Ngành hàng không chuyển đổi công nghệ thế nào ở kỷ nguyên hậu COVID-19?

13:48' - 17/04/2021
BNEWS COVID-19 gây ra một trong những giai đoạn tồi tệ nhất với hàng không toàn cầu. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) ước tính các hãng hàng không thiệt hại ít nhất 314 tỷ USD do dịch bệnh

Khi ngành công nghiệp đang tìm cách thích ứng với kỷ nguyên hậu COVID-19, các hãng hàng không cần xem xét nghiêm túc không chỉ vấn đề chi phí mà còn cần quan tâm tới các tiêu chuẩn an toàn trong khai thác và đào tạo nhân viên. Đây chính là giai đoạn cho thấy việc chấp nhận chuyển đổi công nghệ có thể trở thành một lợi thế cạnh tranh quan trọng cho mỗi hãng hàng không.

* Đào tạo thông qua nền tảng điện tử

Theo giới chuyên gia, các chương trình học tập trực tuyến và trên nền tảng điện tử (E-learning) sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc cách mạng hóa ngành hàng không.

Một lợi ích đáng chú ý nhất của E-learning là đảm bảo các lớp phi công dự bị kịp tiến độ luyện tập thông qua học tập từ xa. Với các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại vẫn sẽ được duy trì trong tương lai gần, các nhà đào tạo sẽ phải điều chỉnh chương trình để duy trì tính liên tục, ổn định cho các học viên và đảm bảo rằng khi đại dịch bắt đầu được kiếm soát, sẽ có một nhóm phi công mới "ra lò" kịp thời hạn.

Việc áp dụng các chương trình E-learning cũng cho phép các hãng hàng không mở rộng quy mô học viên. Không còn bị hạn chế bởi cơ sở vật chất của các trung tâm đào tạo, những chương trình E-learning sẽ mở rộng đáng kể cánh cửa để trở thành một phi công. Điều này đặc biệt quan trọng để đảm bảo các hãng hàng không có thể tuyển dụng những nhân tài tốt nhất bất kể họ đến từ đâu.

* Sử dụng các trình mô phỏng chuyến bay

Bất chấp hoàn cảnh hiện tại, các phi công vẫn cần phải thực hiện hơn 1.500 giờ bay để nhận được chứng chỉ phi công vận tải hàng không (ATP). Do đó, việc đầu tư vào các cơ sở đào tạo mô phỏng đang đóng vai trò then chốt để hỗ trợ nhóm phi công tương lai khi các hãng tiếp tục hạn chế số chuyến bay.

Không giống như các lớp học thông thường, những chương trình mô phỏng bay cũng có thể giúp cung cấp các giải pháp E-learning hiệu quả phục vụ cho các nhu cầu tùy chỉnh. Ví dụ, đào tạo giả lập cho phép phi công thực hành bất kỳ tình huống nguy hiểm nào trên chuyến bay, đồng thời giảm số giờ bay thực tế cần thiết.

Điều này sẽ rất quan trọng đối với các phi công hiện tại, những người đã phải tạm nghỉ việc hoặc bị sa thải. Dù không thể bay, họ vẫn cần đảm báo số giờ trong buồng lái và hoàn thành các bài đánh giá hàng năm để duy trì hiệu lực chứng chỉ của họ. Bằng cách ứng dụng mô hình giả lập, các phi công có thể tuân thủ yêu cầu theo quy định và sẵn sàng quay trở lại bầu trời ngay khi có cơ hội.

* Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI)

Công nghệ AI đã được áp dụng rộng rãi trong ngành hàng không, từ nhận dạng khuôn mặt khi kiểm tra hộ chiếu tại sân bay đến kiểm tra hành lý và giám sát máy bay từ xa. Những ứng dụng này đã giúp hợp lý hóa các quy trình cho cả nhà khai thác và khách hàng. Tuy nhiên, AI có tiềm năng lớn hơn nhiều, đặc biệt là khi kết hợp với trình mô phỏng chuyến bay.

Các thuật toán AI và máy học (Machine learning) tỏ ra vượt trội trong việc nhận dạng các mẫu và cực kỳ hiệu quả trong việc đối chiếu dữ liệu từ quá trình đào tạo học viên. Vì hầu hết các thiết bị mô phỏng chuyến bay đã được trang bị các cảm biến và tạo ra lượng dữ liệu đáng kể, AI có thể sử dụng nguồn tài nguyên này để xác định năng lực của phi công từ khi bắt đầu đào tạo. Ví dụ: các chương trình AI có thể phân tích các thao tác điều hướng chính của phi công, từ đó tạo ra bản đánh giá toàn diện về điểm mạnh và điểm yếu của học viên dựa trên dữ liệu thời gian thực.

Một phần quan trọng của đánh giá này xoay quanh tốc độ đốt cháy nhiên liệu của mỗi phi công. Các quyết định về cài đặt van tiết lưu trong quá trình cất cánh và lên cao có thể tác động đáng kể đến lượng nhiên liệu đốt cháy trong chuyến bay. Với việc các hãng hàng không chi khoảng 33% chi phí hoạt động cho nhiên liệu, việc giảm tỷ lệ nhiên liệu bị đốt cháy sẽ hỗ trợ nhiều cho tình hình tài chính của họ.

Bên cạnh đó, AI có thể phân tích dữ liệu thu thập được từ trình mô phỏng để ghép các phi công với những tuyến bay cụ thể, dựa trên khả năng sử dụng nhiên liệu tối ưu. Điều này sẽ tiết kiệm tài chính cho hãng hàng không thông qua tối ưu hóa tiềm năng của đội ngũ phi công và giảm chi phí dư thừa.

Mặc dù năm 2020 đã khiến ngành hàng không gặp khó khăn nghiêm trọng, giới quan sát tin rằng đại dịch đã giúp tăng tốc đáng kể quá trình chuyển đổi công nghệ của ngành: Những tiến bộ có thể tốn mất 15 năm đã đạt được trong chỉ 8 tháng. Có thể nói, công nghệ chắc chắn là chìa khóa để cách mạng hóa ngành hàng không. Khi lĩnh vực này phục hồi, tầm quan trọng của việc đầu tư vào công nghệ sẽ chỉ tăng chứ không giảm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục