Ngành năng lượng Canada "điêu đứng" vì dịch COVID-19

10:27' - 28/04/2020
BNEWS Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết xuất khẩu dầu mỏ của Canada sang Mỹ đã giảm ít nhất 14% so với hồi đầu năm 2020.

Theo thống kê, cứ 5 thùng dầu được sản xuất tại Canada thì có 4 thùng được xuất khẩu, chủ yếu sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã thay đổi hướng đi của các thị trường dầu mỏ toàn cầu. Các bể chứa dầu ở khu vực Prairies của Canada (gồm các tỉnh bang Alberta, Saskatchewan, và Manitoba) đang gần chạm đỉnh.

Trong bối cảnh nhu cầu dầu mỏ thế giới giảm 30% do hoạt động đi lại bằng đường không và đường bộ gần như "tê liệt", thị trường Mỹ đang tràn đầy dầu thô - mặt hàng không ai muốn ngó ngàng tới. Dầu đang tăng nhanh tại các kho chứa ở Mỹ, từ Houston tới Cushing, Okla. Hàng chục tàu chở dầu vẫn đang dập dình ngoài khơi California, không thể dỡ dầu vào kho.

Bức tranh khắc nghiệt này cho thấy cơ sở hạ tầng của ngành dầu mỏ ở Bắc Mỹ đang bế tắc thế nào. Tuần trước, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ đã lần đầu tiên trong lịch sử rơi vào vùng âm, khi những người đang nắm giữ hợp đồng giao tháng 5/2020 nhận thấy không thể bán dầu khi thời hạn hợp đồng đã cận kề.

Tình hình của Canada cũng ở mức báo động. Hệ thống kho chứa và phân phối dầu của nước này không được thiết kế để ứng phó với kịch bản nhu cầu thị trường giảm mạnh như hiện nay. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết xuất khẩu dầu mỏ của Canada sang Mỹ đã giảm ít nhất 14% so với hồi đầu năm 2020.

Các nhà sản xuất như Saudi Arabia đã "găm hàng" trong các siêu tàu chở dầu để chờ giá lên. Tuy nhiên, ngành dầu mỏ vốn chủ yếu "đóng đô" ở giữa đất liền của Canada không có được giải pháp "xa xỉ" này.

Hiện nay, các bể chứa dầu đang trở thành mặt hàng "nóng" hơn nhiều so với dầu mỏ. Các doanh nghiệp Canada hiện đã cắt giảm sản lượng 700.000 thùng/ngày. Đáng lưu ý là việc cắt giảm sản lượng không hề đơn giản. Doanh nghiệp sẽ vấp phải nhiều rào cản lớn về kỹ thuật và tài chính để có thể quyết định dừng hoặc thậm chí chỉ là để giảm các hoạt động khai thác dầu.

Trong khi đó, tình trạng thiếu kho chứa dầu cũng tạo ra thảm họa về tài chính. Ian Dundas, Giám đốc điều hành Enerplus Corp. cho biết, doanh nghiệp này đang đối mặt với một tình trạng bất ổn chưa có tiền lệ. Từ khi khủng hoảng bắt đầu, Enerplus đã giảm khoảng một nửa ngân sách đầu tư vào tài sản cố định/tư liệu sản xuất và đóng cửa một số hoạt động sản xuất ở Canada và Mỹ.

Việc cắt giảm có thể còn tiếp tục, ông Dundas dự đoán. Các nhà sản xuất sẽ phải quyết định giảm sản lượng trên cơ sở giá dầu khu vực, công suất chứa dầu, cùng các nhân tố khác như chi phí sản xuất và nợ doanh nghiệp.

Hiện vẫn chưa rõ các kho chứa của Mỹ còn bao lâu nữa thì chạy hết công suất. Chuyên gia phân tích năng lượng Art Berman dự đoán là khoảng tháng Tám tới.

Trong khi đó, công suất chứa của các kho ở miền Tây Canada chỉ ở mức khoảng 40-45 triệu thùng và theo Hiệp hội các nhà sản xuất dầu mỏ Canada (CAPP), 3/4 công suất chứa đã hết.

Theo các nguồn tin của Reuters, tại Mỹ, ngoài việc trữ dầu ở các tàu, các nhà máy lọc dầu và các công ty thương mại đã quay sang "sách lược đặc biệt" như chứa dầu và nhiên liệu trong các toa xe có bồn chứa, hay trong các đường ống không sử dụng.

Chuyên gia Berman cảnh báo, nếu hệ thống kho chứa tại Canada và Mỹ chạy hết công suất, hoạt động sản xuất sẽ phải về 0 - một điều chưa từng xảy ra trong lịch sử của Canada hay Mỹ, .

Mới đây, Chính phủ Canada đã bơm hơn 2,4 tỷ CAD (khoảng 1,7 tỷ USD) nhằm hỗ trợ ngành năng lượng kiến tạo khoảng 10.000 việc làm.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhận định giá dầu sụt giảm và những ảnh hưởng về kinh tế của cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 đã "tàn phá" ngành năng lượng của Canada, đẩy nhiều lao động vào tình trạng thất nghiệp. Tuy nhiên, mức đầu tư 2,4 tỷ CAD của Ottawa thấp hơn rất nhiều so với mức đề xuất 20-30 tỷ CAD của tỉnh bang Alberta.

Canada hiện là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ tư thế giới. Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, ngành năng lượng Canada sử dụng hơn 830.000 lao động trực tiếp và gián tiếp./.

>>>Giá dầu rơi tự do đẩy các nền kinh tế Trung Đông vào thế bí

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục