Ngành nông nghiệp Mỹ cần nhiều hơn một gói hỗ trợ tài chính

17:57' - 28/05/2019
BNEWS Các tổ chức nông nghiệp của Mỹ đang hối thúc chính phủ liên bang sớm giải quyết bất đồng thương mại, cho rằng người nông dân cần các thị trường mở để xuất khẩu sản phẩm hơn là một gói hỗ trợ ngắn hạn.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) mới đây đã công bố một gói hỗ trợ thương mại trị giá 16 tỷ USD cho nông dân bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại của nước này với các đối tác thương mại lớn.

Tuy nhiên, ông Roger Johnson, Chủ tịch Hiệp hội Nông dân Quốc gia Mỹ, tổ chức đại diện gần 200.000 hộ nông dân Mỹ và cộng đồng của họ, tin rằng gói hỗ trợ nói trên “chỉ là một giải pháp ngắn hạn” cho một vấn đề mang tính dài hạn. Ông cho biết nông dân Mỹ đã và đang phải vật lộn với giá hàng hóa thấp và tình trạng sản xuất dư thừa trong nhiều năm nay, và cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và các đối tác khác đã làm tình hình trầm trọng hơn.

Ông Zippy Duvall, Chủ tịch Liên đoàn các Sở canh tác Mỹ, cũng nhấn mạnh rằng nước Mỹ cần một chiến lược dài hạn đem đến cho người nông dân khả năng tiếp cận các thị trường một cách cởi mở và công bằng. Ông Duvall cho rằng giải pháp thực sự và dài hạn đối với những thách thức trong ngành nông nghiệp là một kết quả tốt đẹp sau các cuộc đàm phán hiện tại với Trung Quốc, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU), cũng như việc Quốc hội Mỹ thông qua Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA).

Theo Hiệp hội Đậu tương Mỹ (ASA), gói hỗ trợ tài chính thứ hai này không phải một giải pháp lâu dài đối với những người trồng đậu tương đã mất đi thị trường xuất khẩu lớn nhất của mình. Trong khi đó, ông Ben Scholz, Chủ tịch Hiệp hội các nhà trồng lúa mỳ Mỹ, bày tỏ hy vọng làm việc với chính quyền của Tổng thống Donald Trump để nhanh chóng đưa ra những thỏa thuận thương mại khác giúp mở cửa các thị trường mới cho sản phẩm lúa mỳ của Mỹ. Ông cho biết Mỹ xuất khẩu đến 50% lượng lúa mỳ sản xuất trong nước. Vì vậy, người nông dân cần một giải pháp dài hạn hơn.

Gói hỗ trợ nói trên cũng nhận chỉ trích từ nhiều nghị sỹ Mỹ, vì việc thiếu sự ổn định và một chiến lược dài hạn sẽ gây thêm bất ổn cho người nông dân. Ông Debbie Stabenow, thành viên cao cấp của Ủy ban nông nghiệp, dinh dưỡng và lâm nghiệp của Thượng viện Mỹ, lo ngại rằng liệu kế hoạch này có công bằng cho tất cả nông dân hay không, và nguồn hỗ trợ của chính phủ không thể thay thế được các thị trường đã mất.

Các ý kiến chỉ trích còn cho rằng việc dùng tiền thuế chỉ để hỗ trợ một ngành bị thiệt hại bởi các chính sách thương mại của Mỹ là không công bằng, đặc biệt khi nông nghiệp đã là một trong số những ngành được bảo hộ và trợ cấp nhiều nhất ở Mỹ./.

Xem thêm:

>>Trung Quốc “bỏ” đơn đặt hàng 3.247 tấn thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ

>>AFBF kêu gọi Mỹ sớm chấm dứt cuộc chiến thương mại với Trung Quốc

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục