Ngành công nghiệp ô tô châu Âu vẫn mơ hồ về thuế quan mới của Mỹ

10:01' - 04/04/2025
BNEWS Một ngày sau khi ông Donald Trump phát động cuộc chiến thuế quan trên nhiều lĩnh vực, ngành ô tô châu Âu vẫn chưa biết chính xác con số mà họ phải trả?

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố các mức thuế quan mới, ngành công nghiệp ô tô vẫn chưa rõ liệu các mức thuế quan mới có được cộng dồn với mức thuế 25% áp dụng đối với ô tô và một số phụ tùng hay không.

Theo báo La Tribune của Pháp, tình hình hiện tại rất mơ hồ. Một ngày sau “ngày náo loạn”, khi ông Donald Trump phát động cuộc chiến thuế quan trên nhiều lĩnh vực, ngành ô tô vẫn chưa biết chính xác con số mà họ phải trả – dù chắc chắn đó sẽ là một khoản chi phí đắt đỏ.

Một câu hỏi đơn giản đang làm đau đầu cả ngành công nghiệp lẫn chính phủ: Liệu các mức thuế quan mới mà Tổng thống Mỹ công bố mới đây có được cộng dồn với mức thuế 25% dành riêng cho ô tô và phụ tùng hay không? Theo thông tin của báo La Tribune, một số Bộ trưởng Pháp hiện cho rằng khả năng này có thể xảy ra.

Khi được hỏi về vấn đề này, Plateforme Automobile (PFA) – hiệp hội vận động hành lang của ngành – thừa nhận rằng “nhiều người đang tự hỏi”, nhưng nhấn mạnh rằng “cách diễn giải hiện tại cho thấy mức thuế 25% áp dụng riêng cho ngành ô tô không bị cộng dồn” với mức thuế quan mới 20% đối với Liên minh châu Âu.

Chuyên gia tư vấn Sébastien Amichi tại công ty tư vấn quản lý toàn cầu Kearney, cũng có cùng quan điểm. “Một hiệu ứng cộng dồn là điều khó có thể tưởng tượng được. Nhưng với tình trạng hỗn loạn hiện nay, chúng ta chỉ có thể chắc chắn khi sắc lệnh chính thức được ban hành”. Nhà phân tích tại công ty bảo hiểm tín dụng Coface, Simon Lacoume, cũng đồng tình: “Khó có thể tin rằng tất cả các loại thuế sẽ được cộng lại với nhau,” nhưng ông vẫn tỏ ra thận trọng.

Chi phí thuế quan sẽ rất cao

Một vấn đề khác là tác động của thuế quan mới đối với một số nguyên liệu và sản phẩm được sử dụng trong ngành ô tô, từ các nhà sản xuất đến chuỗi cung ứng. Ông Sébastien Amichi nhận định: “Một số hàng hóa không bị áp thuế 25% có thể sẽ chịu thuế 20% mới.” Ông liệt kê một số sản phẩm như hóa chất, nhựa tái chế, chất phụ gia, keo, sơn, nỉ và da. “Những sản phẩm này có thể chiếm từ 10% đến 15% tổng chi phí sản xuất một chiếc xe hơi.”

Ông Simon Lacoume cũng đưa ra trường hợp của các hệ thống máy tính trên xe, vốn không chỉ được sản xuất dành riêng cho ngành công nghiệp ô tô.

Dù bằng cách nào, chi phí thuế quan sẽ là một gánh nặng lớn đối với toàn bộ ngành. Stellantis đã thông báo hôm thứ Năm rằng họ sẽ thực hiện “các biện pháp tức thời tốn kém”, bao gồm “tạm dừng sản xuất tại một số nhà máy lắp ráp ở Canada và Mexico.” Điều này sẽ ảnh hưởng đến các cơ sở sản xuất động cơ và dập kim loại của tập đoàn tại Mỹ, vốn hỗ trợ các hoạt động này.

“Chúng ta mới chỉ ở giai đoạn đầu”

Trong kịch bản chỉ có mức thuế đặc biệt 25%, ông Sébastien Amichi ước tính ngành ô tô châu Âu sẽ chịu thiệt hại khoảng 15 tỷ euro (16,6 tỷ USD) và khoảng 30.000 việc làm sẽ bị cắt giảm. “Nếu mức thuế lên tới 45%, bao gồm cả thuế quan mới, thì con số này có thể tăng gấp đôi,” ông cảnh báo. Dự báo này dựa trên kỳ vọng rằng giá xe tại Mỹ sẽ tăng vọt, khiến nhu cầu giảm mạnh.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng quyết định của Nhà Trắng vẫn có thể thay đổi. Giám đốc điều hành tại công ty tư vấn tài chính AlixPartners, Alexandre Marian, nhận định: “Chúng ta mới chỉ ở giai đoạn đầu của câu chuyện này. Sẽ có các phản ứng từ những quốc gia khác, kéo theo nhiều cuộc đàm phán.

Quay trở lại các thỏa thuận song phương

Về mặt chiến lược, ông Simon Lacoume tin rằng “mục tiêu cuối cùng của ông Donald Trump là quay trở lại với các thỏa thuận thương mại song phương”. Điều này có nghĩa là đàm phán từng mặt hàng hoặc từng ngành công nghiệp, dựa trên những bất lợi mà ông ấy cảm nhận được đối với Mỹ.

Điều này sẽ càng làm gia tăng sự bất ổn cho ngành công nghiệp ô tô, vốn hoạt động theo các chu kỳ dài và “cực kỳ ghét sự không chắc chắn”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục