Ngân sách mất hàng nghìn tỷ vì tôn thép giả

15:27' - 27/11/2015
BNEWS Ngân sách nhà nước bị mất đi hàng nghìn tỷ đồng do những chiêu trò gian lận của một số doanh nghiệp, đơn vị phân phối, đại lý mặt hàng tôn thép phủ màu, mạ màu.
Đóng dấu các sản phẩm xuất khẩu tại nhà máy tôn Hoa Sen Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu) thuộc Tập đoàn Hoa Sen. Ảnh: TTXVN phát
Nạn hàng giả, hàng nhái đang bùng phát trên thị trường đang là mối hiểm họa khôn lường không những với người tiêu dùng mà còn gây ra những tác hại không nhỏ đối với các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Tại Hội thảo “Tình trạng tôn gian, kém chất lượng nhập khẩu, hậu quả và giải pháp”do Thời báo kinh tế Việt Nam phối hợp với Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (VINASTAS) Việt Nam tổ chức ngày 27/11 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận nhằm tìm ra giải pháp phù hợp để quản lý hiệu quả, bảo vệ người tiêu dùng và cùng truyền đi thông điệp “hãy nói không với hoạt động gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái”.

*Thị trường bị thu hẹp

Bất bình trước vấn nạn hàng nhái, hàng giả đang ở mức báo động, Phó Giáo sư tiến sĩ Vũ Đình Hòe, Phó Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam bày tỏ,  tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực tôn mạ màu.

Đây là phân khúc quan trọng của ngành công nghiệp thép, một ngành quan trọng trong nền kinh tế quốc gia gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh chân chính của các doanh nghiệp.

Theo ông Vũ Đình Hòe, đây là mặt trái của nền kinh tế thị trường, tác động và ảnh hưởng tới kinh tế-xã hội gây khó khăn cho sản xuất trong nước, làm thất thu ngân sách nhà nước cũng như làm vẩn đục môi trường kinh doanh và tạo hình ảnh xấu trong cách nhìn của các nhà đầu tư.

Mặt khác, với sức tiêu thụ sản phẩm này, mỗi năm người tiêu dùng thiệt hại hàng trăm tỷ đồng và ngân sách nhà nước cũng vì thế mà mất đi hàng nghìn tỷ đồng do những chiêu trò gian lận của một số doanh nghiệp, đơn vị phân phối, đại lý mặt hàng tôn thép phủ màu, mạ màu.

Là người nhiều năm lăn lộn cùng doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam chia sẻ, vấn nạn tôn giả, tôn nhái, gian lận thương mại được biểu hiện qua việc lấy cắp thương hiệu của các nhà sản xuất tôn có uy tín để in lên hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Không dừng lại ở đó, nhiều mặt hàng tôn còn bị gian lận về độ dày hay nhập hàng Trung Quốc kém chất lượng rồi in nhãn mác của doanh nghiệp sản xuất tôn có thương hiệu sau đó bán ra thị trường không có hóa đơn.

Đưa ra một ví dụ đáng buồn là chỉ với riêng 9 tháng năm 2015, các nhà sản xuất tôn thép chỉ tiêu thụ được 2.268 ngàn tấn, trong khi khối lượng nhập khẩu để tiêu thụ tại thị trường nội địa là 1.078 ngàn tấn, chiếm tới 32,2% thị trường trong nước.

Các doanh nghiệp nên được và tự bảo vệ mình trước nạn tôn thép giả ngày càng gia tăng. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN

Nguy hại hơn, trong số hàng nhập khẩu thì tôn mạ từ Trung Quốc có số lượng lớn, chất lượng kém và bán với giá rẻ, thậm chí dưới giá thành. Điều này làm tổn thất nghiêm trọng đối với các nhà sản xuất tôn mạ trong nước, làm mất uy tín của các doanh nghiệp chân chính.

Nếu gian lận cả chất lượng, độ dày và cả thuế thì các doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh nổi và có thể còn bị đánh bại ngay chính trên "sân nhà".

Đại diện cho phía doanh nghiệp trong nước, ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tôn Hoa Sen tỏ ra bức xúc trước tình trạng hàng giả, hàng gian, hàng kém chất lượng diễn ra khắp nơi và ở mức báo động. Hiện, tình trạng này đã “lây lan” mạnh mẽ trên diện rộng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Với hai hình thức gian lận phổ biến mà các cơ sở kinh doanh tôn giả, tôn nhái dễ sử dụng để “móc túi” người tiêu dùng là độ dày và chất lượng.

Đơn cử như dòng in ghi trên tấm tôn là 4 dem (độ dày) nhưng thực tế chỉ có 2,5-3 dem tức là đã bớt xén được 25% độ dày để kiếm lời bất chính. Ngoài ra, gian lận về độ dày lớp mạ bị giảm từ 70g hợp kim nhôm kẽm/m2 tôn thì sẽ chỉ còn 30g gây ảnh hưởng lớn đến tuổi thọ của tấm tôn.

Không những vậy, nếu độ dày sơn quá mỏng thì khả năng chống chịu với môi trường bên ngoài sẽ kém, dẫn đến phai màu, rỉ sét, bong tróc..làm giảm tuổi thọ từ 10 năm xuống còn một nửa.

*Bắt tay vào cuộc

Để có thể đẩy lùi nạn tôn thép giả đang gây nhũng nhiễu thị trường, ông Vũ Văn Thanh kiến nghị các cơ quan Nhà nước cần có chế tài mạnh để kiểm tra nghiêm ngặt, xử lý triệt để đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh gian dối. Kế đó, biện pháp mang tính khả thi cao đó là ban hành một qui định cụ thể và chặt chẽ về vấn đề in thông tin sản phẩm lên bề mặt tôn.

Nếu như qui định này được ban hành thì những cơ sở làm ăn gian dối khó lòng lợi dụng những khe hở để trục lợi bất chính. Và cũng từ đó quyền lợi người tiêu dùng cũng được bảo vệ tốt hơn.

Trong khi chờ đợi các qui định mới được sửa đổi, ông Nguyễn Văn Sưa cho rằng phải tăng cường kiểm tra những sản phẩm tôn thép đang lưu hành trên thị trường có đảm bảo đúng tiêu chuẩn chất lượng công bố hay không.

Riêng với doanh nghiệp, ông Sưa khuyến cáo phải nâng cao tinh thần cảnh giác, có ý thức bảo vệ thương hiệu của mình. Ngoài ra, doanh nghiệp nên mở rộng sản xuất, nâng cấp thiết bị, xây dựng thương hiệu để nâng cao tính cạnh tranh của mình trên tại thị trường nội địa và quốc tế.

Đứng trên góc độ tổ chức xã hội bảo vệ người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VINASTAS yêu cầu với các mặt hàng tôn,thép giả nhất là thép xây dựng có liên quan đến chất lượng công trình, an toàn của người sử dụng, các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương tiếp tục mở đợt kiểm tra trên diện rộng để phát hiện, xử lý nghiêm theo pháp luật.

Đối với hành vi giả nhãn hiệu, tôn mỏng nhưng ghi trên nhãn hiệu tôn dày hơn để lừa dối người tiêu dùng nhằm thu lợi bất chính, đã đủ dấu hiệu cho thấy đây là hành vi vi phạm về sở hữu trí tuệ, giả nhãn hiệu hàng hóa, về nhãn hàng hóa và về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Vì vậy cần xử lý mạnh tay hơn, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì chuyển sang cơ quan điều tra xem xét.

Về doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra lời khuyên cần có biện pháp kịp thời thông tin đến người tiêu dùng những dấu hiệu để phân biệt hàng giả với hàng thật do mình sản xuất, cung ứng ra thị trường. Áp dụng các biện pháp chống hàng giả và biện pháp kỹ thuật để người tiêu dùng dễ dàng nhận biết sản phẩm chính hiệu của mình.

Riêng VINASTAS sẵn sàng phối hợp với cơ quan chức năng và doanh nghiệp trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tư vấn người tiêu dùng phân biệt hàng thật, hàng giả, khảo sát thử nghiệm chất lượng hàng hóa, cung cấp thông tin qua phản ánh của người tiêu dùng cũng như tự mình phát hiện.

Ông Kiều Dương, đại diện Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho rằng, tôn và sắt thép là những mặt hàng trọng yếu nhưng hoạt động kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng này chưa được quan tâm đúng mức, nhất là sự quan tâm của các lực lương chức năng.

Không những vậy, hệ thống chuẩn trong đo lường chất lượng thép đã có từ lâu nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa đủ công nghệ, thiết bị kiểm tra chất lượng của loại sản phẩm này. Hơn nữa, đây là mặt hàng có nhiều cơ quan quản lý nhưng lại không có cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm soát chất lượng của hàng triệu tấn thép tung ra thị trường hàng năm.

Để ngăn chặn, xử lý các vi phạm gian lận thương mại, trong thời gian tới Bộ Công Thương cần tiếp tục chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cả nước phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, chống đầu cơ, lũng đoạn thị trường nhằm chống hàng giả, hàng nhái để tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo định của pháp luật.

Tuy nhiên, theo ông Kiều Dương, cần phải tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa Hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tôn thép và cơ quan chức năng. Hơn nữa, doanh nghiệp cũng cần cung cấp cho các cơ quan chức năng dấu hiệu phân biệt hàng thật - hàng giả sản phẩm của doanh nghiệp, tiêu chuẩn kỹ thuật của doanh nghiệp áp dụng, quy cách kỹ thuật của sản phẩm tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý thị trường trong việc kiểm tra, xử lý và phát hiện vi phạm./.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục