Ngành cơ khí loay hoay tìm đầu ra sản phẩm

07:39' - 06/09/2016
BNEWS Câu chuyện của ngành cơ khí bấy lâu nay dường như vẫn loay hoay trong những toan tính về đầu ra cho sản phẩm.
Sản xuất dây điện tại Công ty TNHH sản xuất, thương mại và dịch vụ Tiến Thịnh. Ảnh: An Hiếu-TTXVN

Mặc dù Chính phủ cũng đã có những chính sách khuyến khích cho nhóm ngành này phát triển nhưng sức bật cũng phải phụ thuộc từ chính các doanh nghiệp.

Câu chuyện của ngành cơ khí bấy lâu nay dường như vẫn loay hoay trong những toan tính về đầu ra cho sản phẩm.

Trình độ thợ Việt Nam từng được đánh giá là tốt và “khéo” nhưng giá trị sản phẩm lại chưa cao, chưa tạo được giá trị thặng dư lớn cho nhóm hàng này.

Một trong những nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra chính là thiếu sự thay đổi mang tính đột phá – điều mà các doanh nghiệp phải tự làm để cứu chính mình.

Được ghi nhận là tên tuổi lớn trong lĩnh vực cơ khí Việt Nam, Tổng công ty Lắp máy (Lilama) cũng phải bao phen “chìm nổi”.

Tổng giám đốc Lilama Lê Văn Tuấn cho rằng nhiều doanh nghiệp cơ khí hiện vẫn đang hướng nội.

Hầu hết doanh nghiệp vẫn giữ tư duy cũ, chỉ nhăm nhăm trông chờ vào “bầu sữa” chính sách ưu đãi của nhà nước mà quên rằng tự mình phải nâng cao sức cạnh tranh để bứt phá, nhất là trong bối cảnh hội nhập như hiện nay.  

Ông Tuấn cũng dẫn chứng ngay câu chuyện của Lilama. Đơn vị này có đến hàng chục nhà máy chế tạo, xưởng cơ khí.

Số lượng như vậy là nhiều nhưng lại hoạt động phân tán nên chưa hiệu quả, không tận dụng được hết các nguồn lực để bứt phá.

Cũng chính vì sự dàn trải này đã khiến doanh nghiệp vẫn đi theo lối mòn không chuyên.

Bởi vậy, chất lượng các đơn hàng không đồng đều, nhiều bạn hàng chỉ đặt hàng một lần và ra đi không trở lại.

Muốn có sự thay đổi phải đi từ đổi mới tư duy của người dẫn dắt doanh nghiệp; trong đó, tái cơ cấu chính là một lối đi được kỳ vọng tạo ra bứt phá giúp doanh nghiệp cơ khí tăng cường khả năng tài chính, quản trị; giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, điều này không hề dễ dàng bởi thủ tục cho phá sản các đơn vị được nhận định là rất phức tạp, ảnh hưởng lớn đến quá trình tái cơ cấu của doanh nghiệp.  

Một trong những “tên tuổi” khá thành công trong xuất khẩu cơ khí chính là Lilama 18.

Theo Phó Tổng giám đốc Lilama 18 Phạm Văn Vân, đơn vị này hiện chiếm khoảng 20% xuất khẩu thiết bị cơ khí của các nhà máy trong nước với giá trị khoảng 400 tỷ đồng/năm.

Lilama 18 ghi dấu trên bản đồ xuất khẩu cơ khí bằng sản phẩm cẩu trục cho hãng Koch (Cộng hòa liên bang Đức), thiết bị lò cán thép nguội cho đối tác Đa-ni-e-li (Italia)…

Bài học thành công mà Lilama 18 chia sẻ chính là sự “lột xác”. Phó Tổng giám đốc Lilama 18 Phạm Văn Vân khẳng định: “lột xác” ở đây được hiểu theo đúng nghĩa là thay đổi hoàn toàn cả hệ thống, từ những điều nhỏ nhất, từ khâu sản xuất cho đến chăm lo đời sống người lao động dưới sự giám sát của các bạn hàng.

Đối tác của Lilama 18 đều là các doanh nghiệp nổi tiếng trên thế giới trong các lĩnh vực này nên để được họ “chấp nhận” hợp tác cũng là điều rất khó.

Tái cơ cấu chính là một lối đi được kỳ vọng tạo ra bứt phá giúp doanh nghiệp cơ khí. Ảnh: Danh Lam–TTXVN

Tuy nhiên, ông Vân cũng thừa nhận mặc dù lợi nhuận từ xuất khẩu cao hơn so với gia công trong nước, nhưng mức này vẫn còn thua xa các doanh nghiệp cơ khí nước ngoài.

Hiện Lilama 18 mới chỉ được đối tác trả công theo tấn nguyên liệu với giá trị được tính khoảng 2 – 4 USD/kg.

Trong khi đó, có những doanh nghiệp nước ngoài được tính công trên tấn thiết bị ở mức 10 USD/kg trở lên.

Điều này có nghĩa là hàm lượng chất xám đã được tính cả trong giá thành – một mơ ước lớn mà các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam chưa chạm tới.

Một trong những “lợi thế” mà ngành cơ khí Việt Nam chưa tận dụng được chính là đóng tàu. Tổng giám đốc Lilama Lê Văn Tuấn chia sẻ: Nhà nước đã rất quan tâm đầu tư cho lĩnh vực cơ khí; thậm chí trước đây đã phát hành trái phiếu để phát triển ngành đóng tàu. Tuy nhiên, do cách thức đầu tư phân tán, dàn trải dẫn đến thiếu hiệu quả.

Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI) Nguyễn Văn Thụ phân tích: Bờ biển trải dài, sông ngòi chằng chịt là cơ hội để Việt Nam phát triển một ngành kinh tế mạnh về biển, thủy hải sản và đặc biệt là ngành công nghiệp đóng tàu.

Không phát huy được những ưu đãi từ chính sách, nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này đã có cách thức đầu tư chưa đúng hướng, dàn trải nên tự đẩy mình vào chỗ phá sản, hoặc chết yểu. Triển vọng hình thành một ngành công nghiệp đóng tàu không như kỳ vọng.

Ông Thụ cho rằng các doanh nghiệp cơ khí nên nhìn thấy những tiềm năng sát sườn này và nếu không đầu tư cơ khí đóng tàu thì rất lãng phí.

Nguyên liệu sắt thép và những máy chính có thể đi mua, nhưng thiết kế, tổ hợp thành con tàu thì các doanh nghiệp Việt có thể làm chủ được.

Tuy nhiên để làm được điều này lại phải quay về câu chuyện chuyên môn hóa với tính chuyên nghiệp cao.

Cùng đó, một mảng đang “trống” ngay trên sân nhà chính là cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp. Lĩnh vực này được xem là vẫn còn dư địa rất lớn cho cơ khí phát triển.

Trong khi nông nghiệp chiếm tới 70% cơ cấu kinh tế thì các loại máy móc phục vụ cho lĩnh vực chủ lực này hầu hết lại đang phải nhập ngoại còn các doanh nghiệp cơ khí Việt lại mải miết đi làm những thứ lớn lao và xa vời. Hơn bao giờ hết, cái vòng luẩn quẩn làm sản phẩm gì, đầu ra như thế nào vẫn bủa vây và làm rối các doanh nghiệp cơ khí.

Ngành cơ khí Việt Nam đang sở hữu những lợi thế nhất định; trong đó có yếu tố nhân công giá rẻ và dân số trong độ tuổi lao động lớn. Yếu tố này cũng giúp các doanh nghiệp cơ khí lấy được các đơn hàng xuất khẩu.

Tuy nhiên, hoạt động này chưa bền vững bởi để được đối tác nước ngoài chấp nhận và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu đang đòi hỏi một quá trình phấn đấu liên tục của doanh nghiệp nội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục