Ngành dệt may dự báo khó đạt mục tiêu xuất khẩu

16:34' - 20/08/2021
BNEWS Ngành dệt may hiện đang đối mặt với những khó khăn chưa từng có và dự báo khó có thể đạt con số xuất khẩu năm 2021 như dự kiến là 39 tỷ USD.
Đầu năm 2021, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đã nhận được đơn hàng, tăng trưởng liên tục sau thời gian dài trải qua khó khăn năm 2020. Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát mạnh trở lại khiến nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách, doanh nghiệp dừng sản xuất. Ngành dệt may hiện đang  đối mặt với những khó khăn chưa từng có và dự báo khó có thể đạt con số xuất khẩu năm 2021 như dự kiến là 39 tỷ USD.
*Doanh nghiệp đối mặt thách thức
Từ khi dịch bệnh bùng phát mạnh trở lại, ông Hong Sheng Wen, Phó tổng giám đốc Công ty Quảng Việt Tiền Giang cho biết, từ ngày 15/7/2021, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp đã phải tạm dừng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tính đến nay, doanh nghiệp đã tạm dừng được 1 tháng và rất nhiều đơn hàng của công ty đã phải hoãn lại, công nhân viên phải nghỉ việc. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động kinh doanh của công ty cũng như đời sống của công nhân viên.
Công ty hiện có gần 5.300 công nhân thì chỉ 37 công nhân được tiêm vaccine, còn hơn 5.200 công nhân vẫn chưa được tiêm. Do vậy, doanh nghiệp rất mong cơ quan chức năng sớm sắp xếp hỗ trợ tiêm vaccine cho người lao động để sớm ổn định sản xuất, ông Hong Sheng Wen kiến nghị.
Kể từ tháng 6/2021 khi dịch bệnh dần lan mạnh ở các tỉnh thành phía Nam, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may có những diễn biến bất lợi. Báo cáo của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, chỉ trong vòng 1 tháng, số lượng lao động tạm thời không thể đi làm của tập đoàn đã lên tới trên 40.000 người, chủ yếu tại khu vực phía Nam. Bên cạnh gánh nặng về trách nhiệm với người lao động, doanh nghiệp dệt may có thêm rủi ro liên quan đến các hợp đồng kinh tế và quan hệ với các khách hàng.
Tính đến 30/6, 100% các đơn vị đã có đủ đơn hàng hết quý III; 75% số đơn vị có đơn hàng đến hết quý IV. Chính vì vậy, việc không thể sản xuất sẽ gây ra ảnh hưởng liên hoàn từ giao hàng trễ, khách hàng không tiếp tục đặt hàng các tháng 11,12 cho năng lực sản xuất còn dư, nhất là xem xét việc đặt hàng năm 2022. Điều này dẫn đến có thêm rủi ro dù dịch bệnh có thể đã lui nhưng đơn hàng không có nên người lao động tiếp tục phải nghỉ. Nguy cơ khách hàng chọn nguồn cung cấp khác ít nhất trong một mùa là rất cao.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, dệt may xuất khẩu đạt 15,2 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là kết quả rất khả quan trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Theo Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường, những thành quả của 6 tháng đầu năm hoàn toàn có thể mất đi nếu các giải pháp sáng tạo về sản xuất kinh doanh trong điều kiện có dịch không được triển khai quyết liệt. Đồng thời, có thể có hệ lụy nghiêm trọng với chuỗi cung ứng và trên hết là đời sống của người lao động tại các doanh nghiệp.
*Dự báo xuất khẩu giảm
Theo bà Hoàng Ngọc Ánh, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), trong những tháng cuối năm 2021, ngành dệt may phải đối mặt với nhiều thách thức. Dịch COVID-19 đang bùng phát ở khu vực phía Nam có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng, do các công ty không thể vận chuyển nguyên liệu và thiếu nguồn nhân lực để đảm bảo thời gian giao hàng.
Ngoài ra, việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của các công ty dệt may với khoảng 50% nhà máy đặt tại miền Nam. Hiện, tỷ lệ nhà máy phải đóng cửa đã lên tới 35% do không đủ kinh phí để thực hiện "3 tại chỗ".
Thông tin từ VITAS cho hay, dệt may Việt Nam đối mặt thách thức thiếu hụt lao động và tỷ lệ tiêm vaccine cho ngành vẫn thấp. Trong kịch bản tích cực, nếu dịch COVID-19 được kiểm soát vào cuối tháng 8/2021, kim ngạch xuất khẩu của ngành trong năm 2021 chỉ đạt từ 32-33 tỷ USD, hoàn thành 84% kế hoạch cả năm. Số lượng công nhân dự kiến chỉ đạt 65%.
Do đó, thiếu hụt nguồn nhân lực sẽ là thách thức lớn cho ngành trong quý III/2021. Tuy nhiên, theo VITAS, cơ hội về cuối năm sẽ vẫn có do hiện nhiều nhà máy may của Ấn Độ phải đóng cửa, hoặc chỉ hoạt động 50% công suất để ngăn chặn các ca lây nhiễm COVID-19 mới. Ngành dệt may của Myanmar đối mặt cùng lúc 2 vấn đề lớn là số ca nhiễm COVID-19 tăng và tình hình chính trị bất ổn.
Các doanh nghiệp dệt may hiện đang nhận được nhiều đơn hàng của khách hàng Hoa Kỳ, EU. Nhưng để yên tâm sản xuất trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến khó lường như hiện nay thì vấn đề mấu chốt của ngành dệt may vẫn là tiêm vaccine cho công nhân.
Để hỗ trợ doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch VITAS cho hay, ngoài việc sớm tiêm vaccine cho người lao động, Chính phủ cắt giảm các chi phí để tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đơn cử như với các kho chứa hàng hóa của các doanh nghiệp logistics, chế biến nông, lâm, thủy sản và một số ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu năm 2020 trên 1 tỷ USD…, VITAS đề nghị giảm 30% giá điện cho đến hết năm 2021.
Ngoài ra, theo ông Trương Văn Cẩm, hiệp hội cũng tiếp tục kiến nghị thành phố Hải Phòng dừng thu phí cảng biển đến 31/12/2021 và nghiên cứu giảm 50% cho năm 2022; Thành phố Hồ Chí Minh hoãn áp dụng thu phí cảng biển cho đến 30/6/2022.
Lý do được đưa ra là hiện tại, các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, trong khi Hải Phòng đã thu từ 1/1/2017 đến nay. Còn Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của các tỉnh phía Nam nhưng đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, VITAS kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng không hạ hạn mức tín dụng đối với với những doanh nghiệp gặp khó khăn do COVID-19; tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 1%/năm và giãn thời gian trả nợ gốc và lãi của năm 2021 và 2022.
Các địa phương không điều chỉnh giá thuê đất trong điều kiện các doanh nghiệp phải gồng mình chống dịch và nghiên cứu giảm tiền thuê đất 50% cho doanh nghiệp ở các địa phương áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục