CT-NHNN, hỗ trợ phát hành trái phiếu xanh, thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tài trợ các dự án xanh.

Tiến sĩ Michael Krakowski, Giám đốc/Cố vấn trưởng Chương trình Cải cách Kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh chia sẻ những ghi nhận của thế giới đối với nỗ lực và thành quả của Việt Nam trong tiến trình hướng tới tăng trưởng xanh.

TS Michael Krakowski cam kết tiếp tục hợp tác với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để góp phần vào việc thực hiện thành công các chiến lược quốc gia về kinh tế xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục