Ngành sản xuất ô tô Malaysia chuẩn bị đón “mùa xuân thứ hai”?

07:02' - 20/06/2018
BNEWS Bước sang tháng cầm quyền thứ hai, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad lại gây sự chú ý khi thông báo ý định tạo một nhãn hiệu ô tô quốc gia mới.
Xe Proton, niềm tự hào một thời của ngành công nghiệp Malaysia. Ảnh: Hà Ngọc (Phóng viên TTXVN tại Malaysia)

Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã khác nhiều so với khi ông Mahathir thúc đẩy dự án chế tạo ô tô quốc gia đầu tiên mang tên Proton mà giờ đây đã bán cho người Trung Quốc.

Theo ông Mahathir, sau khi người Trung Quốc nắm quyền điều hành, Proton không còn là nhãn hiệu ô tô quốc gia nữa.

Không chỉ có vậy, sau khi tập đoàn Geely đến từ Chiết Giang (Trung Quốc) mua 49,9% cổ phần hãng Proton vào tháng 9 năm ngoái, nhiều công ty cơ khí của Malaysia đã phải đóng cửa do không đáp ứng được yêu cầu của nhà quản lý mới.

Ngoài việc cứu các doanh nghiệp đó, sự ra đời của một nhãn hiệu ô tô quốc gia sẽ giúp tận dụng những kỹ năng về thiết kế, chế tạo và sản xuất ô tô hàng loạt mà Malaysia đã tích lũy được trong hơn 2 thập kỷ qua, đồng thời tạo chất xúc tác để nâng cao năng lực của ngành cơ khí ở nước này.

Người đứng đầu chính phủ Malaysia hoan nghênh bất cứ ai đề xuất tham gia vào dự án chế tạo ô tô quốc gia mới, nhưng cảnh báo sẽ thu lại giấy phép của người nào được cấp phép rồi bán lại cho bên thứ ba.

Câu chuyện xây dựng nhãn hiệu ô tô quốc gia mới khiến người ta nhớ lại quãng thời gian ông Mahathir làm Thủ tướng lần thứ nhất (1981-2003).

Khi đó với tham vọng phát triển ngành công nghiệp nặng, ông Mahathir đã thúc đẩy dự án chế tạo ô tô quốc gia đầu tiên mang tên Proton. Hãng xe Proton đã có những ngày tháng tươi đẹp khi giành được thị phần khá lớn trên thị trường ô tô nội địa và hằn trong ký ức của nhiều người Malaysia.

Nhưng sau đó, Proton đã mất dần vị trí dẫn đầu và không thể lấy lại sự huy hoàng trong quá khứ dù được chính phủ bơm không ít tiền cứu trợ.

Theo tờ Tinh châu nhật báo, điều đó cho thấy nếu chính phủ chỉ có quyết tâm và tiến hành hỗ trợ tài chính thôi thì cũng không giúp ích gì nhiều cho ngành công nghiệp sản xuất ô tô trong nước.

Quả thật, nếu nhìn vào quá trình phát triển của Proton sẽ thấy hãng xe này không những không thực hiện được ước mơ của ông Mahathir về việc thông qua phát triển ngành công nghiệp sản xuất ô tô để tiến hành công nghiệp hóa mà chính bản thân Proton cũng không thể tự lực cánh sinh.

Tờ Đông phương nhật báo cho biết tới nay chính phủ Malaysia đã bơm cho Proton chí ít 15 tỷ ringgit (hơn 3,7 tỷ USD), nhưng cùng với sự mở cửa của thị trường, thị phần của Proton ngày một sụt giảm.

Hãng xe này phải đối mặt với cơn ác mộng lỗ triền miên và vẫn lệ thuộc vào đối tác nước ngoài về công nghệ then chốt.

Về mặt vĩ mô, việc cứu trợ Proton khiến việc phân phối tài nguyên quốc gia bị lệch lạc.

Nguồn tài nguyên đáng lý được sử dụng trong lĩnh vực giao thông công cộng lại được rót cho Proton, một doanh nghiệp không tạo ra hiệu ích, từ đó gia tăng gánh nặng đối với người dân trên phương diện giao thông.

Trở lại với mong muốn tạo ra nhãn hiệu ô tô quốc gia mới của tân Thủ tướng Malaysia, theo nhiều chuyên gia, việc này không dễ dàng, cần phải cân nhắc toàn diện nếu không sẽ lại “giẫm vào vết xe đổ”.

Đầu tiên, ngành công nghiệp chế tạo ô tô cần phải đầu tư vốn lớn, từ chi phí xây dựng nhà xưởng, mua sắm, lắp đặt máy móc, thuê nhân công đến việc đầu tư cho nghiên cứu, phát triển.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Tài chính Malaysia Lâm Quán Anh, nợ công của nước này lên tới 250 tỷ USD, tương đương 80,3% GDP. Và chính phủ Malaysia đang phải rốt ráo tìm cách giảm gánh nặng nợ quốc gia.

Nhiều biện pháp đã được đưa ra, bao gồm tinh giản bộ máy, thành lập Quỹ Hi vọng Malaysia nhận sự quyên góp của các cá nhân, tổ chức… Vậy Malaysia sẽ lấy nguồn tiền từ đâu để phát triển dự án? Đây là câu hỏi chưa có đáp án cụ thể.

Bên cạnh đó, nhiều nhận định cho rằng Malaysia là thị trường quá nhỏ để đảm bảo thành công cho một hãng ô tô quốc gia mới và nếu chỉ nhắm tới thị trường nội địa thì hãng ô tô quốc gia mới cần phải tạo ra sự đột phá.

Đồng thời, những xu hướng thay đổi nhanh chóng trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô làm dấy lên nghi vấn về khả năng sống sót của nhãn hiệu ô tô quốc gia mới. Bởi hiện nay, ngành công nghiệp sản xuất ô tô thế giới chuyển sang phát triển xe điện và xe tự lái.

Vấn đề đặt ra là nhà sản xuất ô tô nội địa mới của Malaysia có đủ trình độ chuyên môn để bắt kịp xu hướng tương lai hay không?

Ngoài ra, cạnh tranh trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Malaysia hiện rất khốc liệt và theo tờ Star, sự ra đời của một nhà sản xuất ô tô mới sẽ khiến các “tay chơi’ trong ngành lo ngại khả năng chính phủ đưa ra biện pháp bảo vệ đối với hãng xe quốc gia mới bằng cách đánh thuế vào các nhãn hiệu xe khác.

Việc này không chỉ làm tăng gánh nặng tài chính đối với người tiêu dùng thích mua xe của các hãng này, mà còn dẫn tới cáo buộc về sự thiên vị cũng như chủ nghĩa bảo hộ và câu chuyện của Proton đã cho mọi người thấy rõ điều này.

Nói tóm lại, cùng với sự trở lại của ông Mahathir trên cương vị Thủ tướng, chủ đề tạo ra nhãn hiệu ô tô quốc gia lại được xới lên. Sự xuất hiện của một hãng xe quốc gia với các sản phẩm chất lượng, cạnh tranh là niềm tự hào và có thể mang tới cảm hứng lan tỏa.

Nhưng đó có thể là một câu chuyện dài bởi tới nay vẫn chưa có một nghiên cứu khả thi đầy đủ nào liên quan tới dự án được đưa ra./.

Xem thêm:

>>>Canada có thể hỗ trợ ngành ô tô trước đe dọa áp thuế từ Mỹ

>>>Mỹ đánh thuế ô tô nhập khẩu vì lý do an ninh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục