Ngành sản xuất ô tô Trung Quốc "gặp khó" bởi chiến lược "Không COVID"

06:30' - 23/05/2022
BNEWS Báo Le Monde mới đây có bài viết cho biết ngành công nghiệp sản xuất ô tô Trung Quốc đang hứng chịu hậu quả nặng nề do chính sách phong tỏa được áp đặt ở một số thành phố lớn.

Sản xuất ô tô là lĩnh vực then chốt đối với thể trạng của ngành công nghiệp Trung Quốc và hiện tại. Theo Hiệp hội xe cá nhân Trung Quốc, với chỉ hơn 1 triệu xe được bán trong tháng Tư, doanh số bán hàng đã giảm 35,7% so với cùng kỳ năm 2021 và 34% so với tháng trước. Tất cả là do chính sách "Không COVID" (Zero COVID) gây ra.

Thượng Hải sắp trải qua hai tháng phong tỏa, khiến cả khách hàng lẫn các xưởng sản xuất ô tô phải tiếp tục "bất động". Thành phố này là một trong những trung tâm sản xuất ô tô lớn nhất tại Trung Quốc, với hàng loạt nhà máy của các hãng như Tesla, General Motors và Volkswagen. Nơi đây cũng là nguồn cung ứng chính về linh kiện và phụ tùng cho ngành công nghiệp ô tô trên khắp cả nước.

Các nhà chức trách Trung Quốc đang làm mọi cách để hỗ trợ khôi phục sản xuất: trong số 666 công ty "chiến lược" được phép hoạt động trở lại từ ngày 19/4, có tới 1/3 thuộc về công nghiệp ô tô. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ để tháo gỡ các nút thắt trong bối cảnh phần lớn trong số 25 triệu dân Thượng Hải vẫn phải ở trong nhà.

Tesla là một trong những hãng nằm trong danh sách ưu tiên của Thượng Hải nhờ sức nặng về kinh tế và tính biểu tượng của hãng. Khoảng 8.000 công nhân, tức là một nửa lực lượng lao động thông thường, đang ăn ngủ tại chỗ, cho phép nhà máy hoạt động với 40% công suất ở thời điểm cuối tháng Tư. Tuy nhiên, "siêu nhà máy" ở Thượng Hải đã buộc phải giảm tốc độ sản xuất do thiếu linh kiện điện tử.

Một trong những nhà cung cấp của Tesla đã phải ngừng sản xuất sau khi dịch bệnh bùng phát. Do đó, hãng này chỉ có thể sản xuất 10.757 xe trong tháng Tư, trong đó chỉ có 1.512 chiếc được xuất xưởng và không có chiếc nào được xuất khẩu. Theo Bloomberg, để so sánh, trong tháng Ba "siêu nhà máy" này đã xuất xưởng 65.814 xe, với hơn một nửa được xuất khẩu sang châu Á và châu Âu.

Trước đó 2022 từng được dự đoán là năm "tốt lành" cho thị trường ô tô lớn nhất thế giới. Liên tục giảm kể từ năm 2017, doanh số bán hàng tại thị trường ô tô Trung Quốc đã tăng trưởng trở lại vào năm 2021 (tăng 3,8% lên 26,28 triệu chiếc). Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc từng hy vọng xu hướng này sẽ tiếp diễn trong năm nay (dự kiến tăng 5,4%). Nhưng chính sách "Zero COVID" đã gây bất lợi lớn cho việc đạt được mục tiêu này.

John Zeng, Giám đốc công ty tư vấn LMC Automotive có trụ sở tại Thượng Hải, ước tính: "Từ tháng 3-5/2022, số xe được sản xuất đã giảm khoảng 650.000-700.000 chiếc do các biện pháp phong tỏa. Hồi đầu năm, chúng tôi đã dự tính rằng xung đột Nga-Ukraine và tình trạng thiếu chất bán dẫn có thể khiến sản lượng giảm 1 triệu xe. Như vậy sản lượng có thể giảm đi khoảng 1,6-1,7 triệu chiếc. Kết quả là tăng trưởng của thị trường ô tô sẽ không phải là 5% như mong đợi mà gần như bằng không.

Kho vận (logistics) vẫn là một thách thức lớn đối với bất cứ doanh nghiệp nào. Theo Jean-Marie Guérin, Giám đốc thương mại của công ty liên doanh Pháp-Trung Anji-Ceva, một nhánh của tập đoàn CMA CGM chuyên về lĩnh vực hậu cần ô tô: "Để ra khỏi Thượng Hải bây giờ thì phải có giấy phép và đây là thứ chúng tôi không có đủ. Ngoài ra, các lái xe tải đều bị buộc phải kiểm tra PCR mỗi ngày, phải ngủ trong xe tải của họ và áp dụng các quy tắc rất nghiêm ngặt khi xếp dỡ hàng hóa".

Các quy định thay đổi liên tục, tùy từng địa phương, thậm chí tùy người chịu trách nhiệm kiểm tra các giấy phép khác nhau. Điều này làm bùng nổ các chi phí. Một số hoạt động đã được khôi phục cách đây ít ngày, nhưng chậm và có chi phí rất cao. Các lao động làm việc tại chỗ được tăng thêm thù lao trung bình 400 NDT (59 USD) mỗi ngày, trong khi hóa đơn vận chuyển trung bình cao gấp 5 lần bình thường.

Nếu sản xuất có thể được khôi phục dễ dàng hơn khi các biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ thì nhu cầu có thể sẽ vẫn chậm chạp. Đầu năm 2020, chính sách giãn cách xã hội chỉ ảnh hưởng nặng nề đến tỉnh Vũ Hán và Hồ Bắc, trong khi phần còn lại của đất nước ít hơn nhiều. Lần này, các biện pháp phong tỏa đã giáng mạnh vào các đô thị ven biển giàu có nhất: trước Thượng Hải là Quảng Châu và Thâm Quyến. Trịnh Châu (thủ phủ của Hà Nam) và đặc biệt là Bắc Kinh cũng đang "sống chậm" trước nguy cơ bị phong tỏa.

Tu Le, người sáng lập công ty tư vấn Sino Auto Insights ở Bắc Kinh, nhận xét: "Thật khó để tưởng tượng một sự phục hồi nhanh chóng trong khi hàng trăm triệu người đang mắc kẹt ở nhà. Nhu cầu giống như một cỗ máy lớn, cần thời gian để bắt đầu hoạt động trở lại. Một khi thoát khỏi giới hạn, điều đầu tiên bạn làm là đi ăn nhà hàng chứ không phải mua cho mình một chiếc xe ô tô.

Về phần mình, Jean-Marie Guérin cho biết: "Năm 2020, chúng tôi đã có sự phục hồi rất mạnh mẽ vào đầu năm. Nhưng điều này khó lặp lại một lần nữa, bởi tình trạng giãn cách dường như sẽ kéo dài, hơn nữa nền kinh tế thế giới hiện nay cũng không có lợi cho việc mua bán ô tô".

Điểm tích cực duy nhất đối với thị trường Trung Quốc được thể hiện ở việc doanh số bán xe điện trong tháng Tư tăng 78,4% so với cùng kỳ năm ngoái và minh chứng cho sự năng động của lĩnh vực này, nhưng con số này vẫn giảm 37% so với tháng Ba. Trong bốn tháng đầu năm 2022, mức tăng đạt 128%.

"Các thương hiệu không đồng đều khi phải đối mặt với khủng hoảng. Chúng ta có thể mong đợi Tesla và BYD, những công ty đang có đà tăng trưởng tốt, sẽ tiếp tục bán chạy. Nhưng đối với phân khúc tầm trung và bình dân, sẽ có sự cạnh tranh gay gắt về giá để giành thị phần", ông Tu Le dự đoán./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục