Ngành công nghiệp ô tô và bán lẻ của Trung Quốc được mùa

21:01' - 19/01/2024
BNEWS Xuất khẩu ô tô của Trung Quốc tăng 57,9% so với năm 2022, với xuất khẩu xe chạy bằng năng lượng mới tăng 77,6% so với năm 2022 đạt 1,2 triệu chiếc.

Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc Xin Gnobin ngày 19/1 cho hay Trung Quốc đã xuất khẩu tổng cộng 4,91 triệu ô tô trong năm 2023 và dự kiến trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới.

Theo ông Xin Gnobin, xuất khẩu ô tô đã đạt mức cao mới và xe sử dụng năng lượng mới do Trung Quốc chế tạo đã cung cấp nhiều lựa chọn cho khách hàng toàn cầu. Quan chức này cho biết, xuất khẩu ô tô của Trung Quốc tăng 57,9% so với năm 2022, với xuất khẩu xe chạy bằng năng lượng mới tăng 77,6% so với năm 2022 đạt 1,2 triệu chiếc.

Việc chủ động được nguồn cung linh kiện phụ tùng được cho là lý do quan trọng khiến ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc có sự vươn lên mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19.

Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, giá trị xuất khẩu ô tô của nước này ước đạt 101,6 tỷ USD trong năm 2023, một mức cao kỷ lục. Ô tô Trung Quốc hiện có mặt ở hơn 200 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

 

Trong khi đó, theo giới chuyên gia, những nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã bán được 553.000 ô tô tại Nga vào năm 2023, chiếm gần một nửa thị trường ô tô của Nga. Đây là doanh số bán cao kỷ lục mà các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đạt được tại thị trường này. Otkritie Auto, đơn vị kinh doanh ô tô thuộc Ngân hàng Otkritie (Nga) ngày 12/1 công bố báo cáo cho hay thị phần ô tô Trung Quốc tại Nga đã tăng từ 17% lên 49% trong năm ngoái.

Năm 2023, 30 thương hiệu ô tô Trung Quốc đã được các nhà phân phối chính thức nhập khẩu vào Nga, trong khi có 15 đến 17 thương hiệu vào thị trường Nga thông qua nhập khẩu song song, một kênh thương mại mà qua đó hàng hóa có thương hiệu được nhập khẩu vào thị trường và bán ở đó mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu.

Trong số các thương hiệu xe hơi Trung Quốc tại Nga, phổ biến nhất có Haval, Chery và Geely. Các chuyên gia từ Otkritie Auto tin rằng doanh số bán ô tô Trung Quốc tại Nga sẽ tăng hơn nữa trong năm 2024, với Changan, Haval và Chery dự kiến sẽ bán được tổng cộng gần 600.000 xe.

Trong khi đó, hoạt động bán lẻ tại Trung Quốc hiện khá sôi động và tiếp tục thu hút các tập đoàn bán lẻ lớn trên toàn cầu. Trong các phát biểu mới đây, một số người đứng đầu các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia đã bày tỏ lạc quan về triển vọng của thị trường Trung Quốc, khi các tập đoàn này tích cực tăng cường sự hiện diện ở nước này.

Một ví dụ đáng chú ý là tập đoàn bán lẻ Aeon của Nhật Bản hiện điều hành gần 400 cửa hàng ở Trung Quốc. Chủ tịch Aeon China, Goto Toshiya, cho biết Aeon nhận thấy các cơ hội phát triển hứa hẹn ở Trung Quốc, khi tăng trưởng kinh tế của nước này ổn định sẽ làm gia tăng tầng lớp dân số có thu nhập trung bình, nhóm khách hàng mục tiêu của Aeon.

Hồi tháng 11/2023, tập đoàn đồ ăn nhanh McDonald's thông báo quyết định tăng cổ phần của mình trong liên doanh tại Trung Quốc từ 20% lên 48%. Giám đốc điều hành McDonald's China, Phyllis Cheung, cho biết việc tăng cổ phần cho thấy lòng tin của McDonald's vào sự phát triển và môi trường kinh doanh của thị trường Trung Quốc.

Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai của McDonald's với gần 6.000 nhà hàng và là thị trường tăng trưởng nhanh nhất, là động cơ tăng trưởng cốt lõi cho các hoạt động trên toàn cầu của tập đoàn trong 5 năm tới.

Trong khi đó, các doanh nghiệp đang thích ứng với xu hướng tiêu dùng tại Trung Quốc, với một số đang chuyển trọng tâm từ việc chạy theo số lượng sang giữ chân khách hàng.

Phó Chủ tịch Decathlon China, Wang Tingting, cho rằng ngành công nghiệp thể thao tại Trung Quốc đang phát triển rất nhanh. Từ năm 2003, Decathlon đã vận hành hoạt động kinh doanh chuỗi hoàn chỉnh, bao gồm thiết kế, sản xuất, logistics, xây dựng thương hiệu đến bán lẻ.

Số liệu chính thức được công bố ngày 17/1 cho thấy kinh tế Trung Quốc đã tăng 5,2% trong quý IV/2023, thấp hơn đôi chút so với dự đoán của giới phân tích nhưng vẫn đủ để giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023.

Trước đó, trong cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, các chuyên gia phân tích dự đoán Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc sẽ tăng 5,3% trong quý cuối cùng của năm ngoái so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng 4,9% trong quý trước đó. So với quý III/2023, kinh tế Trung Quốc tăng 1% trong quý IV/2023, nhưng thấp hơn mức tăng đã được điều chỉnh 1,5% trong quý trước đó.

Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc, tính chung cả năm 2023, kinh tế nước này tăng trưởng 5,2%, một phần do cơ sở so sánh thấp của năm 2022 dưới tác động của đại dịch COVID-19. Trước đó, giới phân tích cũng đưa ra mức tăng trưởng dự báo 5,2% cho cả năm 2023.

Với kết quả trên, Trung Quốc đã đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm 2023. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang gặp khó khăn trong việc lấy lại đà phục hồi mạnh mẽ và ổn định sau đại dịch COVID-19.

Sau khi dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch COVID-19, ban đầu, sự quay trở lại cuộc sống bình thường đã tạo đà phục hồi vào đầu năm 2023, nhưng sự phục hồi này đã sớm mất đà, khi sự thiếu niềm tin của hộ gia đình và doanh nghiệp đã phủ bóng lên hoạt động tiêu dùng. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng kéo dài trong lĩnh vực bất động sản, tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ cao kỷ lục, và sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu cũng bào mòn động lực tăng trưởng của Trung Quốc.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục