Ngành xây dựng đặt mục tiêu năm 2023 nâng tỷ lệ đô thị hóa cả nước lên 53,9%

10:44' - 23/12/2022
BNEWS Quy hoạch, quản lý phát triển đô thị được Bộ Xây dựng xác định là một trong 3 khâu đột phá của ngành. Năm 2022, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc ước đạt 41,7%; tỷ lệ lập quy hoạch chung đô thị đạt 100%.

Năm 2023, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu đưa tỷ lệ đô thị hóa cả nước tính theo khu vực nội thành, nội thị ước đạt 42,6%; tỷ lệ đô thị hóa cả nước tính theo khu vực toàn đô thị ước đạt 53,9%.

Đây là thông tin được ghi nhận tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ của Bộ Xây dựng năm 2023 diễn ra ngày 23/12 tại Hà Nội.

Chánh văn phòng Bộ Xây dựng Đậu Minh Thanh cho biết, thời gian qua, tập trung cho quy hoạch, quản lý phát triển đô thị được Bộ Xây dựng xác định là một trong 3 khâu đột phá của ngành. Theo đó, năm 2022 tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc ước đạt 41,7%, tăng 1,2% so với năm 2021. Cùng đó, tỷ lệ lập quy hoạch chung đô thị đạt 100%; tỷ lệ lập quy hoạch phân khu đối với 22 đô thị loại I và 2 đô thị loại đặc biệt đạt khoảng 79%; tỷ lệ lập quy hoạch chi tiết bình quân cả nước đạt khoảng 39% so với diện tích đất xây dựng đô thị.

Nổi bật là việc triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bộ Xây dựng đã khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết... và có nhiều hoạt động thiết thực để triển khai chính sách.

Năm 2022 Bộ Xây dựng đã công nhận theo thẩm quyền 5 đô thị loại IV; đã tổ chức hội đồng thẩm định Đề án đề nghị công nhận đô thị loại IV đối với đô thị Thị trấn Chờ mở rộng (Đô thị Yên Phong), tỉnh Bắc Ninh... Tính đến hết tháng 11/2022, toàn quốc có 888 đô thị; trong đó, có 2 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 33 đô thị loại II, 47 đô thị loại III, 94 đô thị loại IV.

Cùng với việc ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra việc thực hiện quản lý nhà nước về phát triển đô thị năm 2022, Bộ Xây dựng đã rà soát phân loại đô thị đối với các đô thị loại V trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, rà soát, đánh giá và cho ý kiến về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị của các khu vực dự kiến thành lập đơn vị hành chính đô thị; góp ý Chương trình phát triển đô thị các tỉnh.

Bên cạnh việc cho ý kiến thẩm định chủ trương đầu tư các dự án theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng chủ động đôn đốc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc tăng cường quản lý dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nhà ở cho phép người dân được tự xây dựng nhà ở.

Bộ Xây dựng đã tham gia Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc tại một số địa phương về việc sắp xếp đơn vị hành chính; phối hợp tổng kết đánh giá tình hình thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ.

Hoạt động hợp tác quốc tế được thúc đẩy để triển khai các chương trình, kế hoạch đề án của Thủ tướng Chính phủ về phát triển đô thị; tiếp tục triển khai đúng tiến độ các chương trình, đề án đã được phê duyệt như: Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến 2030;

Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030; Đề án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030; Chương trình đô thị miền núi phía Bắc...

Trong lĩnh vực quản lý quy hoạch, kiến trúc, Bộ Xây dựng tiếp tục triển khai lập quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và hoàn thành việc lập đồ án quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030.

Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức lập và thẩm định các hợp phần quy hoạch theo quy định để tích hợp vào quy hoạch tổng thể quốc gia; tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung, nâng cao chất lượng lập, thẩm định quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng theo phân cấp...

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng nhận định, về quản lý phát triển đô thị hiện vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể là chất lượng một số đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị tại một số địa phương chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc điều chỉnh quy hoạch, nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, điều chỉnh quy hoạch chi tiết còn chưa chặt chẽ. Nguồn vốn, thủ tục lập quy hoạch còn vướng mắc, hạn chế...

Đáng chú ý, năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, còn chậm đổi mới. Chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện pháp luật, cơ chế, chính sách về quy hoạch và phát triển đô thị còn thiếu quyết liệt, chưa đồng bộ; trình độ, năng lực của phần lớn cán bộ, công chức, viên chức quản lý đô thị còn yếu.

Theo đó, năm 2023, Bộ tập trung triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/BCT. Hệ thống dữ liệu toàn quốc về quy hoạch phát triển đô thị cũng sẽ được hoàn thiện, gắn xây dựng quy hoạch, kế hoạch và thực hiện quy hoạch; kế hoạch với phát triển thị trường nhà ở, bất động sản.

Việc thực hiện lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia đảm bảo tiến độ yêu cầu. Ban hành và triển khai Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện quản lý nhà nước về phát triển đô thị năm 2023.

Cùng đó, Bộ tiếp tục triển khai Đề án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030, Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến 2030, Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030.

Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu các mô hình phát triển đô thị gắn với vị trí địa lý, chức năng, vai trò và đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội để làm cơ sở nghiên cứu xây dựng Luật để quản lý phát triển nhiều loại hình đô thị (vùng núi, ven biển, đảo, cửa khẩu, công nghiệp, sinh thái, du lịch, trưởng xanh...)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục