Ngành gỗ đổi mới để hội nhập - Bài 1: Thích ứng với thị trường mở

13:17' - 03/10/2019
BNEWS Ngành chế biến gỗ đang có nhiều cơ hội mở rộng thị trường nhưng cũng đối diện với không ít thách thức cả về mô hình sản xuất lẫn sự cạnh tranh.
Ngành chế biến gỗ có nhiều cơ hội mở rộng thị trường. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Chế biến và xuất khẩu gỗ của Việt Nam đang từng bước khẳng định được được vị thế trong khu vực và trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, để có thể nâng cao thị phần và xây dựng được thương hiệu đồ gỗ Việt Nam hướng tới sự phát triển bền vững, các doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều thách thức cần vượt qua.

Bài 1: Thích ứng thị trường mở

Chế biến gỗ đang là một trong những ngành mang lại giá trị xuất khẩu cao của nông nghiệp Việt Nam, cùng với quá trình hội nhập, ngành gỗ đang có nhiều cơ hội mở rộng thị trường nhưng cũng đối diện với không ít thách thức cả về mô hình sản xuất lẫn sự cạnh tranh.

*Thị trường rộng mở

Theo Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 9/2019 ước đạt 842 triệu USD.

Theo đó, lũy kế xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 9 tháng năm 2019 ước đạt 7,5 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kì năm 2018.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết, đồ gỗ Việt Nam đang có cơ hội gia tăng thị phần ở những thị trường lớn như Mỹ, EU, trong đó, thị trường Mỹ có quy mô rất lớn, mỗi năm nhập khẩu khoảng 60 tỷ USD các sản phẩm gỗ.

Từ trước đến nay, Trung Quốc là nhà cung ứng đồ gỗ lớn nhất cho thị trường Mỹ, chiếm 48% thị phần còn Việt Nam mới chỉ chiếm hơn 7%.

“Do tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung nên thị phần đồ gỗ của Trung Quốc tại Mỹ đang giảm, các nhà thu mua Mỹ có xu hướng tìm kiếm thêm nguồn cung mới; trong đó có Việt Nam. Chỉ cần khai thác được khoảng 10% thị trường đồ gỗ của Mỹ thì giá trị xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam sẽ tăng rất đáng kể”, ông Nguyễn Chánh Phương nhấn mạnh.

Báo cáo thị trường gỗ nhiệt đới tháng 7/2019 cho thấy, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu đồ gỗ nội, ngoại thất tại thị trường EU.

Danh tiếng của đồ gỗ từ Việt Nam cũng dần được nâng cao do các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có khả năng cung cấp các đơn hàng số lượng lớn ở phân khúc tầm trung.

Theo Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp.Hồ Chí Minh, Việt Nam tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu về xuất khẩu đồ gỗ vào EU nhờ mẫu mã và chất lượng liên tục được cải thiện.

Các nhà nhập khẩu EU đánh giá cao việc cải tiến về công nghệ đối với các sản phẩm gỗ của Việt Nam. Những cải tiến này vượt trội so với các quốc gia châu Á khác và ngày càng có khả năng đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn cao của thị trường EU.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam sang thị trường EU cũng được dự báo có triển vọng tốt nhờ những thuận lợi mà việc thực hiện Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản giữa Việt Nam và EU (VPA/FLEGT) cũng như tiềm năng mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) mang lại.

*Không ít thách thức

Ông Nguyễn Chánh Phương cho biết, mặc dù tăng trưởng xuất khẩu nhưng nội tại ngành gỗ vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức như áp lực cạnh tranh, nhân công, nguyên liệu, công nghệ cần được giải quyết sớm mới có thể nâng thị phần đồ gỗ Việt Nam trên thị trường thế giới.

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, việc các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt đầu tư vào Việt Nam để tận dụng các luồng dịch chuyển đơn hàng thời gian qua đã làm gia tăng áp lực cho doanh nghiệp nội.

Trước hết, là cạnh tranh về đơn hàng, bởi số lượng đơn hàng mới có gia tăng do sự dịch chuyển chuỗi cung ứng nhưng thực tế là lượng mua hàng của từng đơn hàng không lớn, lượng đặt hàng từ các khách hàng cũ cũng giảm do nhu cầu tiêu dùng nội thất thế giới bắt đầu chững lại.

Tiếp đó là áp lực về lao động, nhiều doanh nghiệp cho biết, làn sóng FDI trong ngành gỗ thời gian qua góp phần khiến giá nhân công ngành gỗ tại các khu công nghiệp tăng từ 10 -20% nhưng doanh nghiệp cũng rất khó tuyển người. Hơn nữa, do cạnh tranh nên giá lao động tăng nhưng chất lượng lao động không được cải thiện.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Khanh cho rằng, đi liền với vấn đề lao động, doanh nghiệp gỗ Việt Nam cũng đang đối diện với bài toán về công nghệ.

Ngành chế biến gỗ Việt Nam được biết đến nhờ sự khéo léo của thợ thủ công nhưng xét ở góc độ ứng dụng công nghệ thì còn rất hạn chế so với các quốc gia khác.

Nguyên nhân là bởi đầu tư vào các thiết bị, công nghệ chế biến gỗ thường đòi hỏi nguồn vốn khá lớn nhưng lại chỉ ứng dụng được cho một mặt hàng trong khi nhu cầu của thị trường liên tục thay đổi. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khả năng tài chính eo hẹp không dám mạo hiểm đầu tư lớn vào các dây chuyền sản xuất.

Nhận định về tình hình xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ tăng trưởng tốt nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Cụ thể là kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ còn quá lớn, trong khi giá dăm gỗ thời gian qua giảm mạnh.

Nghĩa là để duy trì giá trị phải tăng lượng xuất khẩu, điều này về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến tính bền vững về nguồn nguyên liệu cho ngành gỗ. Hơn nữa, việc xuất khẩu quá nhiều dăm gỗ vào thị trường Mỹ (47,5%) cũng không phải là hướng đi tốt trong bối cảnh hiện nay.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tạo ra khoảng trống thị trường nhưng sẽ không nhiều như kỳ vọng bởi đó là cơ hội chung cho tất cả các quốc gia xuất khẩu đồ gỗ.

Trong khi đó, nguy cơ lẩn tránh xuất xứ ngày càng tăng cùng với xu hướng dịch chuyển đơn hàng vào Việt Nam.

Đơn cử như một số mặt hàng ván sàn, chi tiết đồ nội thất của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng vọt, đáng lưu ý là cùng khoảng thời gian mặt hàng cùng loại của Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam cũng tăng tương đương.

Một thách thức khác được nhiều chuyên gia đề cập chính là nhiều doanh nghiệp có xu hướng tập trung xuất khẩu mà bỏ trống thị trường nội địa cho các doanh nghiệp nước ngoài khai thác.

Trong khi quy mô thị trường tiêu dùng đồ gỗ, nội thất trong nước được đánh giá là còn nhiều tiềm năng và dễ tiếp cận hơn./.

Bài cuối: Nâng cao năng lực thích ứng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục