Ngành công thương đón tín hiệu khả quan sẵn sàng năm 2024

12:08' - 16/02/2024
BNEWS Sáng 16/2, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến "Đánh giá tình hình sản xuất công nghiệp, đảm bảo hàng hóa Tết Nguyên đán năm 2024 và triển khai nhiệm vụ thời gian tới".

Sáng 16/2, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến "Đánh giá tình hình sản xuất công nghiệp, đảm bảo hàng hóa Tết Nguyên đán năm 2024 và triển khai nhiệm vụ thời gian tới".

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Ngành công thương có vai trò sản xuất vật chất và đảm bảo phân phối lưu thông của nền kinh tế đất nước. Do vậy, bên cạnh sự nỗ lực Bộ Công Thương rất cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương trên cả nước để đảm bảo nhiệm vụ được giao.

Hội nghị được tổ chức ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15/2/2024 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 nhằm tập hợp tình hình sản xuất kinh doanh, cung ứng mặt hàng thiết yếu nhất là điện, xăng dầu. Đồng thời, khởi động năm kế hoạch, nền tảng thắng lợi của không chỉ năm 2024 mà còn là kế hoạch 2021- 2026.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, trong quá trình phản ánh tình hình sản xuất, thị trường Tết Nguyên đán đề nghị địa phương, đơn vị phản ánh những nhiệm vụ, cơ chế chính sách để Bộ sẽ sớm giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền. Ngoài ra, những vấn đề ngoài thẩm quyền, Bộ Công Thương sẽ tập hợp gửi Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) cho biết: Tháng 1/2024, sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh 18,3%, xuất khẩu tăng với tốc độ kinh ngạc 42%, nguồn cung các mặt hàng tại thị trường trong nước dồi dào, doanh thu dịch vụ tăng khá. Đây là những tín hiệu khả quan bước đầu cho ngành công thương cả nước, sẵn sàng cho năm 2024 nhiều khó khăn.

Nhằm xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng và phương án cung ứng hàng hóa, Bộ Công Thương đã ban hành các chỉ thị, công điện và văn bản chỉ đạođịa phương, tập đoàn, tổng công ty, hiệp hội doanh nghiệp và đơn vị liên quan triển khai chương trình bình ổn thị trường, chú trọng bảo đảm nguồn cung thực phẩm thiết yếu với giá cả ổn định.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng thực hiện chương trình kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm... Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng tiến hành làm việc với Sở Công Thương thành phố Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh về việc chuẩn bị Tết tại các địa phương.

Qua đó, các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp đã có kế hoạch sản xuất, nhập khẩu, thu mua hàng đầy đủ và tăng dự trữ, bảo đảm cung ứng phục vụ sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết. Hầu hết doanh nghiệp, tổng công ty đều cam kết thực hiện cung ứng đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, hoặc hàng hóa bị gián đoạn.

Theo ông Ngô Quang Trung, hàng hóa chuẩn bị Tết tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, nông sản khô, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu... Nguồn cung các mặt hàng khá dồi dào, giá không có biến động lớn. Giá trị tổng lượng hàng dự trữ dự kiến cung ứng của các doanh nghiệp ước tăng khoảng 10-12% so với các tháng thường trong năm.

Chương trình bình ổn thị trường (BOTT) đã có 46 tỉnh, thành phố có báo cáo/kế hoạch dự trữ hàng hoá bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn; trong đó, nhiều địa phương tổ chức triển khai chương trình BOTT với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp sản xuất, phân phối chiếm lĩnh thị phần lớn, có sức chi phối thị trường như Saigon Co.op, Central Retail, MM Mega Market, Lotte, BRG Mart…

Nguồn cung các mặt hàng phục vụ Tết tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích phong phú, đa dạng kết hợp với một số chương trình khuyến mại, giảm giá sâu vào những ngày sát Tết nên giá cả hàng hoá ổn định so với ngày thường và chỉ tăng nhẹ so với Tết năm trước do giá đầu vào tăng.

Tại các chợ truyền thống, nguồn cung cũng được tăng cường và khá dồi dào đáp ứng đủ nhu cầu, đặc biệt nhóm hàng tươi sống, trái cây và rau, củ, quả, giá cả có xu hướng tăng nhẹ so với ngày thường nhưng không xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc tăng giá bất hợp lý, không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá.

Phần lớn các hệ thống phân phối mở cửa muộn ngày 30 Tết. Một số chuỗi hệ thống cửa hàng tiện lợi như Circle K, Family Mart, B’s mart, 7 Eleven, GS25... mở cửa xuyên Tết phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Đáng lưu ý, về giá cả nhìn chung so với cùng kỳ năm 2023, giá các loại gạo ở mức cao hơn từ 5-15% nhưng không xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu. Hầu hết các mặt hàng thực phẩm tươi sống ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ, không đáng kể. Giá các mặt hàng thực phẩm chế biến ổn định trong những ngày cận Tết và tương đương so với cùng kỳ năm ngoái.

Các mặt hàng rượu bia, bánh mứt kẹo tương đối ổn định so với ngày thường và tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái do chi phí tăng. Riêng mặt hàng hoa, cây cảnh do thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của hoa, cây cảnh nên nguồn cung dồi dào cộng thêm việc sức mua yếu nên giá cũng có xu hướng giảm so với năm 2023.

“Nguồn cung hàng hóa dồi dào, phong phú giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn trong việc mua sắm vào dịp Tết. Bên cạnh đó, việc các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích mở cửa phục vụ người dân tới cuối ngày 30 Tết và mở cửa trở lại phục vụ sau Tết sớm góp phần hạn chế tâm lý mua trữ hàng của người dân, do vậy giá cả hàng hóa trên thị trường nhìn chung không biến động nhiều”, ông Ngô Quang Trung chỉ rõ.

Liên quan đến việc kiểm tra, kiểm soát và bình ổn thị trường, ông Ngô Quang Trung cho hay: Toàn lực lượng Quản lý thị trường thường trực 24/24 trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán để chủ động kiểm tra, kiểm soát thị trường, triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương.

Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cả nước phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, tăng cường quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên các khu vực kho bãi, điểm tập kết hàng hóa, các tuyến đường bộ, đường sắt… tập trung kiểm tra, giám sát đối với các lĩnh vực, mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng người dân trong dịp Lễ, Tết và các địa bàn, tuyến trọng điểm...

Đặc biệt, nhằm triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện của Thủ tướng Chính phủ, các Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công Thương, lực lượng quản lý thị trường cả nước bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ tất cả các cơ sở bán lẻ kinh doanh xăng dầu trên địa bàn quản lý.

Theo báo cáo của các đơn vị, đến thời điểm hiện nay chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm, nhất là đối với hành vi vi phạm về đầu cơ, găm hàng, đóng cửa, ngừng hoạt động mà không có lý do chính đáng. Cụ thể, cả nước có 42 cửa hàng kinh doanh xăng dầu và 3 tàu bán dầu đang tạm dừng hoạt động.

Cũng theo ông Ngô Quang Trung, đối với ngành công nghiệp thực phẩm, doanh nghiệp đã có kế hoạch sản xuất và hệ thống nhà phân phối đã chuẩn bị dự trữ một lượng hàng hóa lớn nên nguồn cung phong phú, cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Giá mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, hàng tiêu dùng vẫn ổn định, không có dấu hiệu tăng giá bất hợp lý (theo Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính). Riêng đối với mặt hàng bia, rượu, do nhận thức của người dân trong việc tuân thủ quy định pháp luật trong việc tham gia giao thông, sản lượng tiêu thụ bia, rượu giảm so với năm trước.

Ngành dầu khí, việc an toàn và duy trì chế độ trực 24/24h được nhà thầu dầu khí/đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc, không có sự cố nào xảy ra. Khai thác dầu, khí tại các mỏ; hệ thống đường ống dẫn khí đạt 100% công suất; sản xuất tại các nhà máy đều hoạt động bình thường. Ngoài ra, ngành hóa chất, một số đơn vị vẫn hoạt động sản xuất trong kỳ nghỉ Tết như Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình; Công ty CP DAP; Công ty CP DAP2.

Hầu hết các doanh nghiệp tạm dừng sản xuất dịp Tết, trừ một số doanh nghiệp trong ngành thép, giấy, xi măng, điện tử, ô tô... vẫn duy trì một bộ phận sản xuất do đặc thù dây chuyền công nghệ phải vận hành liên tục...Hơn nữa, từ trước và trong Tết, việc cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia được bảo đảm, không xảy ra sự cố lớn về nguồn điện và lưới điện (một số sự cố nhỏ trên lưới điện trung thế đã được khắc phục nhanh chóng, khôi phục cung cấp điện cho phụ tải điện).

Đáng lưu ý, việc cung cấp điện tại các thành phố lớn như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện tốt. Các doanh nghiệp duy trì sản xuất xuyên Tết được bảo đảm đủ điện. Phụ tải hệ thống điện quốc gia trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 thấp hơn so với các ngày bình thường, nhất là các ngày đầu năm mới. Đặc biệt, lưới điện truyền tải vận hành ổn định, không xảy ra sự cố gây ngừng, giảm cung cấp điện.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục