Ngành công nghiệp chế tạo của Mỹ gặp khó khăn

18:12' - 05/05/2016
BNEWS Số đơn đặt hàng chế tạo của Mỹ trong tháng 3/2016 giảm 2% so với cùng kỳ, cho thấy lĩnh vực chế tạo của nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Ngành công nghiệp chế tạo của Mỹ gặp khó. Ảnh minh họa: Reuters

Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) của Mỹ cho hay chỉ số về hoạt động trong lĩnh vực phi chế tạo của nước này đã tăng lên 55,7 điểm, từ mức 54,5 điểm trong tháng 3/2016. Trong đó hoạt động của doanh nghiệp, các đơn đặt hàng và giao hàng đều khởi sắc, trong khi giá cả và thị trường việc làm cũng được cải thiện đáng kể, với nhiều doanh nghiệp thậm chí còn than phiền vì tình trạng thiếu nhân lực.

Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, số đơn đặt hàng chế tạo mới của nước này tăng 1,1% trong tháng 3/2016 sau khi đã giảm 1,9% trong tháng 2/2016. Mặc dù vậy, nếu đem so với cùng kỳ năm 2015 thì số đơn đặt hàng chế tạo của Mỹ vẫn giảm 2%, cho thấy lĩnh vực chế tạo của nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Báo cảo của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy thâm hụt thương mại trong tháng 3/2016 của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã được thu hẹp đáng kể (giảm 14%) xuống chỉ còn 40,4 tỷ USD, trong bối cảnh nhập khẩu giảm và cán cân thương mại với Trung Quốc được cải thiện đáng kể.

Trong tháng Ba, hoạt động nhập khẩu của Mỹ đã giảm 3,6% xuống còn 217,1 tỷ USD, trong khi xuất khẩu giảm nhẹ 0,9% xuống 176,6 tỷ USD. Trong đó, nhập khẩu hàng hóa giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2010 và nhập khẩu các mặt hàng công nghiệp, nguyên vật liệu cũng chạm “đáy” kể từ tháng 4/2004.

Ngoài ra, hoạt động giao thương những mặt hàng nhạy cảm giữa Mỹ và Trung Quốc cũng được cải thiện đáng kể, góp phần làm giảm mạnh thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc xuống mức thấp nhất của hai năm (là 20,9 tỷ USD).

Tuy nhiên, theo chuyên gia Emily Mandel đến từ bộ phận phân tích thuộc hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Moody’s, mặc dù thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng Ba có giảm mạnh, song đây không phải là một dấu hiệu khả quan mà nó phản ánh đà tăng trưởng chậm chạp của kinh tế Mỹ trong quý I/2016, cũng như nhu cầu yếu ớt của kinh tế toàn cầu.

Xuất khẩu thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và đồ uống của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất của sáu năm trong tháng 3/2016.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục