Ngành cá tra trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất

11:07' - 09/10/2021
BNEWS Do ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội, người nuôi cá tra bán hàng chậm hơn so với thời điểm chưa thực hiện giãn cách khiến con cá tra ngày càng lớn dần trong ao nuôi.

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, các hoạt động di chuyển, vận chuyển bị hạn chế đã ảnh hưởng đến sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra. Chính vì vậy, người nuôi cá tra tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phải cố gắng duy trì cầm chừng, chờ thu hoạch hết mới tính toán chuyện thả nuôi lứa sau. Điều này cũng đồng nghĩa với sản lượng cá tra trong những tháng cuối năm 2021, đầu năm 2022 sẽ có nguy cơ thiếu hụt.

Nguy cơ thiếu nguyên liệu theo yêu cầu

Hiện nay, loại cá tra kích cỡ từ 0,8 - 1kg/con đang là mặt hàng được các nhà nhập khẩu yêu cầu và tìm kiếm nhiều hơn. Trong khi đó, do ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội, người nuôi cá bán hàng chậm hơn so với thời điểm chưa thực hiện giãn cách khiến con cá tra ngày càng lớn dần trong ao nuôi. Chính vì vậy, nguy cơ thiếu cá tra kích cỡ theo yêu cầu trở thành vấn đề trong các hợp đồng kí kết tiêu thụ.

Theo bà Lê Thị Thùy Trang, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Siam Canadian, trong 3 tháng qua, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện giãn cách xã hội, vận chuyển khó khăn, nông dân không thể thu hoạch để tiếp tục thả lứa cá mới. Vì vậy, người nuôi tiếp tục nuôi trong ao, dẫn đến cá đều quá lứa so với yêu cầu của nhà nhập khẩu.

Từ nay đến Tết Nguyên đán còn 3 tháng, nếu người nuôi thả cá mới ngay bây giờ, thì ít nhất gần 5 tháng nữa mới có thể thu hoạch cá theo kích cỡ nhà nhập khẩu yêu cầu. Sự thiếu hụt này sẽ dẫn đến tình trạng đẩy giá cá nguyên liệu kích cỡ này lên cao, ít nhất sẽ kéo dài đến quý II/2022.

Thêm vào đó, trong gần 4 tháng qua, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra cũng đang gặp khó khăn do khâu di chuyển, đi lại của người lao động, chi phí sản xuất "3 tại chỗ" tại các nhà máy quá lớn, khiến cho nhiều doanh nghiệp khó duy trì nổi.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, thực hiện giãn cách xã hội kéo dài đã khiến 176 doanh nghiệp trong tổng số 449 doanh nghiệp ngành cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long phải ngừng sản xuất do không đáp ứng được gánh nặng chi phí và điều kiện "3 tại chỗ". Riêng tại 5 tỉnh trọng điểm cá tra như: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long, trong 106 nhà máy chế biến cá tra, thì hiện có 52 nhà máy phải tạm dựng hoạt động (chiếm tỷ lệ 49%).

Số lao động phải nghỉ việc do dịch bệnh khoảng trên 70%. Chính vì thế, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra đã giảm thu mua nguyên liệu đầu vào, chủ yếu sử dụng nguyên liệu từ vùng nuôi của công ty hoặc trong chuỗi liên kết.

Bên cạnh số lao động trực tiếp tại các nhà máy chế biến thủy sản đã mất công ăn việc làm, thì số lượng tương đương cho các lực lượng lao động liên quan trong chuỗi sản xuất cũng bị tác động theo. Diện tích thả nuôi cá tra trong quý III/2021 cũng đã giảm từ 50 - 55% so với quý II/2021. Sản lượng cá tra thu hoạch trong tháng 7 giảm 20%, tháng 8 giảm 44,9% và tháng 9 giảm 77% so với các tháng khác của năm 2021.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trước tình trạng phục hồi rất chậm của các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra, VASEP cảnh báo sẽ có nhiều doanh nghiệp mất những đơn hàng cuối năm 2021 và không dám nhận đơn hàng mới cho những tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, tình hình sản xuất, xuất khẩu cá tra dự kiến sẽ trở lại bình thường trong tháng 11 và tháng 12/2021.

Đồng bộ các giải pháp khôi phục

Để có thể duy trì và khôi phục ngành sản xuất cá tra, cung ứng nguyên liệu kịp thời cho nhu cầu chế biến, xuất khẩu, thì khâu sản xuất con giống và cá tra thương phẩm phải được giữ vững. Bên cạnh đó, đội ngũ lao động trong các khâu này cũng phải được đảm bảo liên thông để người sản xuất cá tra xoay vòng con cá, gối đầu theo các vụ.

Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn chia sẻ, những người làm giống và thu hoạch cá giống chưa được tiêm vaccine khiến doanh nghiệp thiếu lực lượng công nhân thu hoạch cá giống. Vì thế, bà Khanh đề nghị tiêm vaccine cho lực lượng lao động, cấp “thẻ xanh” cho lao động thu hoạch cá liên tỉnh; đơn giản hoá thủ tục di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác.

Công nhân thu hoạch cá giống được phép đi về trong ngày và không phải cách ly, test 3 ngày/lần. Đối với địa bàn thực hiện chỉ thị 15 và 15+ thì được test nhanh âm tính trước khi về nhà và chỉ test một lần không cần phải test nhiều lần,...

Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-Ttg của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không thống nhất được cách áp dụng, cũng như các quy định về phương thức di chuyển, mỗi nơi làm một kiểu, gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra và cả người nuôi.

Thêm vào đó, trong thời kỳ khó khăn này, các doanh nghiệp lẫn người nuôi cá tra thiếu hụt về vốn do không tiêu thụ được hàng hóa, khó thu hồi vốn cũng như khó xoay vòng sản xuất.

Từ đó, dẫn đến việc trả lãi suất ngân hàng cũng trở thành một “gánh nặng” so với trước đây. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều thông tư yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp chèo chống qua giai đoạn ứng phó dịch bệnh COVID-19, nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn chưa được giảm lãi suất, một số doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra chỉ được giảm từ 0,5 - 1% lãi suất.

Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước nên kiểm tra, giám sát, xem xét giảm lãi suất tới 2% mới có thể giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Đồng thời, Hiệp hội Cá tra Việt Nam cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất các đơn vị chức năng giảm tiền điện sản xuất cho doanh nghiệp, nâng tỉ lệ giảm tiền điện lên 20 - 30%, thay vì chỉ giảm 10% như hiện nay. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần có chính sách bình ổn giá thức ăn chăn nuôi để người nuôi cá tra cầm cự được trong thời gian này.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, không gian kinh tế từ địa phương này đến địa phương khác, từ nhà máy đến công nhân, từ ao nuôi đến ao nuôi như là một dòng chảy, là mạch máu trong cơ thể con người.

Chỉ cần một mạch máu nào bị đứt thì dòng chảy sẽ chết. Không gian kinh tế, chuỗi ngành hàng không chỉ riêng của một tỉnh, mà là chuỗi liên hoàn giữa các địa phương, từ người nuôi, công nhân đến nhà máy, ra đến cảng tại thành phố Hồ Chí Minh, tiến ra thị trường nước ngoài.

Chính vì vậy, để vực lại con cá tra sau khi trở về bình thường mới, toàn ngành cá tra và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chính phủ cần xây dựng lại một chiến lược dài hơi để phát triển./.

>>Doanh nghiệp đề xuất giải pháp cho chuỗi cá tra sau giãn cách xã hội

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục