Ngành công thương triển khai Chỉ thị của Ban Bí thư về tổ chức Tết

20:01' - 14/12/2023
BNEWS Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương vừa có Công văn số 446-CV/BCSĐ về việc quán triệt thực hiện Chỉ thị số 26-CT/TW của Ban Bí thư về tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024.

Theo đó, trong công văn gửi Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ, các đơn vị thuộc Bộ, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đề nghị Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ phối hợp chặt chẽ với cấp ủy cùng cấp quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; hoàn thành việc tổng kết năm 2023 trước ngày 10/01/2024.

 

Ngoài ra, các đơn vị tổ chức đón Tết lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; thực hiện tốt việc bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh; bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trực Tết theo quy định để kịp thời xử lý, giải quyết công việc, tình huống phát sinh.

Đặc biệt, các đơn vị cần thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo trong dịp nghỉ Tết; bảo đảm việc trở lại làm việc bình thường sau đợt nghỉ Tết để tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả nhiệm vụ chính trị năm 2024, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ ngay từ những tháng đầu năm.

Trước đó, ngày 23/11/2023, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 26-CT/TW về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024. Để chuẩn bị tốt nhất các điều kiện phục vụ nhân dân vui xuân, đón mừng năm mới, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, tạo khí thế mới, động lực mới tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, Ban Bí thư yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Phát huy truyền thống đại đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái" của dân tộc, chủ động, tích cực thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chăm lo chu đáo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là người có công với cách mạng, gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, đồng bào địa phương bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, công nhân, người lao động, người bị mất việc làm... bảo đảm mọi nhà, mọi người đều có điều kiện vui xuân, đón Tết.

Tổ chức tốt việc thăm hỏi, chúc Tết cán bộ lão thành cách mạng, bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo tiêu biểu, các đơn vị lực lượng vũ trang, lực lượng thường trực làm nhiệm vụ trong những ngày Tết, ở biên giới, hải đảo, vùng khó khăn, địa bàn phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Ngoài ra, thực hiện nghiêm việc quản lý và tổ chức lễ hội theo quy định, bảo đảm các hoạt động vui xuân, kỷ niệm ngày truyền thống, tổng kết năm, gặp mặt đầu năm, Tết trồng cây… thiết thực, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn hóa, truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc.

Lãnh đạo các địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn để quyết định việc tổ chức bắn pháo hoa chào mừng năm mới phù hợp với điều kiện, khả năng của địa phương, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, không sử dụng ngân sách nhà nước.

Chỉ thị cũng nêu rõ việc không tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; không tổ chức đoàn của Trung ương thăm, chúc Tết cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố; nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; cán bộ lãnh đạo các cấp chỉ được dự lễ chùa, lễ hội khi được phân công.

Đáng lưu ý, không tham gia các hoạt động mê tín; không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định cho hoạt động lễ hội, vui chơi... Thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên và những điều đảng viên không được làm.

Cùng đó, có các giải pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh…; tăng cường dự báo, quản lý thị trường, ổn định giá cả, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ, tích trữ, đẩy giá hàng hóa tăng cao bất thường để thu lợi bất chính.

Hơn nữa, chủ động kế hoạch bảo đảm phương tiện vận chuyển hàng hóa và phục vụ nhân dân và kiều bào ở nước ngoài về quê đón Tết. Bố trí cán bộ, nhân viên trực Tết, kịp thời xử lý, giải quyết công việc, tình huống phát sinh; thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo trong dịp nghỉ Tết. Các cơ quan, tổ chức phải bảo đảm việc trở lại làm việc bình thường sau đợt nghỉ Tết, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ ngay từ những tháng đầu năm.

Mặt khác, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự, an toàn xã hội, an toàn trên không gian mạng. Chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm, ngăn chặn, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống phức tạp xảy ra, không để bị động, bất ngờ; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nghiêm các loại tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội.

Bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, đối ngoại, văn hóa, xã hội của đất nước; tăng cường tuần tra, kiểm soát, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phòng, chống cháy, nổ; thực hiện nghiêm quy định về quản lý, sử dụng pháo và vật liệu nổ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục