Ngành công nghiệp Pháp: Lửa thử vàng

05:30' - 10/04/2025
BNEWS Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo áp thuế quan đối ứng ngày 2/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã triệu tập đại diện các doanh nghiệp Pháp để bàn kế hoạch ứng phó.

Theo nhật báo Le Monde, việc tổ chức “đòn phản công” của Pháp sẽ không hề dễ dàng. Chiều 3/4, tại Điện Elysée, Tổng thống Emmanuel Macron đã triệu tập đại diện của các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi mức thuế quan do ông Trump công bố, cùng với những liên đoàn doanh nghiệp.

Mở đầu cuộc gặp mặt, Tổng thống Macron nhấn mạnh: “Những tuyên bố vào đêm 2/4 là một cú sốc, chúng ta cần gặp nhau”. Tổng thống Macron lên án “quyết định đột ngột và vô căn cứ” của người đồng cấp Mỹ, cho rằng ông Trump đã không tính đến “các dịch vụ kỹ thuật số” trong sự mất cân bằng thương mại như những gì mà ông đã nêu và muốn áp đặt thêm 20% thuế đối với các sản phẩm châu Âu (thậm chí nhiều hơn đối với Saint-Pierre-et-Miquelon hay La Réunion).

Mặc dù, "Pháp không phải là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất: xuất khẩu sang Mỹ chỉ chiếm 1,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Pháp, trong khi con số này là 3% với Italy, 4% với Đức và 10% với Ireland”, nhưng, theo ông Macron, tác động lan tỏa từ quyết định của Tổng thống Mỹ là không nhỏ.

 

Ông cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ chịu “tác động tức thì và nghiêm trọng”, với lạm phát gia tăng và hoạt động kinh tế chững lại. Dựa trên ước tính của công ty Oxford Economics, chính sách thuế quan của Mỹ có thể khiến tăng trưởng toàn cầu giảm tốc xuống dưới 2%. Đặc biệt, những nơi bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi việc tăng thuế từ Mỹ sẽ tìm kiếm thị trường mới ngoài Mỹ, làm gia tăng nguy cơ bùng nổ cuộc chiến giá cả.

Sự tập trung giờ đây đang hướng về Ủy ban châu Âu (EC), nơi nắm quyền xử lý các vấn đề thương mại, để điều hướng một cuộc khủng hoảng tiềm năng. Tổng thống Macron khuyến khích đại diện các ngành công nghiệp Pháp phối hợp với các đối tác châu Âu nhằm đưa quan điểm của họ đến Brussels. Ông cũng kêu gọi: “Nếu chúng ta thật sự đoàn kết theo ngành, theo châu lục, chúng ta có thể dỡ bỏ những loại thuế này”. Ông nêu rõ: “Điều quan trọng là các khoản đầu tư sắp tới hoặc đã được công bố trong những tuần gần đây cần tạm dừng lại cho đến khi mọi thứ được làm rõ với Mỹ”.

“Một sự bất ổn mạnh mẽ”

Đáp lại lời kêu gọi của Tổng thống Pháp, ông Alexandre Saubot, Chủ tịch ngành công nghiệp Pháp (France Industrie) và là nhà lãnh đạo của công ty Haulotte – nhà sản xuất thiết bị nâng, bình luận: “Điều này là hiển nhiên. Đã có quá nhiều sự bất ổn ở Mỹ để nước này có thể thu hút đầu tư. Và chúng tôi đều quyết tâm làm việc cùng nhau để đưa người Mỹ trở lại bàn đàm phán trong điều kiện tốt nhất”.

Tuy nhiên, “điều hiển nhiên” này không giống nhau với tất cả mọi người. Có mặt tại Điện Elysée, ông Rodolphe Saadé – Giám đốc điều hành tập đoàn vận tải biển Pháp CMA CGM – vẫn điềm tĩnh khi Tổng thống yêu cầu “đóng băng” đầu tư. Vào đầu tháng Ba, CMA CGM đã cam kết sẽ đầu tư 20 tỷ USD (18 tỷ euro) vào Mỹ và sự kiện công bố cam kết này đã được truyền hình trực tiếp từ Phòng Bầu Dục của Nhà Trắng. Khi rời khỏi Điện Elysée, ông Saadé đã không rút lại cam kết đó. Tương tự, nhà lãnh đạo John Elkann của hãng ô tô Stellantis – người đã cam kết đầu tư 5 tỷ USD vào các nhà máy tại Mỹ - cũng không có các động thái rõ ràng.

Sự đoàn kết của châu Âu ứng phó thuế quan mà Tổng thống thứ 47 của Mỹ đã công bố cũng không thể “trông cậy” vào ông Patrick Pouyanné – Giám đốc điều hành tập đoàn năng lượng TotalEnergies. Mỹ vẫn là vùng đất đầu tư quan trọng của tập đoàn này, đặc biệt tại Louisiana và Texas. TotalEnergies thậm chí còn tự giới thiệu là nhà xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) hàng đầu từ Mỹ. Trong một cuộc phỏng vấn trên kênh CNBC của Mỹ ngày 3/4, ông Pouyanné bày tỏ niềm tin rằng “tính thực dụng” sẽ khiến Chính phủ Mỹ điều chỉnh lại kế hoạch tăng thuế của mình.

Nhưng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và liên đoàn có mặt tại Điện Elysée không lạc quan như vậy. Ông Alexandre Montay – Tổng thư ký của Phong trào các doanh nghiệp vừa và nhỏ (METI) – cho biết ông đã trao đổi với khoảng 20 thành viên của phong trào và họ đều cho rằng hệ quả tức thời của quyết định này sẽ là “một sự bất ổn mạnh mẽ”. Khoảng 6.000 doanh nghiệp thuộc METI chiếm tới một phần ba xuất khẩu của Pháp và Mỹ là thị trường nước ngoài lớn nhất của họ. Một số ngành bị ảnh hưởng nặng là ngành nhựa, thủy tinh, thiết bị y tế…

Khó thống nhất lập trường

Các khách hàng Mỹ có thể tạo ra đến 40% doanh thu cho một số doanh nghiệp. Phản ứng đầu tiên của hầu hết các doanh nghiệp nhỏ tại Pháp là: “Xem xét liệu có thể chuyển phần tăng thuế quan vào giá bán hàng hóa tại thị trường Mỹ hay không”, ông Montay giải thích, “điều này có thể thực hiện được, miễn là họ không có đối thủ cạnh tranh trực tiếp sản xuất ngay tại Mỹ”. Về dài hạn, một số công ty đang cân nhắc tái cơ cấu hoạt động sản xuất.

Nhiều kịch bản đang được xem xét, như chuyển hướng sang Vương quốc Anh để hưởng mức thuế quan 10% thay vì 20% cũng là một giải pháp được xem xét đến. Tuy nhiên không có giải pháp chung nào cho tất cả. “Rõ ràng cần phải xây dựng một chiến lược thực sự, gắn liền với sự hỗ trợ của Nhà nước,” ông Montay nói.

Trong thời điểm nhạy cảm này, rất khó để thống nhất các lập trường – kể cả trong việc vận động hành lang tại Washington. Ví dụ trong ngành hàng không vũ trụ: Hãng sản xuất động cơ Safran chủ yếu trông cậy vào các đối tác tại Mỹ để tác động đến chính quyền nước này. CFM International – liên doanh 50:50 giữa Safran và tập đoàn Mỹ General Electric (GE) – là nhà cung cấp độc quyền động cơ cho dòng máy bay tầm trung Boeing 737 MAX, sản phẩm bán chạy nhất của nhà sản xuất máy bay thương mại Boeing. Hãng hiện có 4.282 đơn đặt hàng, tức 8.564 động cơ phải được giao. Safran sẽ để cho đối tác GE và Boeing đứng ra cảnh báo về tác động của thuế quan đối với giá máy bay 737 MAX. “Hình thức vận động gián tiếp này hiệu quả hơn,” một cựu lãnh đạo cấp cao của Safran cho biết.

Airbus khẳng định có thể “tăng công suất sản xuất” tại nhà máy ở Mobile, bang Alabama, thậm chí “mở thêm một dây chuyền lắp ráp mới”. Tính đến đầu tháng 4/2025, trong số 8.658 máy bay trong sổ đặt hàng của Airbus, 916 sẽ được giao cho khách hàng tại Mỹ.

Ngành mỹ phẩm Pháp – với kim ngạch xuất khẩu 2,8 tỷ euro sang Mỹ, thị trường lớn nhất – cho đến nay tạm thời thoát khỏi các loại thuế quan. Ông Emmanuel Guichard – Tổng thư ký Liên đoàn các doanh nghiệp mỹ phẩm Pháp (Febea) – hy vọng Liên minh châu Âu (EU) sẽ có “phản ứng tương xứng, tránh leo thang căng thẳng”.

Niềm an ủi nhỏ là năng lực cạnh tranh của ngành mỹ phẩm Pháp đến nay vẫn tốt hơn Hàn Quốc và Nhật Bản, khi các sản phẩm của hai nước này sẽ chịu thuế lần lượt là 25% và 34%. Tuy nhiên, xuất khẩu của Hàn Quốc đã tăng vọt 20% trong năm 2024. Cuộc cạnh tranh giữa các thương hiệu “sẽ khốc liệt hơn trên toàn cầu”, ông Guichard dự đoán.

Về phía các doanh nghiệp trong ngành y tế, sự thận trọng là điều dễ hiểu. Theo một tài liệu được Nhà Trắng công bố tối ngày 2/4, các sản phẩm dược phẩm nhập khẩu từ EU vào Mỹ hiện tại vẫn chưa bị áp dụng mức thuế quan 20%. Dù được hoãn áp thuế, nhưng ngành này vẫn đang lo lắng, khi các hãng dược dự đoán mình sẽ trở thành mục tiêu trong các tuyên bố tiếp theo.

Các tập đoàn dược lớn tìm cách tiếp xúc với những quan chức tại Washington để cố gắng “vận động hành lang” nhằm làm giảm tác động sắp tới, nhấn mạnh vào nguy cơ thiếu hụt và gián đoạn nguồn cung linh kiện.

Lo lắng lớn nhất đến từ các nhà cung cấp linh kiện ô tô. Ô tô là mục tiêu đầu tiên của Tổng thống Trump và đã chịu ảnh hưởng từ sớm, dù không mong muốn. Ngành này đã bắt đầu phải chịu mức thuế bổ sung 25% từ ngày 2/4. Không chỉ đối với thép và nhôm, mà cả ô tô nhập khẩu vào Mỹ. Các linh kiện xe sẽ bị đánh thuế từ ngày 3/5 tới.

Stellantis đã phản ứng: hãng tuyên bố dừng hoạt động hai nhà máy lắp ráp ô tô tại Canada và Mexico trong hai tuần, để theo dõi thị trường phản ứng thế nào và xem chính quyền Tổng thống Trump sẽ làm gì tiếp theo. Tại các cơ sở của Stellantis ở Mỹ (bang Michigan và Indiana), khoảng 1.000 công nhân đã phải tạm nghỉ việc. Cổ phiếu của tập đoàn cũng đã lao dốc trên thị trường chứng khoán.

Tại châu Âu, những người lo lắng nhất là các nhà cung cấp linh kiện ô tô – đặc biệt là họ lo ngại việc xuất khẩu của những khách hàng Đức sụt giảm mạnh. Hiện tại, họ không có thị trường thay thế ở châu Âu: trong tháng 3/2025, thị trường ô tô Pháp đã giảm hơn 13%.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục