Ngành chế tạo của Trung Quốc vẫn suy giảm

20:47' - 30/06/2019
BNEWS Chỉ số các nhà quản lý mua hàng (PMI) của ngành lĩnh vực chế tạo Trung Quốc trong tháng 6/2019 đứng ở mức 49,4 và vẫn nằm dưới ngưỡng 50 - ranh giới phân định giữa tăng trưởng và suy giảm.

Theo kết quả khảo sát công bố ngày 30/6 của Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), hoạt động của các nhà máy ở nước này đã giảm hơn dự kiến trong tháng 6/2019, cho thấy Bắc Kinh cần phải đưa ra thêm các biện pháp kích thích kinh tế, trong bối cảnh các biện pháp thuế quan của Mỹ và nhu cầu yếu hơn ở trong nước đang tạo sức ép lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Số liệu của NBS cho thấy, Chỉ số các nhà quản lý mua hàng (PMI) của ngành lĩnh vực chế tạo Trung Quốc trong tháng 6/2019 đứng ở mức 49,4, không thay đổi so với tháng 5/2019 và vẫn nằm dưới ngưỡng 50 - ranh giới phân định giữa tăng trưởng và suy giảm.

Các nhà phân tích tham gia cuộc khảo sát trước đó của hãng tin Reuters dự đoán PMI của ngành chế tạo Trung Quốc chỉ ở mức 49,5.

Số liệu ảm đạm của ngành chế tạo có thể sẽ phủ bóng lên tiến bộ rõ rệt mà các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đạt được tại Nhật Bản cuối tuần qua nhằm tái khởi động các cuộc đàm phán giải quyết xung đột thương mại giữa hai nước.

Chỉ số PMI yếu kém của ngành chế tạo Trung Quốc cũng sẽ làm dấy lên những lo ngại về đà tăng trưởng chậm lại của kinh tế nước này này cũng như nguy cơ suy thoái toàn cầu, mặc dù các số liệu về lợi nhuận ngành công nghiệp và xuất khẩu trong tháng 5/2019 tốt hơn dự kiến.

Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những cơn gió ngược mạnh trong những tháng tới, giữa lúc nhu cầu trong nước suy yếu và các rủi ro từ bên ngoài gia tăng.

Trong tháng 6/2019, tăng trưởng sản lượng của các nhà máy ở Trung Quốc đã chậm lại, với PMI của lĩnh vực này giảm từ 51,7 trong tháng 5 xuống còn 51,3 trong tháng này, trong khi chỉ số về tổng đơn hàng mới giảm từ 49,8 xuống còn 49,6.

Số đơn hàng xuất khẩu đã nới rộng mức giảm với chỉ số PMI hạ từ 46,5 của tháng trước xuống 46,3 trong tháng 6/2019, điều này cho thấy nhu cầu toàn cầu ngày càng suy yếu.

Mặt khác, dữ liệu về số đơn hàng nhập khẩu cũng không khả quan, điều này phản ánh nhu cầu nội địa giảm nhẹ mặc dù Bắc Kinh đã đưa ra một loạt biện pháp hỗ trợ tăng trưởng vào đầu năm nay.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý nối lại đàm phán thương mại giữa hai nước trong cuộc gặp cấp cao bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Osaka, Nhật Bản.

Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh và Washington sẽ phải trải qua một con đường dài trước khi có thể đạt được một thỏa thuận nhằm chấm dứt chiến tranh thương mại giữa hai bên, và thậm chí sẽ tiếp tục chứng kiến những va chạm trong thời gian tới.

Để đối phó với những thách thức kinh tế, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã thực hiện một loạt chính sách kích thích tăng trưởng và dự kiến sẽ tung ra thêm nhiều biện pháp khác.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuần trước công bố kế hoạch cắt giảm lãi suất cho các công ty nhỏ và siêu nhỏ.

Kết quả khảo sát cho thấy lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc vẫn đứng vững bất chấp áp lực ngày càng tăng đối với toàn bộ nền kinh tế, với chỉ số PMI của ngành này đứng ở mức 54,2 trong tháng 6.

Trung Quốc hy vọng có thể trông cậy vào ngành dịch vụ để thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế vốn đang chậm lại, trong bối cảnh nước này đang cố gắng giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào ngành công nghiệp nặng và xuất khẩu hàng chế tạo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục