BNEWS
Dù chậm chạp do tình hình hiện tại nhưng 66.000 công ty thời trang của Italy vẫn duy trì hoạt động để cho ra các bộ sưu tập Thu - Đông 2020-2021.
Hoạt động thương mại ở vùng kinh tế sôi động phía Bắc Italy đã chậm lại do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nhưng ngành thời trang ở đây tự tin có đủ “sức đề kháng” để vượt qua khó khăn này.
Dù chậm chạp do tình hình hiện tại nhưng 66.000 công ty thời trang của Italy vẫn duy trì hoạt động để cho ra các bộ sưu tập Thu - Đông 2020-2021 dù triển vọng kinh tế mùa Xuân - Hè vẫn còn chưa chắc chắn. Các văn phòng và nhà máy sản xuất trên khắp cả nước đã đóng cửa do dịch bệnh. Điều này được dự đoán sẽ là yếu tố lớn kìm hãm tăng trưởng kinh tế của Italy.
Tuần lễ Thời trang Milan, sự kiện được tổ chức hai lần mỗi năm nhằm quảng bá các công ty thời trang, đã diễn ra vào tháng trước, khi dịch COID-19 đang lây lan nhanh ở Italy, làm giảm hiệu quả của sự kiện. Nhiều sự kiện khác đã được phát trực tiếp trên mạng Internet để tránh việc du khách tụ tập.
Nicola Guerini, Giám đốc Viện Thời trang Milan, cho rằng trong ngắn hạn, hoạt động thiết kế và sản xuất của ngành thời trang Italy đang khiến nhiều người lo ngại, nhưng trong trung hạn, yếu tố đáng lo lại là nhu cầu. Ông cho biết nhu cầu từ Trung Quốc, thị trường chiếm khoảng 40% doanh số của ngành thời trang Italy, sẽ giảm mạnh.
Ông Guerini nhận định rằng tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Italy và nhiều thị trường quan trọng khác sẽ gây ảnh hưởng đến ngành thời trang. Tuy nhiên, ông không cho rằng năm nay sẽ là một năm thua lỗ đối với các công ty thời trang Italy như nhận định của nhiều chuyên gia, song ông thừa nhận đây sẽ là năm thử thách nhất đối với ngành thời trong trong nhiều năm qua.
Ông Guerini kêu gọi chính phủ hỗ trợ cho các công ty thời trang vốn tạo ra gần 96 tỷ euro (108 tỷ USD) doanh thu và tạo việc làm cho khoảng 600.000 người lao động.
Ông Vincenzo Trione, Trưởng khoa Nghệ thuật, Du lịch và Thị trường của Đại học IULM ở Milan, cho biết ngành thời trang có thể đủ mạnh để vượt qua cái mà ông cho là “cơn sóng thần” do dịch COVID-19 gây ra ở Italy và nhiều nơi khác./.
>> Dịch COVID-19: Số ca nhiễm hơn 2.500, Italy cân nhắc thiết lập thêm "vùng đỏ"