Ngành hàng không Việt Nam liên tục tăng trưởng ở mức 2 con số

21:15' - 11/04/2019
BNEWS Ngành hàng không Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ qua khi mức tăng trưởng trong 5 năm liên tục đều đạt 2 con số.

Ngành hàng không Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ qua khi mức tăng trưởng trong 5 năm liên tục đều đạt 2 con số.

Đây là nội dung được các đại biểu đưa ra tại Tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy hàng không Việt phát triển bền vững” do Báo Giao Thông tổ chức chiều 11/4 tại khu nghỉ dưỡng thuộc Tập đoàn FLC Quy Nhơn.

Ông Phạm Văn Hảo-Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Trần Trung/BNEWS/TTXVN

Ông Phạm Văn Hảo, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam nhấn mạnh: Nếu như trước đây, đội bay chủ yếu chỉ có Vietnam Airlines, thì hiện nay đã có thêm sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tư nhân, cụ thể là Vietjet, Bamboo Airways. Đây là sự thay đổi này rõ ràng ở cả chất và lượng.

Hơn nữa, mạng đường bay của hàng không Việt Nam cũng có nhiều chuyển biến sau 10 năm với gần 60 đường bay nội địa và 130 đường bay quốc tế so với 25 đường bay nội địa và 54 đường bay quốc tế vào năm 2008.

Cũng theo ông Phạm Văn Hảo, cách đây 10 năm, hầu hết các chuyến bay quốc tế chủ yếu bay qua Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, nhưng thời điểm hiện nay đã kết nối với rất nhiều cảng khác như: Cát Bi, Cần Thơ, Cam Ranh, Liên Khương, Phú Quốc….

Điều này đã tạo ra bước phát triển tương đối vững chắc, bền vững. Đặc biệt, các tổ chức quốc tế cũng đánh giá hàng không Việt Nam thuộc diện tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng luôn đạt mức 2 con số.

Cùng với đó, mạng đường bay của các hãng hàng không trong nước đã mở rộng rất nhanh với sự tham gia của 4 hãng hàng không Vietnam Airlines, Viejet, Jetstar và Bamboo Airways. Tại thị trường quốc tế, 71 hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng hàng không trong nước đang khai thác 140 đường bay, kết nối Việt Nam tới 28 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành lý giải về câu chuyện tăng trưởng của ngành hàng không. Ảnh: Trần Trung/BNEWS/TTXVN

Lý giải về câu chuyện tăng trưởng của ngành hàng không Việt Nam, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng: Có hai câu chuyện lớn nhất dẫn đến sự phái triển của hàng không Việt Nam, đó là sự phát triển kinh tế trong nước và thu nhập của người dân, đặc tính các phân khúc dân số Việt Nam.

Theo ông Võ Trí Thành, Việt Nam đang trở thành trung tâm kết nối thế giới với mức độ hội nhập rất sâu. Chính mức độ hội nhập này là kéo hàng không tăng trưởng vừa là sức ép với hàng không Việt Nam, cùng với nhu cầu dịch chuyển của con người ở các phân khúc khác nhau.

Tuy nhiên, để có bức tranh hàng không của Việt Nam đẹp như hiện nay có phần không nhỏ nhờ sự tham gia của tư nhân, như Bamboo Airways, SunGroup với Vân Đồn, mang lại rất nhiều lợi ích cho cộng đồng, cho khách đi máy bay. Bởi, sự cạnh tranh lành mạnh trong hàng không tạo ra lợi ích cho cả cộng đồng và uy tín của quốc gia.

Ông Trần Minh Phương - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải). Ảnh: Trần Trung/BNEWS/TTXVN

Ông Trần Minh Phương – Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã tham mưu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không. Dự báo tăng trưởng 2 con số này sẽ tiếp tục đến năm 2020 và giảm dần xuống một con số sau năm 2020.

Tất nhiên, đây là con số mang tính chất dự đoán, là cơ sở và định hướng cho phát triển kết cấu hạ tầng, định hướng phát triển của các hãng hàng không đầu tư, khai thác đồng bộ, hiệu quả kết cấu hạ tầng cũng như tạo ra hiệu quả của các doanh nghiệp.

Ông Đặng Tất Thắng-Phó Chủ tịch thường trực Bamboo Airways chia sẻ tại buổi tọa đàm. Ảnh: Trần Trung/BNEWS/TTXVN

Chia sẻ về việc Bamboo chính thức tham gia vào thị trường hàng không Việt Nam, ông Đặng Tất Thắng - Phó chủ tịch thường trực Bamboo Airways cho hay: Cạnh tranh ở đây không chỉ giữa các hãng hàng không mà cạnh tranh giữa kinh tế Nhà nước và kinh tế tư nhân. Thời kỳ mở cửa, Nhà nước chỉ giữ vai trò định hướng đường lối, chính sách, còn lại làm sao tạo môi trường Nhà nước và tư nhân bình đẳng với nhau. Lĩnh vực nào Nhà nước làm tốt thì Nhà nước làm, không thì để tư nhân làm.

Theo ông Đặng Tất Thắng, khi bước vào thị trường này, Bamboo xác định cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, bằng sự an toàn, sự tiện nghi của các dịch vụ chất lượng 5 sao, sự tận tâm và bằng nhiều sản phẩm mới.

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Trần Trung/BNEWS/TTXVN

Ông Đặng Tất Thắng đưa ra ví dụ như dịch vụ “Bay Bamboo nghỉ FLC” hay nhiều dịch vụ mới và tập trung vào những sân bay chính như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, Bamboo sẽ mở các đường bay với các địa phương có nhu cầu kết nối và có tiềm năng như đường bay thẳng từ Thanh Hoá vào Nha Trang chẳng hạn.

“Với FLC và Bamboo chúng tôi tự hào có hệ sinh thái, không phải hãng hàng không nào hay công ty nào có thể làm được điều này, khai thác thị trường ngách, tạo thị trường mới, đa dạng sản phẩm”. Ông Đặng Tất Thắng khẳng định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục