Ngành gỗ làm gì để đón sóng phục hồi?

16:44' - 12/01/2024
BNEWS Nhiều chuyên gia nhận định kinh tế thế giới nửa đầu năm 2024 khó tăng trưởng đột phá do tình hình chính trị tiếp tục diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ngành gỗ trong nước.

Nhiều chuyên gia nhận định kinh tế thế giới nửa đầu năm 2024 khó tăng trưởng đột phá do tình hình chính trị tiếp tục diễn biến phức tạp, xung đột cũ chưa chấm dứt đã phát sinh xung đột mới.

 

Thách thức trước mắt của ngành gỗ không nhỏ nhưng vẫn có cơ hội cho những doanh nghiệp nhạy bén, linh hoạt. Đây cũng được xem là thời điểm để ngành chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam tập trung xây dựng thương hiệu ngành gỗ đáp ứng các tiêu chuẩn mới về bền vững đón sóng phục hồi.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh nhận định, trong xu hướng tiêu dùng bền vững, ngành gỗ được hưởng lợi từ sở thích sử dụng các vật liệu gỗ thay thế cho vật liệu có phát thải cao như kim loại, nhựa, bê tông... Vật liệu từ gỗ cũng sẽ được dùng nhiều trong ngành năng lượng sinh khối tái tạo, ngành tiêu dùng, bao bì... vì khả năng phát thải thấp, dễ phân hủy và tái chế.

Quy mô thị trường đồ nội thất toàn cầu được Fortune Business Insights ước tính đạt hơn 541 tỷ USD trong năm 2023 và dự báo sẽ lên hơn 780 tỷ USD vào năm 2030. Trong khi đó, Việt Nam dù nằm trong top 5 quốc gia xuất khẩu gỗ và nội thất thế giới nhưng tỷ trọng thị phần còn khá khiêm tốn. Vì vậy, dư địa cho doanh nghiệp ngành gỗ, nội thất Việt phát triển vẫn còn nhiều, đặc biệt nếu khai thác tốt các thị trường mới như Ấn Độ, Trung Đông…

Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển Sản xuất Thương mại Sài Gòn (Sadaco) cho biết, nhu cầu thị trường đã “ấm dần”. Song song với việc tìm kiếm khách hàng, doanh nghiệp cũng phải chủ động chuyển đổi sang những nguyên liệu thân thiện môi trường, các nguyên liệu tái chế vừa tiết kiệm chi phí vừa đáp ứng yêu cầu mới của khách hàng.

Trong khi đó, cơ quan quản lý và chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh đến việc xây dựng hình ảnh ngành gỗ Việt Nam phát triển bền vững, dựa trên yếu tố cơ bản là sử dụng gỗ có chứng chỉ và sản phẩm giảm phát thải.

Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, nếu đạt được mục tiêu sản xuất xanh, các doanh nghiệp chế biến gỗ, lâm sản sẽ có lợi thế hơn vì hiện nay người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến sản phẩm xanh, sản phẩm không làm suy thoái, mất rừng, không phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất. Các doanh nghiệp sản xuất xanh, có chuỗi cung ứng xanh cũng sẽ tạo được uy tín với khách hàng.

Một lợi ích khác là khi Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon được triển khai tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản..., các sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản xuất xanh, chuỗi sản xuất xanh sẽ không phải đóng phí phát thải khí nhà kính, chi phí này thường sẽ cao hơn so với việc doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất xanh.

Ông Lê Xuân Tân, Giám đốc Công ty TNHH Gỗ Hạnh Phúc nêu vấn đề:  Việc Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) mà Liên minh Châu Âu (EU) bước vào giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/10/2023đang tạo ra áp lực cho các doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh hơn.

Theo ông Lê Xuân Tân, việc chuyển đổi sang mô hình nhà máy xanh đòi hỏi tổng hòa nhiều yếu tố, nhưng quan trọng phải là tư duy xanh từ phía đội ngũ lãnh đạo. Bởi, từ bước chuyển nhỏ nhất cũng có thể tạo nên giá trị cho nhà máy.

Đơn cử như việc Happy Furniture sử dụng xe nâng điện thay xe nâng dầu đã thấy hiệu quả tiết kiệm chi phí rõ rệt. Kinh nghiệm thực tế mà Happy Furniture có được là đầu tư xanh phải nhìn con đường dài chứ không chỉ tính toán đến chi phí ban đầu. Doanh nghiệp không nên chờ có cơ hội mới thay đổi mà phải sẵn sàng để đón đầu mọi cơ hội.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2023 ước đạt 13,4 tỷ USD, giảm 16,2% so với năm 2022; trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 9,2 tỷ USD, giảm 22,9% so với năm 2022. Đây là năm  đánh dấu sự gián đoạn trong mạch tăng trưởng liên tục ở mức 2 con số mà ngành chế biến xuất khẩu gỗ đã duy trì nhiều năm trước đó; kể cả năm 2022 ngay sau đại dịch COVID-19, xuất khẩu gỗ và sản phẩm vẫn tăng trưởng gần 11%.

Trong bối cảnh thị trường thu hẹp, các doanh nghiệp ngành gỗ đã tìm mọi cách xoay sở để duy trì sản xuất nhằm giữ chân người lao động. Ông Trần Quốc Mạnh, thông tin, từ quý III/2023, thị trường đã có những tín hiệu tích cực hơn nhưng tốc độ phục hồi vẫn chưa đạt như kỳ vọng của doanh nghiệp.

Trước tình thế đó, doanh nghiệp cố gắng đáp ứng mọi đơn hàng dù số lượng nhỏ, nhiều yêu cầu khó hơn. Mục tiêu doanh thu hay lợi nhuận không còn là ưu tiên hàng đầu, thay vào đó doanh nghiệp linh hoạt “lấy ngắn nuôi dài”, duy trì hoạt động sản xuất, giữ việc làm, thu nhập cho người lao động.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục