Ngành nhôm trong nước chịu sức ép từ nhôm ngoại

13:09' - 22/03/2019
BNEWS Hiện nay, không chỉ riêng ngành thép mà ngành nhôm trong nước cũng phải chịu sức ép lớn từ lượng sản xuất dư thừa từ Trung Quốc.
Ngành nhôm chịu sức ép lớn từ nhôm ngoại. Ảnh minh họa: TTXVN
Với lượng hàng hóa lớn trên thị trường cộng với giá thành rẻ, nhôm Trung Quốc đang khiến nhiều doanh nghiệp đối mặt khó khăn.

Kể từ tháng 3/2018, Hoa Kỳ đã ký sắc lệnh áp dụng thuế suất nhập khẩu 10% với ngành nhôm do lo ngại nhập khẩu hàng giá rẻ từ các nước. Đến tháng 11/2018, Bộ Thương mại Mỹ tiếp tục tăng mức thuế áp dụng cho sản phẩm hợp kim nhôm Trung Quốc với mức dao động từ 96,3 - 176,2%. Australia, Colombia, Canada... cũng tiếp nối thực hiện các biện pháp tăng thuế tương tự. Vì vậy, lượng nhôm Trung Quốc sản xuất dư thừa ước tính khoảng 16 triệu tấn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, năm 2019, lượng lớn nhôm dư thừa này tiếp tục được đẩy mạnh xuất khẩu để giải phóng tồn kho và Việt Nam sẽ khó tránh khỏi những tác động tiêu cực.

Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí cho biết, nhôm, thép là những nguyên liệu cơ bản cho sản xuất công nghiệp nên rất cần được Nhà nước bảo vệ. Trong khi đó, lượng nhôm giá rẻ từ Trung Quốc tiếp tục có xu hướng tràn vào Việt Nam thông qua nhiều con đường khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng phải giảm công suất, mất thị phần và có nguy cơ phải đóng cửa.

Lý giải nguyên nhân vì sao không thể cạnh tranh được với nhôm Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp cho rằng, mặc dù cùng dòng sản phẩm, nhưng tỷ lệ hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) đầu vào của Trung Quốc (có hiệu lực từ tháng 9/2018) đã hỗ trợ cho doanh nghiệp của họ từ 9 - 13%. Đó là chưa nói tới hàng hóa nhập qua các con đường tiểu ngạch, trốn thuế...

Theo đại diện doanh nghiệp Nhôm Việt Pháp, nhờ có chính sách hoàn thuế từ Chính phủ nên giá thành phẩm nhôm của họ rẻ hơn trong nước khoảng 15.000 đồng/kg, tương đương khoảng 20% khiến doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh được.

Ông Nguyễn Minh Kế, Chủ tịch HĐQT Nhôm Sông Hồng cho biết, từ công suất 1.000 tấn/năm, nhưng hiện doanh nghiệp chỉ giữ công suất 500 tấn/năm và người lao động không có việc để làm. Nhà máy đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho sản xuất, song buộc phải hoạt động dưới công suất và cầm chừng. Cùng với đó, hàng Trung Quốc tràn lan trên thị trường nên giá nhôm sụt giảm và doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn.

Không dừng lại ở đó, nhôm thanh định hình của Trung Quốc tràn vào với khối lượng lớn còn có thể khiến "hình ảnh" nhôm Việt bị ảnh hưởng trên thị trường thế giới. Nhiều đơn hàng của Việt Nam cũng bị nghi ngờ có xuất xứ từ Trung Quốc, nhập khẩu qua Việt Nam lấy xuất xứ rồi sau đó xuất khẩu đi các nước.

Đại diện Hội Khoa học kỹ thuật Đúc - Luyện Kim Việt Nam cho hay, đối với sản phẩm thép Việt Nam từng bị nghi ngờ là “bến đỗ” cho hàng hóa Trung Quốc. Thép Trung Quốc nhập vào Việt Nam để lấy xuất xứ rồi xuất đi các nước. Ngành thép đã phải "chặn" hàng giá rẻ từ Trung Quốc bằng các quy định và nỗ lực từ phía doanh nghiệp. Đến nay, ngành nhôm cũng đang gặp phải tình trạng tương tự.

Để tháo gỡ khó khăn, đòi hỏi doanh nghiệp và các cơ quan chức năng cùng vào cuộc. Cụ thể, cần có chính sách ngăn chặn hàng nhập khẩu giá rẻ như: áp thuế, điều tra chống bán phá giá, hoặc có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước.

Theo bà Nguyễn Thị Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần EuroHa, doanh nghiệp chân chính đang phải đương đầu với hàng giá rẻ, hàng trôi nổi từ nguồn nguyên liệu không chính thống, theo đường tiểu ngạch... Lúc này, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước với chính sách hữu hiệu để góp phần bảo vệ doanh nghiệp và người lao động.

Hiện nay, việc cạnh tranh với hàng giá rẻ khiến Công ty giảm công suất tới 35%. Nếu tình trạng hàng giá rẻ còn tiếp diễn, dự kiến trong năm nay, Công ty phải giảm công suất tới 50%. Bởi thực tế sản xuất tại Việt Nam, doanh nghiệp còn phải chịu chi phí đầu vào tăng cao và theo thống kê hiện có tới 35 doanh nghiệp sản xuất nhôm đang gặp khó khăn liên quan đến vấn đề này.

“Mong Chính phủ có biện pháp ngăn chặn, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc điều tra chống bán phá giá, hỗ trợ doanh nghiệp cạnh tranh một cách bình đẳng và công bằng; đồng thời cần có diễn đàn mang tính đặc thù để tạo đà cho sự phát triển”, bà Dung nói.

Đầu năm 2019, Bộ Công Thương đã quyết định tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm bằng nhôm, hợp kim hoặc không hợp kim, ở dạng thanh, que và hình Trung Quốc. Trong lúc chờ đợi kết quả điều tra, các doanh nghiệp ngành nhôm vẫn phải "gồng mình" với sức ép từ hàng Trung Quốc.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục